Đại tá- TS, Nhạc sĩ Doãn Nho là một trong số 7 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017 cho cụm tác phẩm, gồm: “Thanh xướng kịch Trẩy hội Đền Hùng”, “Hoa Lư -Thăng Long- Bài ca dời đô”, “Giao hưởng Khúc tưởng niệm”, “Liên khúc Giao hưởng 3 chương: Chiến thắng”.
Cả gia đình cùng gắn bó với âm nhạc
Đối với Đại tá- Tiến sĩ, Nhạc sĩ (NS) Doãn Nho, Xuân Đinh Dậu 2017 hẳn là mùa Xuân đẹp nhất: Đầu năm mới ông được Đảng bộ quận Đống Đa, Hà Nội trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, tiếp đó Nhạc sĩ lại nhận tin vui: ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Cả gia đình NS Doãn Nho cùng sống trong tình yêu âm nhạc bởi nghề nghiệp cũng gắn liền với âm nhạc. Nhiều năm qua, thành công của NS Doãn Nho dù lớn hay nhỏ cũng là niềm vui chung của cả nhà. Vợ chồng NS Doãn Nho có hai người con gái và một người con trai đều làm công tác âm nhạc. Doãn Quyên, người con gái đầu làm biên tập viên m nhạc của Đài TNVN. Người con trai là NSƯT- Nhạc sĩ Doãn Nguyên, hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN. Con gái út, Doãn Mai Hương là Giảng viên Học viện m nhạc quốc gia. Khi biết cha mình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSƯT- NS Doãn Nguyên xúc động chia sẻ“ Có thể nói cha tôi là người Thầy đầu tiên hướng dẫn cho tôi những kỹ năng đầu tiên về sáng tác m nhạc và chỉ dẫn, góp ý cho công việc hiện nay của tôi là Chỉ huy dàn nhạc. Trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc của tôi cho đến nay ông luôn là người đồng hành, chia sẻ, động viên trên từng bước đường trưởng thành. Có những tác phẩm hia cha con cùng viết chung, rát nhiều tác phẩm của ông tôi được trực tiếp phối khí và chỉ huy dàn nhạc thể hiện. Đó là hạnh phúc mà tôi may mắn có được”
Đại tá Doãn Nho luôn tự hào mình là Nhạc sĩ mặc áo lính thì Thiếu tá Nguyệt Ánh cũng tự hào là ca sĩ mặc áo lính. Với bà Nguyệt Ánh thì có chuyện thú vị, âm nhạc còn là sợi tơ hồng xe duyên cho ba chị em ruột lấy ba ông chồng đều là Nhạc sĩ. Bà Nguyệt Ánh là chị cả kết hôn với NS Doãn Nho; người em thứ hai là Nghệ sĩ Pi-a-nô Thúy Nga kết hôn với NS Huy Thục, còn em thứ ba là ca sĩ Kim Oanh kết hôn với NS Vũ Chí Nguyện (con trai NS Văn Ký).
Kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt đối với vợ chồng NS Doãn Nho- Nguyệt Ánh là đợt hai vợ chồng cùng vào phục vụ chiến trường. Trong chuyến đi ấy, NS Doãn Nho đã sáng tác các ca khúc ca ngợi tinh thần ngoan cường, quả cảm và mưu trí của bộ đội và nhân dân ta trong chiến đấu như “Quả bom câm”, “Phải chăng I len”, “Chị em ta làm nương đánh giặc”.
Khi NS Doãn Nho được Nhà nước cử đi học tại Liên Xô cũng là những năm tháng đáng nhớ của bà Nguyệt Ánh. Hồi đó nhiều người được sang Liên Xô học tập nhưng vẫn tiết kiệm, tranh thủ mua đồ dùng gửi về đỡ đần vợ con, nhưng NS Doãn Nho lại không làm được. Bà Nguyệt Ánh kể, có hai lần đi nhận hàng nhưng mở bao hàng ra chỉ toàn là sách âm nhạc và đĩa hát phục vụ cho nghiên cứu, tuyệt nhiên không có thứ gì có thể bán được. Nói ra thì không ai tin. Nhưng bà không than vãn, không chịu bó tay, chính bà là người chèo lái con thuyền gia đình để cho NS Doãn Nho toàn tâm, toàn ý vào hoạt động nghiên cứu, sáng tác âm nhạc. Có thể nói, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp âm nhạc của NS Doãn Nho đều có phần đóng góp không nhỏ của ca sĩ Nguyệt Ánh, người bạn đời, người đồng đội thân yêu của ông.
