Logo Banner
 
Tin tức - sự kiện
Hướng dẫn: tập luyện dưỡng sinh tâm thể
(Ngày đăng: 02/12/2019 - Lượt xem: 1129)
Dưỡng sinh Tâm thể (DSTT) là một phương pháp tập luyện cổ truyền, dựa trên cơ sở lấy Tâm làm gốc. Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là tiền nhân duy nhất, cũng là Trưởng môn đã hy sinh hạnh phúc gia đình và cả bản thân mình cho lý tưởng

HƯỚNG DẪN

Tập luyện Dưỡng sinh Tâm Thể
(Số 0119/ HD-DSTT- Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam        
 ban hành vào tháng 5 năm 2019)

          Dưỡng sinh Tâm thể (DSTT) là một phương pháp tập luyện cổ truyền, dựa trên cơ sở lấy Tâm làm gốc. Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là tiền nhân duy nhất, cũng là Trưởng môn đã hy sinh hạnh phúc gia đình và cả bản thân mình cho lý tưởng, phổ biến rộng rãi việc tập luyện DSTT trong cả nước.

Cấu trúc của phương pháp tập luyện DSTT được chia làm 3 phần: Tập lối sống, tập thể chất và tác động năng lượng hỗ trợ.

Hội viên DSTT huyện Lak, tỉnh Đak Lak tập luyện

Phần I: TẬP LỐI SỐNG VỚI TÂM LÀNH

Sức khỏe của mỗi người do 3 yếu tố quyết định là di truyền, môi trường, lối sống. Ba yếu tố trên có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng tác động lên sức khỏe.

Phương châm sống, rèn luyện của DSTT đã được cố Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương chỉ dạy, đó là:

Tâm: Hiếu lễ với tổ tiên, ông bà cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, thương yêu, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ vui buồn, hoạn nạn. Sống yêu thương chăm sóc người thân, chết tôn kính phụng thờ. Không sân si, hờn giận, tham lam, ngã chấp. Không nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, không tà dâm, không xì ke ma túy, không xem tranh ảnh sách báo đồi trụy. Không tự đại, tự tôn, tự hào, tự đắc, tự cao, tự phụ, tự ái… Giữ tâm yên lặng, bình tĩnh, lúc nào cũng mong muốn mọi người khỏe mạnh, giàu sang, hiền lành, đạo đức.

Khẩu: Ăn lựa món vừa miệng, hợp với dạ dày, hợp với điều kiện của mình, không nói lời độc ác với người khác, không nói tục, chửi thề.

Thân: Không làm việc gì quá sức mình, hằng ngày tập luyện thể dục thường xuyên để cho khí huyết lưu thông, nhằm giúp cho các tế bào trong cơ thể hoạt động tích cực, không ở trong trạng thái trì trệ.

Tìm việc thiện để làm, tìm sai để sửa, làm những điều ích nước, yên dân, lợi nhà.*

Phần II: TẬP THỂ CHẤT

DSTT cho rằng, con người khỏe mạnh bình thường khi sống hài hòa với đất trời (trạng thái cân bằng âm dương, cân bằng năng lượng, cân bằng sinh thái) trong sự thống nhất Thiên - Địa - Nhân. Nhưng trong quá trình sống và lao động, vì các nguyên nhân khách quan, chủ quan nào đó sự cân bằng này bị phá vỡ ở các mức độ khác nhau. Từ đó gây nên các loại bệnh tật khác nhau, ở mức độ khác nhau. Cơ thể tích khí dương nhiều, gây ra các bệnh về dương (quá nóng). Ngược lại, cơ thể tích khí âm nhiều, sẽ gây ra các bệnh về âm (quá lạnh). Phép tập luyện của phương pháp DSTT là để thu hút năng lượng vũ trụ (Âm, Dương) điều hòa trả lại trạng thái cân bằng âm dương. Đó chính là cơ sở khoa học để phục hồi sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.

 

Tập thể chất gồm 2 phần, nhằm tiếp nhận năng lượng tích cực và xả bỏ năng lượng tiêu cực. Cụ thể:

A. Tập Vận động tự do:

Hít thở thu nhận năng lượng: Đây là động tác cơ bản quan trọng nhất của DSTT, hít vào tối đa, thở ra tối đa cùng với sấp ngửa hai tay giúp thu năng lượng, tăng thông khí, tăng trao đổi chất ở tế bào và mô chủ phổi, tạo cân bằng âm dương trong cơ thể theo Đông y: “Âm dương cân bằng bất bệnh”.

