Logo Banner
 
Lịch sử hình thành
Lịch sử hình thành và phát triển
(Ngày đăng: 27/12/2013 - Lượt xem: 8859)
DSTT cho tới thời điểm này đã có mặt trên địa bàn 30 tỉnh và thành phố trong cả nước, và để lại dấu ấn không thể phai mờ nhờ tính hiệu quả cao cũng như tính nhân văn sâu đậm của nó

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DƯỠNG SINH TÂM THỂ (DSTT)

(Phác thảo)

 

BBT- Trong khi chờ đợi Tài liệu hoàn chỉnh về quá trình hình thành và phát triển DSTT do Viện nghiên cứu ứng dụng DSTT biên soạn, BBT website xin giới thiệu tài liệu “Lược sử” dưới đây,do TS- Nhạc sỹ Doãn Nho, Viện trưởng, biên soạn từ tháng 4- 2008, nhằm giúp cho bạn đọc tham khảo.

Má Hai Hương chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị giao lưu truyền thống Đại biểu Hai Giỏi (12-1996)

LỜI NÓI ĐẦU

 

DSTT cho tới thời điểm này đã có mặt trên địa bàn 30 tỉnh và thành phố trong cả nước, và để lại dấu ấn không thể phai mờ nhờ tính hiệu quả cao cũng như tính nhân văn sâu đậm của nó.

Hoạt động DSTT có 2 thời kỳ được phân chia rõ ràng: thời kỳ trước và thời kỳ sau khi thành lập Trung tâm DSTT Trung ương (21/8/1995). Thời kỳ trước tạm gọi là “Thời hoạt động dân dã”, thời kỳ sau tạm gọi là “Thời hoạt động trong tổ chức”. “Thời hoạt động dân dã” mang tính bản năng và tự phát. “Thời hoạt động trong tổ chức” mang tính tự giác và có điều hành.

Hoạt động DSTT trong quá trình hình thành và phát triển gắn chặt với tên tuổi và vai trò của Bà Giám đốc Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương (1934-2005) cùng sự hỗ trợ tận tình và có hiệu quả của Liên hiệp UIA.

DSTT của chúng ta không nằm ngoài dòng chảy lịch sử dưỡng sinh thế giới, dù với những tên gọi khác nhau; bởi vậy để có cái nhìn khách quan, chúng ta cần có hiểu biết nhất định về một số hình thái dưỡng sinh thế giới.

Tổ chức DSTT của chúng ta chực chất là một tổ chức làm khoa học thực nghiệm với tính từ thiện và tự nguyện rất cao. Đây là một đặc điểm rất đáng tự hào của chúng ta, cần được ghi nhận và đánh giá đầy đủ, đúng đắn để từ đó có thể viết tiếp những trang sử vẻ vang trong những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đặt vấn đề viết Lược sử hình thành và phát triển DSTT (gọi tắt là Lược sử) trong thời điểm này là đúng, tuy có muộn đôi chút. Để có thể hoàn thành kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Trung tâm DSTT Trung ương 21/8/2010 rất cần sự tham gia đóng góp ý kiến, cung cấp tư liệu của tất cả mọi người có quan tâm, các Huấn luyện viên (HLV), Hướng dẫn viên (HDV) cùng những người thân trong gia đình, những người đồng hương hoặc có dịp được sống gần bà Giám đốc Trưởng môn.

Cuốn Lược sử sẽ gồm các phần:

- Lời nói đầu.

- Phần I: Khái niệm về DSTT và một số hình thái dưỡng sinh trên thế giới.

- Phần II: DSTT cổ truyền Việt Nam và vai trò của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương.

- Phần III: DSTT trong “Thời hoạt động dân dã”.

- Phần IV: DSTT trong “Thời hoạt động trong tổ chức”.

- Thay lời kết.

 

PHẦN I

KHÁI NIỆM VỀ DSTT VÀ MỘT SỐ HÌNH THÁI

DƯỠNG SINH TRÊN THẾ GIỚI

 

Riêng đề mục này đã có thể là một chuyên đề lớn, một công trình nghiên cứu công phu; tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ tóm tắt những mốc quan trọng đã làm nên khái niệm về DSTT qua bài viết của một số nhà hoạt động khoa học từ khi Trung tâm DSTTTW được thành lập và trải qua 3 cuộc Hội thảo khoa học với những chủ đề:

-“DSTT với sức khỏe và đời sống tinh thần của cộng đồng” (3/1998).

