Logo Banner
 
Tin tức - sự kiện
Phương pháp luyện tập cơ bản
(Ngày đăng: 24/09/2019 - Lượt xem: 1023)

DƯỠNG SINH TÂM THỂ

PHƯƠNG PHÁP
 TẬP LUYỆN CƠ BẢN

Chỉ đạo thực hiện: Giám đốc Trưởng môn
NGUYỄN THỊ HƯƠNG (tức Má Hai Bình Định)

Chủ biên: TRƯƠNG THỊ THẢO - TS. Sinh học

Vẽ bìa và minh họa: TRẦN PHƯƠNG THẢO

Tài liệu này đã đươc in trong cuốn
“DƯỠNG SINH TÂM THỂ ĐẨY LÙI TRỌNG BỆNH” Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2004
(Phần I, từ trang 9 đến trang 20)

HÀ NỘI, 12 - 1997

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

Phương pháp tập luyện Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) cổ truyền được bà Nguyễn Thị Hương (thường gọi là Má Hai Bình Định) đưa ra miền Bắc mới được 2 năm đã đưa lại hiệu quả khá rõ rệt, không chỉ ở khía cạnh nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật (Thân lành) cho con người, mà còn là lý thú hơn, ở khía cạnh nhân văn đó là đồng thời giúp con người rèn luyện tâm và ngôn hướng tới điều thiện (Tâm lành, Ngôn lành).

Là người bị nhiều căn bệnh nan y chữa chạy trong và ngoài nước nhiều năm không khỏi, đến với phương pháp DSTT sức khỏe đã trở lại tốt, các
bệnh đều khỏi, tự đáy lòng mình tôi vô cùng biết ơn Má Hai.

Là người có thói quen nghiêm túc và khá khó tính do ảnh hưởng nghề nghiệp là làm công tác nghiên cứu khoa học suốt cuộc đời, tôi đã thực tâm dành thời gian để tìm hiểu các chỉ dẫn quá gọn
(đến không thể gọn hơn) và quá đơn sơ (không
thể đơn sơ hơn) của Má Hai, không chỉ riêng tôi mà với bất cứ ai đến với DSTT. Tôi tự suy nghĩ, tự lý giải những điều chỉ dẫn quá đơn giản ấy thông qua sự hiểu biết rất hạn chế của mình về con người, về vũ trụ…; Tôi tự thử nghiệm một cách nghiêm túc các điều lý giải ấy trên bản thân mình trong quá trình tập luyện (có sự hướng dẫn của Má, đứng trước Má và không có sự hướng dẫn của Má khi tự tập một mình ở nhà), đồng thời mở rộng ra trên những người bệnh là người thân và bạn bè gần gũi mình nhất - và vô cùng kinh ngạc về hiệu quả tốt đẹp bất ngờ. Với nhu cầu khẩn thiết của người bệnh muốn được khỏe mạnh và đẩy lùi bệnh tật nhanh chóng hơn tôi; được Má Hai trực tiếp chỉ dẫn và được nhiều anh chị em huấn luyện viên cũ và mới góp ý kiến khích lệ và nhất là để kịp phục vụ Hội nghị tổng kết hoạt động DSTT - 1997, theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên, tôi mạnh dạn dự thảo tập tài liệu nhỏ này và mong được nhiều người tham khảo, thử vận dụng với hy vọng sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân thành và bổ ích để nhanh chóng cho ra đời tài liệu hướng dẫn tập luyện DSTT chính thức có tính thuyết phục cao, có cơ sở khoa học chắc chắn hơn sau này.

Các ý kiến đóng góp xin gửi về:

  1. Ban nghiên cứu Khoa học –Viện nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể, số 8 ngõ 48 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: (04) 37 84 12 96

  1. Trương Thị Thảo, TS. Sinh học, phòng 108, L2, 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

ĐT: (04) 35 19 09 23

Xin chân thành cám ơn bạn đọc!

Bà Trương Thị Thảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng DSTT ( thứ 3, từ phải qua) và các đại biểu tại Đại hội đại biểu DSTT Nhiệm kỳ 2 tỉnh Phú Thọ (25-10-2013).

Ảnh:Ngọc Lang
 

I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG

1.1. Mục đích tập luyện DSTT để nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật

1.2. Đối với tập luyện bao gồm tất cả mọi người (không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, nam nữ, dân tộc, tôn giáo, không bị những bệnh thực thể: tổn thương thực thể (gẫy chân, gẫy tay, cấp cứu cấp tính, bệnh truyền nhiễm, chó dại hay thú dại cắn…). Tự nguyện đến tập luyện và tuân theo điều lệ của Trung tâm DSTT.