Năng lượng của tạo hóa là vô cùng trong vũ trụ, khi hướng dẫn viên và người tập có được năng lượng dồi dào thì có khả năng giúp người khác, bằng phương pháp chuyển giao năng lượng tình thương của DSTT nhằm nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật.

Thực hiện:

Xoa, vuốt, vỗ toàn thân từ đầu đến chân, “quán tưởng” vuốt bỏ hết năng lượng tiêu cực trong cơ thể ra ngoài, thu nhận năng lượng mới, năng lượng tích cực.

Vận động tự do kết hợp với hít thở. Trong quá trình này cần phối hợp toàn thân, giữ tâm an định, mong muốn được lành bệnh, vận động hoàn toàn tự do theo nhu cầu riêng của từng cơ thể người bệnh, nhằm đạt tối đa sự cân bằng âm dương.

Tập từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ, từ đơn điệu đến đồng điệu, từ thời gian ngắn đến thời gian dài. Trong tập luyện thân, lấy hít thở bằng miệng làm gốc, riêng đối với những bệnh thuộc về mũi, hít bằng mũi, thở bằng miệng. Sau khi tập thu năng lượng, đau đâu xoa, vỗ, vuốt đó. Đây là phần tập cơ bản và bắt buộc với tất cả những ai có thể. Thời gian đầu nên có sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, tình nguyện viên.

Những học viên già yếu hoặc mắc dị tật, bệnh hệ vận động, hệ thần kinh, chưa làm chủ bản thân, đi lại không được hoặc khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt cá nhân, bị những bệnh tổn thương thực thể (gẫy chân, tay, cấp cứu cấp tính, bệnh truyền nhiễm, chó dại hay thú dại cắn), không cần tham gia phần này.**

DSTT Krong Ana, huyện Buôn Đôn, Đak Lak

B. Tập đồng đều 20 động tác:

Học viên tự tác động toàn thân, bằng 20 động tác được chia ra 3 phần như sau:

  • Phần cổ và đầu gồm 7 động tác,
  • Phần thân gồm 8 động tác,
  • Phần tứ chi gồm 5 động tác.

Xoa ấm hai tay trước khi chuyển đến từng phần, đầu, thân, tứ chi, lòng bàn chân tiếp đất: Làm tăng tác dụng thu hút năng lượng vũ trụ cho cả hướng dẫn viên và người tập.

Thực hiện 7 lần cho mỗi động tác.

1 - Động tác Vỗ - Chải Đầu:

Cách Thực hiện:

          - Vỗ đầu: Tay phải đặt trước ngực, tay trái dùng vỗ đỉnh đầu, sau đó đổi tay.

          - Chải đầu: Dùng 10 đầu ngón tay chải theo chiều từ trước ra sau.

Tác dụng: Giúp tăng khả năng thu hút năng lượng, hưng phấn thần kinh, tăng tuần hoàn não bộ, ổn định huyết áp, dễ ngủ.

2 - Xoa Mắt:

Cách thực hiện:  Dùng ngón tay giữa và ngón áp út đặt lên mắt, tay trái đặt lên mắt trái, tay phải đặt ở mắt phải, vuốt mắt từ trong ra ngoài, tay phải vuốt mắt phải hít vào – tay trái vuốt mắt trái thở ra. Sau đó dùng mô cái và mô út lòng bàn tay xoa thuận chiều kim đồng hồ rồi xoa ngược lại.

Tác dụng:  Phòng trị bệnh lý ở mắt, tăng thị lực, thông tuyến lệ, chống nếp nhăn thâm quanh mắt.

3 - Động tác xoa Mũi.

Cách thực hiện: Gấp ngón cái vào lòng bàn tay, khép kín các ngón khác, dùng ngón trỏ xoa lên xuống dọc hai bên mũi, không qua huyệt Ấn đường, khi xoa lên hít vào – khi xoa xuống thở ra.

Tác dụng: Giúp thông kinh mạch, khí huyết tại chỗ, phòng chữa viêm mũi, sổ mũi, viêm xoang, thông tuyến lệ.

4 - Xoa miệng.

Cách thực hiện: Đặt bàn tay phải lên mu bàn tay trái, dùng 2 ngón tay trỏ và ngón giữa bàn tay trái xoa từ phải qua trái thuận theo chiều kim đồng hồ. Khi xoa vòng môi trên, kết hợp thở ra, khi xoa vòng môi dưới, kết hợp hít vào.