-“DSTT, những căn cứ khoa học ban đầu” (12/1998).

-“DSTT, những thành tựu và hướng phát triển” (8/2000).

 

Trong cuốn “DSTT – Phương pháp tập luyện cơ bản”, viết năm 1997, ngay những dòng đầu tiên khi đi vào nội dung của phương pháp, TS. Trương Thị Thảo trung thành với ý kiến chỉ đạo của Bà Giám đốc Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương đã khẳng định: DSTT là phương pháp tập luyện TÂM, THÂN, KHẨU đồng thời với tập luyện thu hút năng lượng vũ trụ vào cơ thể bằng miệng kết hợp hài hòa sự vận động tay chân hoặc toàn thân tùy trạng thái và nhu cầu cơ thể trên nguyên tắc lấy tập luyện TÂM (luôn giữ cho TÂM lành) làm gốc.

Sau đó tác giả chỉ dẫn thêm về sự phối hợp giữa người dẫn tập và người tập (TÂM TÂM tương ứng – TÂM TÂM tương đồng) và cụ thể hóa chữ TÂM (Hiếu đễ với tổ tiên, ông bà, cha mẹ - Sống thương yêu đoàn kết – Không nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, tà dâm – Không tự cao, tự đại, tự đắc, tự ái,…) Toàn bộ cuốn sách toát lên bản chất của phương pháp là Hướng thiện, Uống nước nhớ nguồn và lấy tập luyện nâng cao sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật.

Có thể nói đây là Khái niệm cơ bản dễ hiểu, dễ nhớ mà Bà Giám đốc Trưởng môn thường xuyên nhắc nhở lúc sinh thời.

Tuy nhiên do nhu cầu hiểu biết luôn phát triển nên Bà Giám đốc Trưởng môn cũng yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học phải tiếp tục giải thích để tiếp tục khẳng định: DSTT không phải mê tín dị đoan, DSTT vừa khuyến THIỆN, vừa đem lại sức khỏe cho cộng đồng. Chính vì vậy một loạt bài viết sau đó đã đi sâu vào chữ TÂM với khái niệm là một dạng năng lượng sinh học đã được giới khoa học công nhận nhưng chưa định lượng được chi tiết cụ thể.(*) Cũng từ nhận thức này, tác giả (Đại Đức Thích Đức Thiện) đã cho biết có rất nhiều môn DSTT cổ truyền của Ấn Độ, Trung Hoa nổi tiếng toàn cầu, như Yoga, Thiền, Khí công, Thái cực đạo… Các hình thái này đều có những “bí quyết” riêng nhưng cùng chung một phương thức: lấy tập luyện (trong mối tương quan TÂM-THỂ) nâng cao sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật. (**)

Vừa đi sâu vừa khái quát ở tầm khá rộng về tính khoa học được biểu hiện qua những đặc trưng của DSTT, TS. Đặng Kim Nhung đã viết tham luận “Dưỡng Sinh Tâm Thể và các giả thuyết” đọc tại Hội thảo khoa học lần thứ nhất (14/3/1998), tham luận “Vũ trụ song song hay thế giới đa chiều với Dưỡng Sinh Tâm Thể và các giả thuyết” đọc tại Hội thảo Khoa học lần thứ hai (7/12/1998). Là chủ nhiệm đề tài, TS. Đặng Kim Nhung đã hoàn thành và trình bày bằng song ngữ Việt-Anh công trình nghiên cứu trong 4 năm (1998-2002) với chủ đề: “Bước đầu thử nghiệm tập DSTT để khắc phục di chứng do nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh”. Và gần đây đã viết bản tham luận “Tiếp cận tâm linh từ lý thuyết mô hình”. Với sự nghiên cứu miệt mài và nghiêm túc của mình, TS. Đặng Kim Nhung đã góp phần làm sáng tỏ bản chất khoa học của DSTT: DSTT chính  là Y học năng lượng.