1.3. Nơi tập: Thoáng mát, sạch sẽ. Hẹp, rộng, tùy điều kiện và số lượng người tham gia tập luyện. Tĩnh lặng, không ồn ào.

1.4. Thời gian tập luyện: Tùy theo trạng thái sức khỏe của người tham gia tập luyện, có thể
từ 5, 10 phút đến 30, 40 phút/ một lần tập:

  • Sức khỏe kém, người bệnh tự tập luyện ít hơn, ngược lại được hướng dẫn viên (HDV) trực tiếp tác động giúp nhiều hơn.
  • Khi sức khỏe tăng dần người bệnh tự tập luyện là chính dưới sự tác động chung của HDV, còn HDV tác động giúp trực tiếp sẽ ít hơn trong
    mỗi lần tập.
  • Khi sức khỏe ổn định dần, tự tập luyện tại nhà là chính.

II. NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TẬP LUYỆN DSTT

II.1. Những nguyên tắc cơ bản

II.1.1. Nguyên tắc chung

II.1.1.1. Tập luyện Tâm, Thân, Khẩu đồng thời với tập luyện thu hít năng lượng vũ trụ vào cơ thể bằng miệng kết hợp hài hòa sự vận động tay, chân hoặc toàn thân tùy trạng thái và nhu cầu cơ thể
trên nguyên tắc lấy tập luyện Tâm (luôn giữ cho
Tâm lành) làm gốc.

II.1.1.2. Tập luyện Tâm giữ vai trò số một, bao trùm và chi phối tập luyện KhẩuThân. Tâm sai, thì dù tập luyện Thân, Khẩu tốt mấy cũng không đem lại kết quả mong muốn (hãy suy ngẫm về biểu tượng của DSTT ngoài bìa).

II.1.1.3. Luôn đảm bảo nguyên tắc tâm tâm tương ứng, tâm tâm tường đồng giữa HDV và người tập, nghĩa là khi HDV tập trung tư tưởng, tâm sức truyền năng lượng cho người tập, thì người tập phải tập trung tư tưởng để thu nhận năng lượng từ HDV truyền cho.

II.1.1.4. Tập luyện tự do không có bài bản chung cho tất cả mọi người có sự vận dụng 3 tư thế cơ bản tùy từng thể trạng mỗi người.

II.1.2. Nguyên tắc chi tiết

II.1.2.1. Tập luyện cần luôn trong niềm tin (tin HDV sẽ giúp mình, tin bản thân mình) sẽ nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật.

II.1.2.2. Tập luyện cần luôn trong sự tập trung tư tưởng cao, muốn vậy phải luôn hướng Tâm mình vào niềm tin đã được xác định ở trên.

II.1.2.3. Tập luyện tự do theo nhu cầu cơ thể từng người vận dụng 3 động tác cơ bản nâng dần:

  • Từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ.
  • Từ đơn điệu đến đồng điệu.
  • Từ thời gian ngắn đến thời gian dài.

II.1.2.4. Tập kết hợp với luyện - luyện trong
quá trình tập.

II.1.2.5. Tập làm cơ sở để luyện - luyện giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của tập.

II.1.2.6. Tập luyện thường xuyên trong mọi hoàn cảnh sống, trong mọi trạng thái sức khỏe của bản thân.

II.1.2.7. Tập luyện trong suốt cuộc đời chứ không phải chỉ khi có bệnh.

II.1.2.8. Trong tập luyện Thân lấy tập luyện hít thở bằng miệng làm gốc, kết hợp hài hòa với vận động 2 bàn tay và toàn cơ thể.

II.2. Ba nội dung cơ bản của tập luyện DSTT

II.2.1. Tâm

II.2.1.1. Giữ yên lặng, bình tĩnh, lúc nào cũng muốn mọi người được khỏe mạnh, giàu sang, hiền lành đạo đức.

II.2.1.2. Hiếu lễ với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

II.2.1.3. Biết kính trên nhường dưới, thương yêu, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ vui buồn, hoạn nạn.

II.2.1.4. Sống yêu thương chăm sóc, chết tôn kính phụng thờ.

II.2.1.5. Không sân si, hờn giận, ghét ganh, tham lam, ngã chấp.

II.2.1.6. Không nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, không tà dâm, không xì ke ma túy, không xem tranh ảnh sách báo đồi trụy.