Tác dụng: Phòng chữa bệnh méo miệng, viêm chân răng, nướu răng, viêm lợi…còn có tác dụng cấp cứu khi bị kích ngất.

5 - Xoa Mặt.

Cách thực hiện: Dùng hai lòng bàn tay xoa mặt, từ cằm lên hai bên thái dương, xuống dưới hai bên cơ hàm. Khi xoa lên kết hợp hít vào và xoa mạnh hơn, khi xoa xuống thở ra và nhẹ hơn (nhằm tránh xệ má).

Tác dung: Làm đẹp da mặt, xóa nếp nhăn mặt, giúp tinh thần tỉnh táo phấn chấn, thông kinh lạc tại chỗ.

 

6 - Xoa Tai.

Cách thực hiện:

  • Xoa ngoài và vuốt vành tai: ngón cái sau tai, các ngón trước tai xoa từ trên xuống rồi đẩy lên, dùng hai ngón tay cái và trỏ kẹp vuốt hai vành tai từ trên xuống dưới.
  • Rung nhĩ: dùng 2 lòng bàn tay ốp sát vào tai, các ngón tay đặt sau gáy (khi ốp tai nghe chít chít là được), rồi bật mạnh lòng bàn tay ra khỏi tai.
  • Vỗ hoành não: giữ nguyên tư thế rung nhĩ, các ngón tay giữ cố định, ngón tay trỏ đè lên ngón giữa, bật đánh xuống xương chẩm tạo âm thanh (nghe như đánh trống).

          Tác dụng: Phòng chống viêm tai, ù tai điếc tai, tăng thính lực và trí nhớ.

DSTT xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

7 - Xoa Vuốt Cổ.

Cách thực hiện: Bàn tay trái xoa cổ bên phải, bàn tay phải xoa cổ bên trái, sau đó bàn tay trái vuốt vào giữa cổ, từ trên xuống kết hợp với hít vào thở ra.

Tác dụng: Phòng trị bướu cổ và các bệnh về tuyến giáp, viêm họng, kích thích trang miễn dịch, điều hòa nội tiết.

8 - Xoa bóp gáy, vận động cổ.

Cách thực hiện:

  • Xoa gáy: Tay phải nắm lại và đặt sau lưng, bàn tay trái xoa sau gáy từ trái qua phải rồi ngược lại từ phải sang trái, kết hợp quay cổ. Đổi tay làm tương tự.
  • Vận động cổ:

 - Ngửa cổ lên hít vào, gập cổ xuống thở ra (7 lần).

 - Nghiêng cổ qua bên trái hít vào, nghiêng qua bên phải thở ra (7 lần).

 - Xoay đầu từ phải qua trái 7 vòng và ngược lại.

    Tác dụng: Phòng trị bướu giáp, viêm họng, kích thích tăng miễn dịch, điều hòa       

    nội tiết…phòng chống thoái hóa cột sống cổ, chữa đau mỏi vai gáy, hội chứng    

    vai cánh tay…

9 - Vỗ, Rung ngực.

Cách thực hiện:Tay phải đặt ra sau lưng, bàn tay nắm lại cho ngón cái vào giữa, giữ vuông góc. Tay trái vỗ vào ngực bên phải 4 nhịp (mạnh nhẹ tùy theo lực chịu đựng của từng người), sau nhịp 4, tay để tại chỗ và rung ngực. Khi vỗ kết hợp hít vào, khi rung thở ra. Đổi tay và làm tương tự.

Tác dụng: Tăng lưu thông cơ, mạch, thần kinh vùng ngực, trung thất, phòng ngừa cơn đau ngực do co mạch vành, rối loạn thần kinh tim, thiếu máu tim, tăng tuyến sữa…phòng áp xe, ung thư vú.

10 - Vỗ, Xoa bụng.

Cách thực hiện:

- Vỗ bụng: Hai chân đứng thẳng rộng bằng vai, hai tay đưa lên cao hết cánh tay tạo hình chữ V, hít vào, úp bàn tay đưa xuống vỗ vào bụng, ngón cái tách riêng 4 ngón khép lại (cho rốn nằm giữa khoảng trống hình tam giác do 2 bàn tay tạo thành), sau đó thở ra.

- Xoa bụng: Hai bàn tay chồng lên nhau, xoa vòng quanh bụng theo chiều kim đồng hồ.

Chú ý:  phụ nữ đang mang thai chỉ xoa bụng, không được vỗ.