Trên thực tế, cả hai khái niệm trên vừa cần thiết vừa bổ sung hỗ trợ cho nhau. Cố GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng – nguyên Chủ tịch Hội đồng TW Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị tổng kết hoạt động DSTT toàn quốc ngày 12/01/2001 đã khẳng định: DSTT có cơ sở khoa học.

__________________

(*) “ Nói lại cho rõ Dưỡng Sinh Tâm Thể không phải bây giờ mới có” – Đại Đức Thích Đức Thiện, báo An Ninh Thủ Đô, số 121, 24/11/1997.

(**) Theo “Almanach Những nền văn minh thế giới” (Các trang 483-510) thì Yoga chính là phương pháp tập luyện làm chủ năng lượng của bản thân để từ đó có thể điều khiển nó, qua nó tiếp cận được bản thể của thế giới. Đạt Ma Thiền Sư – Thủy tổ chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc) đã “ngộ” ra “Thiền định sẽ đưa đến trí tuệ, tâm thần an định ắt trí tuệ sinh”. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) của chúng ta cũng nói “Nhờ định có Tuệ”. Khí công và Thái cực đạo đều tuân thủ nguyên tắc thu phát và ứng dụng năng lượng.

 

PHẦN II

DSTT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

VÀ VAI TRÒ CỦA BÀ TÔN NỮ HOÀNG HƯƠNG

 

Như Phần I đã nói, trên thế giới có nhiều hình thái Dưỡng sinh với tên gọi khác nhau nhưng cùng chung một phương thức tập luyện TÂMTHỂ để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Ở nước ta cũng vậy, ngay trong Liên hiệp UIA hiện có các Trung tâm Năng lượng Dưỡng Sinh, Dưỡng Sinh Tổng Hợp cổ truyền; còn trước đây có Động công Bùi Long Thành, Tĩnh công Hoàng Vũ Thăng, ngoài ra còn các tổ chức chữa bênh bằng nhân điện…

Tuy nhiên trong thực tiễn 13 năm qua kể từ 21/8/1995 – ngày mở đầu “Thời hoạt động trong tổ chức” của DSTT, hầu hết những người đã tham gia tập luyện DSTT đều thừa nhận:

1. Tính hiệu qủa cao, nhiều trường hợp có thể nói kỳ diệu. Tính hiệu quả cao còn biểu hiện ở số lượng người tập cùng một lúc rất đông (hàng trăm người) mà hiệu quả vẫn đảm bảo đều khắp như nhau.

2. Phương pháp tập luyện đơn giản, hợp với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi thể trạng.

3. Mục đích và cách thức tổ chức tập luyện mang tính THIỆN đích thực, không vì tiền, không vì danh, tất cả vì sức khỏe và vì sự khuyến THIỆN trong cộng đồng.

4. Tính lan tỏa nhanh, từ người tập để khỏi bệnh trở thành người dẫn tập giúp người khác tập chỉ qua một thời gian ngắn, thậm chí vài ngày.

5. Các môn Dưỡng Sinh đều đề cao cái TÂM, nhưng với DSTT thì TÂM là gốc, là yếu tố bao trùm và quyết định tất cả. Đó cũng là nét đặc trưng lớn nhất của DSTT. Ngày nay, DSTT đã trở thành một phương pháp Dưỡng Sinh rất có uy tín với tổ chức rộng lớn trên địa bàn nhiều tỉnh và thành phố ở cả ba miền. Có được sự kỳ diệu này trước hết là nhờ công lao to lớn của Bà Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương.

Bà có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến hơn cả là Má Hai Hương, hoặc chỉ một từ: Má! Chỉ riêng điều này cũng đã nói lên sự gần gũi như ruột thịt của Bà với cộng đồng, cũng như tình cảm rất đỗi thân thương và tôn kính của cộng đồng dành cho Bà.

Bà sinh năm Giáp Tuất 1934, Cụ ông thân sinh là Tôn Thất Yêm, người gốc Huế; cụ bà thân sinh là Trần Thị Thừa, quê tại thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, Phù Mỹ - Bình Định. Do bên nội là dòng dõi khoa bảng nên đã được cấp đất tại Ân Tường, Hoài Ân - Bình Định; vì vậy cũng có thể coi đây là quê nội. Cụ bà thân sinh hiếm hoi, sau khi thành gia thất 7 năm vẫn chưa sinh nở, nhờ đi cầu tự mới mang thai sinh Bà tại quê ngoại (Phù Mỹ - Bình Định).