II.2.1.7. Không tự đại, tự tôn, tự hào, tự đắc, tự cao, tự phụ, tự ái.

Làm được 7 điều trên là giúp bảo vệ và tu luyện Tâm tốt.

II.2.2.  Khẩu

II.2.2.1. Ăn - lựa món ăn vừa miệng, hợp với dạ dày của mình, hợp với điều kiện của mình thì ăn

II.2.2.2. Không nói lời ác độc với ai.

II.2.2.3. Không nói tục.

II.2.3. Thân

II.2.3.1. Không làm việc gì quá sức với mình.

II.2.3.2. Hàng ngày tập luyện thể dục thường xuyên để cho khí huyết lưu thông, để cho các tế bào trong cơ thể trong trạng thái hoạt động tích cực, không ở trạng thái trì trệ.

II.2.3.3. Phương pháp tập luyện thu không khí (năng lượng vũ trụ):

A - Cơ sở khoa học: DSTT cho rằng con người sống giữa đấttrời (âm và dương); con người vốn sống hài hòa với đất trời (trạng thái cân bằng âm dương, cân bằng năng lượng, cân bằng sinh thái) trong sự thống nhất làm một; thiên - địa - nhân hòa quyện vào nhau là một; con người khỏe mạnh bình thường. Nhưng rồi trong quá trình sống và lao động, vì các nguyên nhân khách quan, chủ quan nào đó sự cân bằng này bị phá vỡ ở các mức độ khác nhau. Từ đó gây nên các loại bệnh tật khác nhau ở mức độ khác nhau. Cơ thể tích khí dương nhiều quá, gây ra các bệnh về dương (quá nóng), ngược lại cơ thể tích khí âm nhiều quá, sẽ gây ra các bệnh về âm (quá lạnh). Phép tập luyện thu hít năng lượng vũ trụ (âm, dương) là để điều hòa trở lại, trả lại cho con người trạng thái cân bằng âm dương được hòa đồng, lục phủ ngũ tạng được hòa đồng. Đó chính là cơ sở khoa học để phục hồi sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật trong con người. Vì vậy, khi đến với DSTT, mỗi người cần tự biết xác định rõ ràng trạng thái năng lượng của cơ thể mình ra sao (quá nóng hay quá lạnh), trên cơ sở đó lựa chọn động tác tập luyện cho phù hợp với trạng thái năng lượng ấy của cơ thể mình (tính tương ứng trong tập luyện) nhằm bổ sung phần năng lượng mình thiếu, điều chỉnh phần năng lượng mình quá thừa, đưa
mình về trạng thái cân bằng năng lượng (cân bằng
âm dương).

B - Ba động tác cơ bản trong sự phối hợp hài hòa vận động hai bàn tay, chân và toàn thân, lấy việc hít thở năng lượng vũ trụ bằng miệng làm gốc.

B.1. Cách hít thở thu hít năng lượng bằng miệng như sau: Đầu lưỡi cong lên chạm vào hàm ếch trên, hai hàm răng khép lại hít khí ôxy vào từ từ qua đường miệng (giống như ta hít phải thứ gia vị cay ta phát ra âm thanh “dít” nhẹ) trong sự định tâm, dang rộng 2 cánh tay, tưởng tượng ra đang thu khí ôxy trong lành vào lồng ngực và khoang bụng đang căng ra ở mức độ tối đa.

Khí ôxy lập tức lan tỏa nhanh thấm vào mọi tế bào trong toàn cơ thể. Sau đó miệng mở ra tự nhiên từ từ thở ra. Hai cánh tay thu lại, lồng ngực ép lại, khoang bụng thót lại ta tưởng tượng từ mọi tế bào trong toàn thân ta các khí độc, khí CO2 tích tụ từ lâu bị đẩy nhanh thoát ra khỏi cơ thể ta qua đường miệng. Sự hít vào càng sâu bao nhiêu, sự thở ra càng lâu bao nhiêu thì lượng ôxy hít vào và khí CO2 đẩy ra càng lớn bấy nhiêu. Sự trao đổi khí trong cơ thể ta được tăng cường mạnh mẽ. Sự thở bẳng miệng như thế làm đưa vào và đẩy ra một lượng khí lớn hơn nhiều so với hít thở bằng mũi trong cùng thời gian.

B.2. Sự thở trong tập luyện DSTT diễn ra tương đồng với hướng vận động của khuôn mặt.