Tác dụng: Thông khí huyết nội tạng vùng bụng, điều hòa hệ tiêu hóa, giảm mỡ bụng, phòng trị táo bón, viêm đại tràng, giúp tiêu hóa tốt.

11 - Vỗ, Xoa lườn (Hông, Eo, Sườn, Nách).

Cách thực hiện: Hai chân đứng thẳng rộng bằng vai, tay phải áp lên gáy, tay trái vung ra, các ngón tay khép lại vỗ vào lườn phải 4 nhịp từ dưới lên, theo thứ tự hông, eo, sườn, nách (ở nhịp thứ 4, ngón tay cái xoè ra vỗ bao luôn cả hố nách). Sau khi thực hiện đủ 7 lần, xoa nhẹ từ trên xuống dưới. Đổi tay và làm tương tự với lườn trái.

Tác dụng: Tăng lực cơ, lưu thông khí huyết, điều hòa mạch máu thần kinh, phòng chống đau thần kinh liên sườn, tăng hô hấp…tác động vào vùng hông sườn trong đó có huyệt.

12 - Vỗ Rốn phổi.

Cách thực hiện: Chân trái bước về phía trước,  bàn tay phải nắm lại (ngón tay cái để bên trong) để tay ngang thắt lưng. Bàn chân phải kiễng lên, bàn tay trái vỗ mạnh vào vùng rốn phổi trái. Kết hợp hít vào thở ra, khi bàn tay đưa xuống thì sấp, lên thì ngửa. Đổi bên và làm tương tự với tay phải vỗ rốn phổi phải.

Tác dụng: Bổ phổi, phòng hư lao, tăng thông khí phổi, phòng trị đau, thoái hóa khớp vai, khuỷu, cổ tay.

13 - Vỗ rung lưng.

Cách thực hiện:

  • Vỗ lưng trên: Dùng mu bàn tay trái vỗ lưng trên, kết hợp hít vào, dùng mu bàn tay phải vỗ lưng trên, kết hợp thở ra.
  • Đấm lưng dưới: Tay phải úp vào rốn, tay trái nắm lại, ngón cái nằm bên trong, vung tay ngang tầm vai kết hợp hít vào, đấm vào thắt lưng rồi rung nhẹ thở ra. Khi đổi tay, bàn tay trái úp lên mu bàn tay phải, tay phải rút ra và thực hiện đấm lưng tương tự như tay trái.

   Tác Dụng: giúp bồi bổ nguyên dương, phòng chống thoái hóa cột sống, trị đau   lưng, đau thần kinh liên  sườn, điều hòa thần kinh vùng lưng, bổ thận…

14 - Vặn cột sống (Vặn vỏ đỗ ).

Cách thực hiện: Tay phải đặt trên tay trái, hai lòng bàn tay úp vào nhau (tay trái ngửa, tay phải úp cách nhau 10cm), đưa hai tay lên ngang ngực, kết hợp hít vào thật sâu, mắt nhìn thẳng về phía trước, từ từ xoay vặn cột sống đến tối đa về bên trái, thở ra. Trở lại tư thế ban đầu, hít vào đổi bên và thực hiện tương tự.

Tác dụng: Bồi bổ nguyên dương, chống thoái hóa đốt sống, giảm đau lưng.

15 - Xoay thắt lưng.

Cách thực hiện: Hai chân đứng thẳng rộng bằng vai, hai bàn tay áp vào thắt lưng mỗi bên (ngón cái đặt về phía trước, 4 ngón còn lại phía sau), xoay thắt lưng từ trái qua phải, nửa vòng phía trước, kết hợp hít vào, nửa vòng phía sau thở ra (luôn giữ gối chân đứng thẳng). Sau đó đổi chiều thực hiện tương tự.

Tác dụng: Phòng chống thoái hóa cột sống, trị đau lưng, đau thần kinh liên sườn, điều hòa cơ thần kinh vùng lưng, bổ thận.

16 - Đập vỗ tay.

Cách thực hiện: Đưa cánh tay phải ra phía trước, úp lòng bàn tay trái vỗ từ mu bàn tay phải lên đến vai 7 nhịp (nhịp 4 đập vào khuỷu tay) hít theo nhịp vỗ, đến nhịp 7 thở ra, tiếp tục ngửa bàn tay phải, vẫn dùng bàn tay trái vỗ 7 nhịp đối xứng từ hố nách ra lòng bàn tay, hít theo nhịp vỗ, đến nhịp 7 thở ra và vỗ hai lòng bàn tay vào nhau. Đổi tay và thực hiện tương tự.