Cụ ông đã mất năm 1986, thọ 86 tuổi. Cụ bà mới mất năm 2005, thọ 94 tuổi.

Bà lập gia đình với ông Lâm Minh Quang, quê Hoài Ân – Bình Định, cũng thuộc dòng dõi khoa bảng. Ông bà sinh được 4 người con, sau đó gia đình chuyển vào sống tại Tây Ninh. Sau một thời gian mang bệnh nặng, bà quyết định rời nhà ra đi tìm lên núi Hồng Ngự - Phan Thiết để tu luyện và chữa bệnh. Sau đó Bà bắt đầu hành trình chữa bệnh cứu người. Cho tới nay nhiều người còn nhớ hình ảnh một người đàn bà thấp đậm gánh thuốc đi bán dạo nhưng lại rao: Ai mua thì bán, ai xin thì cho! Nơi hành nghề là dưới một gốc cây và chữa bệnh bằng lá thuốc chỉ là một phần, chủ yếu Bà dùng đôi bàn tay của mình xoa, vuốt, vỗ... Sau đó cho người bệnh uống nước. Chỉ có vậy mà bệnh tật tiêu tan. Tiếng lành đồn xa, mọi người đến xin Bà giúp rất đông và biếu Bà nhiều đồ ăn thức uống, có khi chất đầy gốc cây, Bà lại sẻ cho những người có bệnh đang đói khát vì quá nghèo.

Có lẽ chỉ cần gợi lại đôi nét hình ảnh của Bà thủa ban đầu đi giúp đời, chúng ta đã nhận ra cái TÂM của Bà lớn nhường nào để từ đó có ngày hôm nay, với hàng vạn người được hưởng hạnh phúc khỏi bệnh, được thức tỉnh để hướng THIỆN và đã ghi nhận với lòng biết ơn sâu sắc một phương pháp cứu người kỳ diệu: Dưỡng Sinh Tâm Thể của Má Hai Hương!

 

PHẦN III

DSTT TRONG “THỜI HOẠT ĐỘNG DÂN DÔ

 

Như phần II đã kể, để cứu đời Má Hai Hương đã đi vào dân, sống cuộc đời dân dã, chia ngọt sẻ bùi, xả thân cứu bệnh với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”. Bà như đốm lửa thiêng giữa đêm tối bão giông, đem lại niềm tin vào cái THIỆN, thức tỉnh lương tri, thức tỉnh những tiềm năng để người dân có thể tự cứu mình, tự vươn lên sống khỏe và sống THIỆN. Những người được Bà cứu lại che chở đùm bọc Bà, giúp Bà nhiều lần thoát khỏi những tai vạ bởi sự thấp kém, hèn hạ, không nhìn ra, không hiểu được ĐẠO LÀM NGƯỜI của Bà.

Tuy nhiên, như “Lửa thử vàng”, Bà đã bị bắt với lý do đã chữa bệnh cho cả những gia đình Việt Cộng và thân Cộng. Bà đã phải ngồi tù 4 năm. Trong tù, chữ TÂM của Bà càng rạng, Bà an ủi và chăm sóc sức khỏe cho mọi tù nhân và cả cai tù.

Được ra tù ít lâu thì Miền Nam được giải phóng, Bà hồ hởi được sống trong không khí hòa bình thống nhất đất nước và càng mê mải với công việc từ thiện của mình.  “Họa vô đơn chí”, Bà lại bị bỏ tù lần thứ hai tại Mũi Né – Phan Thiết với lý do mê tín dị đoan (khoảng 1981-1984). Lại thêm 3 năm 4 tháng vàng tôi trong lửa, cuối cùng vì là vàng thật nên Bà lại được trở về sống giữa cộng đồng. Đây là thời kỳ Bà tự tay đào tạo hàng loạt Hướng dẫn viên (HDV) cho các tỉnh Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc,… Đội ngũ HDV này là lực lượng nòng cốt cho giai đoạn thành lập những Câu lạc bộ (CLB) và Trung tâm DSTT sau này.