1. Khi mặt ta cúi hướng xuống phía dưới mặt đất (hình 1) ta tưởng tượng sẽ hít từ mặt đất, từ trong lòng Trái đất khí mát mẻ (năng lượng âm) bổ sung sự thiếu hụt khí âm trong người ta - đấy là lúc

ta đang bị các căn bệnh liên quan đến sự tích tụ quá nhiều khí dương (nóng quá) trong cơ thể.

2. Ngược lại khi ta ngửa mặt hướng về phía bầu trời (hình 2) ta tưởng tượng sẽ thu hít năng lượng dương (ánh dương, năng lượng nóng ấm của mặt trời) để bổ sung sự thiếu hụt nó trong cơ thể ta - đó là khi ta đang bị các bệnh về âm (do quá lạnh gây nên).

3. Khi mặt ta hướng ngang (hình 3) (vị trí quân bình, không ngửa không cúi) ta thu hít năng lượng đất trời trong trạng thái cân bằng âm dương - trạng thái cơ thể hòa đồng âm dương, Thiên-Địa-Nhân hòa đồng - ta khỏe mạnh.

  • Khi thu hít năng lượng sự hướng lên phía bầu trời hay mặt đất hoặc ngang của khuôn mặt phải chăng còn liên quan tới một cơ sở khoa học khác nữa là: “Mặt con người là sự phản chiếu các bộ phận của cơ thể (?) (trang 469 “Nền văn hóa cổ thần bí Đông - Tây phương kỳ diệu” trong cuốn “ALMANACH những nền văn minh nhân loại nên phải chăng trên khuôn mặt con người đã tập trung đầy đủ các đầu mối, các cơ quan trong cơ thể, tự nó thông qua từng đầu mối ấy có thể tự thu nhận loại năng lượng (âm hoặc dương) mà các bộ phận cơ quan nào đó đang thiếu hụt thông qua vị trí hướng mặt cúi xuống mặt đất, hoặc ngửa lên bầu trời?

B.3. Đồng thời với sự hít thu năng lượng vũ trụ qua miệng và theo hướng mặt nêu trên, là sự kết hợp hài hòa với sự vận động toàn cơ thể - ở đây DSTT đặc biệt chú trọng đến hướng mặt của đôi bàn tay.

1. Khi bàn tay ta úp xuống theo hướng mặt đất (hình 1) ứng vơi khuôn mặt cúi xuống đất, là lúc cơ thể cần thu năng lượng mát mẻ của trái đất, khi cơ thể ta đang bị các bệnh liên quan đến sự thừa năng lượng dương (quá nóng).

2. Khi 2 bàn tay ngửa lên trời (hình 2) ta cần thu nhận năng lượng nóng ấm của mặt trời (ánh dương) vào đôi bàn tay ta, bổ sung vào sự thiếu hụt loại năng lượng (dương) này của cơ thể - là lúc ta bị các bệnh do lạnh gây nên.

Khi ta vận động tập luyện trong tư thế 1 trong 2 bàn tay sấp, 1 còn lại thì ngửa (hình 3), ta trong trạng thái quân bình âm dương, sẽ thu năng lượng âm dương đồng thời - là lúc cơ thể ta đang khỏe mạnh.

  • Cuối cùng là đôi bàn chân tiếp đất trong trạng thái tiếp đất tự nhiên (chân để trần không đi dép, guốc).

Tại sao DSTT lại chú ý đến vị trí úp, ngửa của bàn tay như vậy? Và tại sao đôi bàn chân phải
tiếp đất? Có thể xem (ví) đôi bàn tay, đôi bàn chân khuôn mặt con người như những parabon thu và phát sóng năng lượng được không? Và cùng với sự thở bằng miệng (?) câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ. Tuy vậy cũng có thể tham khảo một luận chứng sau đây: “Bàn chân phản chiếu phủ tạng và các vùng của cơ thể” (trang 473) và “bàn tay và các ngón tay phản chiếu phủ tạng và các cơ quan khác” (trang 484) trong “Những nền văn hóa cổ thần bí Đông - Tây phương kỳ diệu” (ALMANACH những nền văn minh thế giới) - Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin,
Hà Nội, 1997.