Tác dụng: Có tác dụng kích thích 3 đường Kinh dương ở tay, chống tê mỏi, đau nhức, viêm thoái hóa khớp vai, khớp khuỷu tay, khớp cổ tay, làm tăng trương lực cơ tay.

17 - Động tác vỗ chân.

Cách thực hiện: Hai chân đứng thẳng rộng hơn vai, đôi bàn tay đưa lên ngang vai, lòng bàn tay úp xuống, kết hợp hít vào, cúi xuống vỗ đều từ lưng hông xuống mắt cá chân bên ngoài 7 nhịp, thở ra. Tiếp tục vỗ từ mắt cá chân bên trong, kết hợp hít vào, 7 nhịp (đối xứng) lên đến thắt lưng, nhịp cuối cùng vỗ vào thắt lưng, ưỡn người mắt nhìn lên, vỗ mạnh - thở ra.

Tác dụng: Phòng chống tê mỏi chân, chống viêm thoái hóa xương khớp, tăng cường lực cơ chân kích thích ba đường kinh âm ở chân.

Chị Huỳnh Thị Quyên (phải) CLB DSTT Xuân Thịnh đang giúp đỡ một người bệnh

18 - Động tác đứng tấn.      

Cách thực hiện: Hai chân đứng thẳng rộng hơn vai, mắt nhìn thẳng (nhìn thẳng về phía trước vào một điểm), hai bàn tay áp vào thắt lưng, ngón tay cái phía sau, 4 ngón còn lại áp phía trước, hít vào - từ từ khụyu gối xuống tấn, thở ra - từ từ đứng lên, hít vào và lặp lại.

Tác dụng: Tăng lực cơ, lưu thông khí huyết, điều hòa mạch máu thần kinh, phòng chống bệnh trĩ sa, sa dạ con, đau thần kinh liên sườn, tăng hô hấp tác động vào vùng hông sườn.

19 - Vỗ đầu gối.

Cách thực hiện: Hai tay dang rộng ngang bằng vai, mắt nhìn thẳng (nhìn thẳng về phía trước vào một điểm), hít vào, đưa gối trái lên vuông góc, mũi bàn chân chúc xuống (như múa vũ balê), hai bàn tay vỗ vào hai bên đầu gối trái, kết hợp thở ra và sau đó lặp lại bằng gối phải.

Tác dụng: Nhằm giúp tăng cường sức bền của gân khớp gối, chống thoái hóa xương khớp, tạo sự dẻo dai cho khớp gối.

20 - Động tác điều hòa.

Cách thực hiện: Chân đứng rộng ngang vai hai tay chụm lại trước ngực hít vào từ từ kết hợp đưa hai tay lên cao như hoa sen nở từ từ thả tay cúi xuống buông tay thả lỏng toàn thân, thở ra.

Tác dụng: Làm máu huyết lưu thông, cân bằng âm dương cơ thể, tinh thần sảng khoái, toàn thân được thư giãn.

Kết thúc tập 20 động tác, cho người tập đứng tại chỗ cùng đồng diễn bài hát “Còn gì vui hơn” của ông Viện trưởng, Tiến sĩ - Nhạc sĩ Doãn Nho.

THỨ TỰ ĐỘNG TÁC ĐỒNG DIỄN

BÀI “CÒN GÌ VUI HƠN”

Có 7 trong số 20 động tác được chọn để ghép vào bài đồng diễn, cụ thể như sau:

 

TT

ĐỘNG TÁC

NỘI DUNG TƯƠNG ỨNG

GHI CHÚ

 

1

Chải tóc:

  • Lần 1
  • Lần 2

 

Còn gì vui hơn

Thân ta khỏe mạnh

 

 

2

Vỗ ngực:

- Tay trái vỗ 2 lần, đổi tay

- Tay phải vỗ 2 lần

 

 

Còn gì (1) - đẹp bằng (2), tâm

Ta sáng (1)- như gương (2)

 

 

3

Vỗ bụng:

- Lần 1

- Lần 2

 

Ta yêu quê hương

Góp phần bé nhỏ

 

 

4

Vỗ gối:

- Lần 1 (gối trái-gối phải)

- Lần 2 (gối trái-gối phải)

 

Giúp mọi người - cùng tập

Vì đất nước - phồn vinh

 

 

5

Vặn mình:

- Hai tay để vị trí chuẩn bị

- Vặn mình sang trái

- Vặn mình sang phải

- Về vị trí đầu

 

Ta yêu

Quê hương

Thương người

Mến vật

 

 

6

Vỗ lườn:

- Tay trái vỗ 1 lần (4 nhịp từ hông-eo-sườn - nách phải)

 

 

- Tay phải vỗ 1 lần (4 nhịp từ hông-eo-sườn-nách trái)

 

Nghe lời(1)-Bác dạy(2)-Ta uống nước(3)- Nhớ nguồn(4)

 

 

Nghe lời-Má dặn-Ta uống nước-Nhớ nguồn

 

Bàn tay phải để khum sau vành tai phải (không đặt sau gáy như lúc tập bình thường)

 Bàn tay trái để khum sau tai trái.