Những ngày này, NS Doãn Nho đang tập trung cho việc chuẩn bị dàn dựng vở Opera (Nhạc kịch) “Bài ca Tình yêu” với chủ đề ca ngợi người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, do ông sáng tác từ mùa xuân năm 2012 và hoàn thành vào tháng 3/2014.
“Còn gì đẹp bằng tâm ta sáng như gương”
Năm nay NS Doãn Nho 84 tuổi, còn bà Nguyệt Ánh tuổi cũng đã 78 tuổi. Chúng tôi rất mừng khi thấy hai ông bà tác phong hoạt bát, đi lại nhanh nhẹn và nói chuyện vui vẻ, cởi mở. Hỏi thăm vì sao ông, bà có được sức khỏe như hiện nay, bà Nguyệt Ánh nở nụ cười hồn hậu: “Chẳng có bí quyết gì đâu, đó là nhờ cách đây hơn hai mươi năm, vợ chồng tôi may mắn biết được một phương pháp tập luyện hàng ngày rất đơn giản mà rất hiệu quả, đó là phương pháp Dưỡng sinh tâm thể của bà Hai Hương”.
Những tác phẩm âm nhạc rất thành công của Nhạc sĩ Doãn Nho khiến cho công chúng rất yêu quý ông. Nhưng ít người biết được vì sao từ năm 1997, NS Doãn Nho lại có thêm một chức vụ là Viện trưởng, Viện Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể, một thành viên của Liên hiệp UIA, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt nam (VUSTA).
Năm 1969, ca sĩ Nguyệt Ánh gửi đứa con trai chưa đầy năm cho em gái mình để tham gia Đội văn công xung kích vào phục vụ chiến trường B3, Tây Nguyên. Đây là vùng đất ác liệt và bị máy bay Mỹ rải chất độc da cam. Khi trở ra Bắc được một thời gian, sức khỏe bà Nguyệt Ánh bị suy giảm nhanh chóng và bị nhiều chứng bệnh nan y. Năm 1989, trong một đợt điều trị tại BV, bà được chỉ định phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Xét nghiệm tại BV K và BV Quân đội 108, cả hai bệnh viện đều cho kết quả bà bị u ác tính. NS Doãn Nho được bác sĩ thông báo, bà Nguyệt Ánh chỉ sống được khoảng 6-7 năm nữa. Sau đợt phẫu thuật, bà Nguyệt Ánh sút chỉ còn gần 40 cân, bà mệt tới mức không đủ sức leo lên tầng hai, tay không nhắc nổi nồi cơm điện, nhưng đáng lo hơn là hàng ngày bà vẫn bị những cơn đau hành hạ. Có bệnh thì vái tứ phương, cứ nghe đâu mách có “thầy hay, thuốc tốt” là NS Doãn Nho lại bươn bả tìm đến, rồi đưa bà Nguyệt Ánh đến khám và cắt thuốc. Ông động viên và chở bà tìm đến các phương pháp trị liệu khác với hy vọng “còn nước còn tát” nhưng cũng không thấy kết quả. Ông rất buồn nhưng hề than thở. Năm 1996, may mắn gặp được một người bạn, khuyên vợ chồng ông Doãn Nho hãy đến số nhà 8, ngõ 48, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, chữa trị bằng phương pháp Dưỡng sinh tâm thể.
Ảnh: Nhạc sĩ Doãn Nho và bà Nguyệt Ánh bên tấm bia khắc lời bài hát "Người mẹ Quảng Nam" do ông sáng tác, tại khu tưởng niệm Mẹ VNAH ( Tam Kỳ, Quảng Nam).