II.2.3.4. Cuối cùng khi kết thúc tập, ta uống một cốc nước sôi để nguội (hoặc nóng tùy thời tiết) với lượng ít nhiều tùy nhu cầu cơ thể, tùy quá trình tập nhanh hay lâu, vận động và hít thở thu năng lượng ít hay nhiều. Cơ sở khoa học cũng còn cần bàn thêm. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu theo cách hạn hẹp thuần túy sinh học rằng khi ta vận động cơ bắp trong quá trình tập luyện và thu hít không khí (năng lượng vũ trụ) bằng miệng, các tế bào của tất cả các cơ quan trong cơ thể ta được đánh thức, chuyển từ trạng thái nghỉ nằm yên (trì trệ) sang trạng thái hoạt động tích cực; các quá trình trao đổi chất, trao đổi khí huyết trong cơ thể xảy ra mạnh mẽ, trong đó không chỉ nguồn năng lượng ta thu vào được sử dụng, nước là một yếu tố rất quan trọng trong hoạt động sống của mọi cơ thể sinh vật cũng được huy động mạnh để sử dụng trong quá trình trao đổi chất, nên đương nhiên sẽ bị hao hụt đi. Uống vào sau khi tập để bù đắp lại sự thiếu hụt đó, trả lại cho cơ thể trạng thái cân bằng nước, chẳng lẽ không phải là hợp lý, là cần thiết, là hoàn toàn có cơ sở khoa học hay sao? Sau 30 phút tập, mồ hôi ta đổ ra, người ta nhẹ nhõm, nhưng thấy khát, uống vào 1 cốc nước mát người sẽ sảng khoái, và bất cứ ai cũng cảm nhận được điều này.

II.2.3.5. Thực hành DSTT

  • Khi bị đau nhức, rát buốt chỗ nào, ta định tâm lại tập trung tư tưởng, chà xát hai bàn tay vào nhau, nghĩ trong tâm là ta đang huy động năng lượng đã được tích lũy trong cơ thể trong quá trình tập luyện ra lòng bàn tay, làm nóng lòng bàn tay, rồi đập, vỗ, xoa, chà xát, hoặc vuốt lòng bàn tay nóng đó vào chỗ đau nhức, rát buốt tùy theo chỗ đó cứng hay mềm, đau ít hay đau nhiều (việc này có thể làm ngay sau khi tập luyện, trước khi uống nước, hoặc bất cứ lúc nào
    thấy cần).
  • Trường hợp cơ thể ta đang bệnh, khả năng tự tích lũy năng lượng vũ trụ còn chưa cao, khả năng tự đẩy các chất độc từ cơ thể ra ngoài theo mồ hôi và đường hô hấp qua tập luyện còn thấp, thì có thể dùng các tác nhân hỗ trợ bên ngoài có nguồn gốc tự nhiên như gừng, tỏi, cồn theo sự chỉ dẫn cẩn thận của HDV (việc làm này có thể trước và sau khi tập tùy điều kiện và chỉ nên trong thời gian đầu tập luyện DSTT).
  • Hàng ngày, trước khi nằm ngủ và trở dậy ta đều xoa vuốt nhẹ toàn thân, ta nghĩ ta đã làm được gì và sẽ phải làm gì cho đúng với Tâm, Thân, Khẩu. Đây cũng chính là nội dung không thể thiếu được của thực hành DSTT (thực hành).

Làm được những điều trên là phép bảo vệ và rèn luyện Tâm, Thân tốt.

Lưu ý:

  1. Nếu là HDV mà Thân, Tâm, Khẩu sai không sửa sẽ không thể làm HDV được nữa.
  2. Nếu là học viên, nếu Tâm, Khẩu sai thì Thân lại có bệnh trở lại.
  3. Khi khỏi bệnh rồi ta nên cố gắng tạo mọi điều kiện có thể giúp mọi người xung quanh (người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm) cùng hiểu biết tập luyện để khỏe mạnh, hết bệnh tật. Ta sẽ thấy vui hơn, yêu đời, yêu người hơn và ta lại càng khỏe hơn. Tính nhân văn của tập luyện DSTT chính là ở chỗ này, cũng chính từ đây DSTT mang tính cộng đồng rõ nét và là điểm khác biệt rất đặc thù của DSTT so với các loại hình hoạt động khác - là thế mạnh chỉ của riêng DSTT: người khỏi bệnh có Tâm và thương yêu con người sẽ nhanh chóng trở thành HDV DSTT.

 

MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU.. 3

I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG.. 7

II. NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TẬP LUYỆN DSTT  8

II.1. Những nguyên tắc cơ bản. 8

II.1.1. Nguyên tắc chung. 8

II.1.2. Nguyên tắc chi tiết 9

II.2. Ba nội dung cơ bản của tập luyện DSTT  10

II.2.1. Tâm.. 10

II.2.2.  Khẩu. 11

II.2.3. Thân. 11

 

Tin tức khác