 

7

Điều hòa:

 

(Hát 3 lần ở đoạn kết)

(1) Còn gì

- vui hơn

(2) Còn gì

 

- vui hơn

 

(3) Còn gì

 

- vui hơn

Đưa 2 tay lên cao

- hạ 2 tay ngang vai.

Cúi người và vòng tay xuống phía dưới

- thẳng người lên và đưa hai tay lên cao.

Vẫn thẳng người, vòng 2 tay xuống rồi đưa lên cao.

- huơ 2 tay theo tiếng ngân

 

Kết thúc: tay trái nắm để sau lưng, tay phải khép kín ngón và vỗ vào ngực trái 4 lần cùng nhịp hô “Dưỡng-Sinh-Tâm-Thể” (hô to, dõng dạc), sau nhịp cuối (4), vung tay chếch sang phải và hô to “Khỏe”. Làm 3 lần động tác này. Lưu ý hô KHỎE lần cuối cùng thật to và kéo dài.

Phần III: TÁC ĐỘNG NĂNG LƯỢNG HỖ TRỢ

Trong phần này huấn luyện viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên với vai trò như một kênh dẫn năng lượng tích cực giúp người bệnh thanh lọc năng lượng tiêu cực và nhận năng lượng tích cực để lành bệnh.

HLV Nguyễn Việt Hùng tác động cho người bệnh

Đây cũng là một phần quan trong mang lại hiệu quả cao, khó tách rời của phương pháp DSTT.

Phần tác động năng lượng hỗ trợ có hiệu quả hay không, không chỉ phụ thuộc vào niềm tin khỏi bệnh, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cuộc sống hướng thiện của huấn luyện viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người bệnh. Đối với những người già yếu, hoặc mắc các chứng bệnh thuộc hệ vận động có thể bỏ qua phần tập thể chất, chỉ cần sống với Tâm lành và nhận tác động năng lượng hỗ trợ vẫn có thể lành bệnh.

Cũng cần ghi chú rằng trong trường hợp bạn tự tập không có sự hỗ trợ của hướng dẫn viên thì hãy làm hướng dẫn viên của chính mình.

Trước hết bạn hãy ngồi một cách thoải mái (thậm chí có thể nằm) trong sự tĩnh tại, hướng suy nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất, xoa hai bàn tay nóng lên rồi xoa, vỗ, vuốt vào vùng đau của cơ thể, với suy nghĩ mạnh mẽ rằng mình đang đẩy năng lượng tiêu cực ra, nhận năng lượng tích cực vào để làm lành bệnh và kiên định giữ niềm tin là sẽ có hiệu quả. Việc tự tác động trong tư thế thoải mái này hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh vào thời gian của bạn. Tuy nhiên, tuyệt đối không tác động cho đến mệt.

Cũng xin nhấn mạnh rằng: “Đây cũng là một đề tài mở, một đề tài vô hạn, tin tưởng nó sẽ còn được hoàn thiện dần trong tương lai của chúng ta và những thế hệ tiếp theo”. 

...............................

*Để biết thêm chi tiết, mời xem thêm ấn phẩm “Năng lượng Tình thương”( NXB Hồng Đức- 2015) và “Tâm Lành” của Tiến sĩ Đặng Kim Nhung, NXB Văn hóa - Thông tin - 2013)

**Để biết thêm chi tiết, mời xem ấn phẩm “Dưỡng sinh Tâm thể-phương pháp tập luyện cơ bản” chủ biên: Tiến sĩ Trương Thị Thảo, NXB Lao động.

*** Học viên kết thúc bằng bài hát“ Còn gì vui hơn” của Tiến sĩ, Nhạc sĩ Doãn Nho. Mời tham khảo tại Website: www.vienduongsinhtamthe.com, vào mục video xem “Phương pháp tập luyện Dưỡng sinh Tâm thể”.                          

Tin tức khác