Nhớ lại, bà Nguyệt Ánh kể: Hôm đầu tiên đến, thấy bà Hai Hương chỉ dùng đôi bàn tay đập đập, vỗ vỗ cho một số người, rồi hướng dẫn hít, thở nên tôi rất thất vọng. Tôi nói nhỏ với ông Doãn Nho: “ Ở bệnh viện bao nhiêu bác sĩ giỏi, thiết bị máy móc, thuốc men như vậy mà không chữa nổi, huống chi ở đây chỉ tập đơn giản thế này”. Và bà bảo ông đưa mình về, hôm sau dù ông Doãn Nho nói thế nào bà cũng kiên quyết không đi. Nhưng NS Doãn Nho vẫn kiên trì tìm hiểu sâu hơn về phương pháp Dưỡng sinh tâm thể, khi trở về nhà ông nhẹ nhàng nói với bà Nguyệt Ánh: “Đến với Dưỡng sinh tâm thể mình có phải uống thuốc, tiêm chích, tốn kém gì đâu. Thôi thì có bệnh phải vái tứ phương, em cứ chịu khó đến một thời gian nữa xem sao”. Cảm động trước tình cảm ân cần của chồng, bà Nguyệt Ánh đồng ý để ông đưa đến gặp bà Hai Hương một lần nữa. Và điều kỳ diệu đã đến: chỉ sau ba ngày được bà Hai Hương tác động, bà thấy đỡ đau rõ rệt. Sau một tuần vừa tập vừa được tác động, bà đã khỏi hẳn đau. Mừng quá, ngày ngày ông Doãn Nho kiên trì chở bà đến tập theo phương pháp rất giản đơn mà rất hiệu quả này. Càng tập, bà càng thấy khỏe ra, ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn, sức khỏe tốt lên rõ rệt, trọng lượng cơ thể tăng lên nhanh. Tất cả những người thân, bạn bè của vợ chồng NS Doãn Nho đều biết sự việc bà Nguyệt Ánh mắc bệnh hiểm nghèo nhưng nhờ lòng kiên trì và tình yêu thương vợ chồng mà bà Nguyệt Ánh đã chiến thắng “thần chết”.
Đối với Viện Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể, trường hợp bà Nguyệt Ánh từ chỗ bị ung thư ác tính đến nay vẫn sống khỏe mạnh là câu chuyện rất kỳ diệu! “Nhờ gặp má Hai Hương và nhiều yếu tố may mắn khác mà sức khỏe của tôi được như vậy, nhưng nếu không nhờ tình yêu thương vợ chồng thì có lẽ chúng tôi đã không tìm được đến đích”, bà Nguyệt Ánh nói. .
Bà Nguyệt Ánh không những vượt qua cái mốc tử thần “chỉ sống 6 năm” mà còn nhanh nhẹ, khỏe mạnh hơn nhiều. Bà còn giúp đỡ những người khác tham gia tập luyện Dưỡng sinh tâm thể (DSTT). Như cách “đền ơn, đáp nghĩa” và thấy được lợi ích to lớn của DSTT đối với mọi người, NS Doãn Nho đã nhận lời làm Viện trưởng, Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT, một chức vụ hoàn toàn không có lương hay phụ cấp. Viện hoạt động với phương châm “Lấy Tâm làm gốc”, từ thiện- nhân đạo, mục đích giúp cộng đồng nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Tuy đã vào tuổi 84, nhưng nhờ tập luyện DSTT mà NS Doãn Nho giữ được sức khỏe ổn định, ngày ngày ông vẫn vào mạng đọc báo, đọc những thông tin liên quan đến m nhạc .Vợ chồng ông gần còn cùng các cán bộ của Viện đi đến các tỉnh, thành để động viên phong trào DSTT. Công việc này đã tạo cảm hứng cho NS Doãn Nho đã sáng tác ca khúc “Còn gì vui hơn”, phần ca từ của ca khúc được mở đầu với câu “Còn gì vui hơn thân ta khỏe mạnh, còn gì đẹp bằng tâm ta sáng như gương” mà tất cả những ai tham gia tập luyện DSTT cũng đều tâm đắc.
TỪ NGỌC LAN
(Bài đã đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 3/2017)