Như một Nhà tiên tri, Bà đã nói: chỉ vài năm nữa chúng ta sẽ có mặt tại Thủ Đô Hà Nội. Vậy là từ đốm lửa thiêng Bà đã linh cảm được ngày càng tỏa sáng khắp đất nước, chấm dứt giai đoạn DSTT trong “Thời hoạt động dân dã”.

 

PHẦN IV

DSTT TRONG THỜI “HOẠT ĐỘNG TRONG TỔ CHỨC”

 

Chúng ta ai cũng thừa nhận “quý như vàng!”. Tuy nhiên nếu không có con mắt tinh đời thì “vàng thau lẫn lộn!” Như có duyên tiền định, người đứng đầu Liên Hiệp UIA là Tổng Giám đốc Vũ Thế Khanh đã nhận ra chất vàng ròng của DSTT và đã tạo mọi điều kiện để DSTT ra và trụ vững tại Hà Nội – Thủ đô của đất nước, để từ đây tỏa về mọi vùng miền. Vậy là nhờ có “TÂM TÂM TƯƠNG ĐỒNG” mà Trung tâm DSTT TW đã ra đời, lời tiên đoán của Bà đã thành hiện thực.

Thời này cũng chia làm hai giai đoạn:

* Giai đoạn từ ngày thành lập 21/8/1995 tới 12/5/2005 (tức 5/4 Ất Dậu) – ngày Bà đi xa.

* Giai đoạn từ sau khi Bà đi xa.

Giai đoạn đầu là lúc sinh thời của Bà, có thể nói là giai đoạn DSTT phát triển rực rỡ; nhiều điểm tập được mở tại Hà Nội (cả nội và ngoại thành) và tại một số tỉnh miền Bắc (trong đó có tỉnh biên giới), trong lúc các tỉnh miền Nam liên tục ra đời một số CLB và sau đó trở thành Trung tâm DSTT của tỉnh. Bên cạnh Bà, từ Trung ương tới địa phương, có các Ban Giám đốc Trung tâm, Ban chủ nhiệm CLB và đội ngũ Huấn luyện viên (HLV), Hướng dẫn viên (HDV) đông đảo được sự chỉ dẫn của Bà đã đem lại sức khỏe cùng cái TÂM hướng THIỆN cho hàng vạn người, trong đó có những người bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh cùng con cháu của mình.

Ban nghiên cứu khoa học trong Ban Giám đốc Trung tâm TW cũng được thành lập từ những ngày đầu, đã cùng giới báo chí kịp thời giới thiệu bản chất nhân đạo và khoa học của DSTT trên báo cũng như qua các tập san và các đầu sách.

Bà cùng Tổng Giám đốc UIA Vũ Thế Khanh đã được mời tham dự Hội nghị giao lưu truyền thống đại biểu Hai giỏi “Giỏi kháng chiến, Giỏi kiến quốc”, tổ chức tại Hà Nội từ 18 tới 22/12/1996. Trong và sau Hội nghị này Bà đã có dịp gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Nhiều Hội nghị Tổng kết hàng năm và Hội thảo khoa học quan trọng đã được tổ chức tại Hà Nội, đông đảo HLV, HDV và môn sinh mọi miền về dự, đem lại không khí ấm áp như mọi thành viên trong hoạt động DSTT cả nước sống chung dưới một mái nhà. Bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu vừa kể không tránh khỏi có những khó khăn chủ quan, khách quan và những vấp váp, như có một số bài báo vu khống chúng ta, một số điểm tập bị gây nhiễu và một số HLV, HDV mất đoàn kết vì thói quen cục bộ; đặc biệt nghiêm trọng là sự lệch lạc trong điều hành dẫn đến sự thay đổi nhân sự trong Ban Giám đốc Trung tâm Trung ương.

Trải qua gần bốn mươi năm gian nan vất vả, tận tâm tận lực đem lại hạnh phúc với cái TÂM THIỆN  cho  cộng đồng, Bà đã ngã bệnh và đi xa vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 12/5/2005, tức mùng năm tháng tư năm Ất Dậu. Lời điếu văn của Ông Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA Vũ Thế Khanh đã diễn đạt đúng tâm nguyện của chúng ta: “Tuy tấm thân tứ đại của Má trở về với đất, với trời, nhưng những cống hiến của Má vẫn được ghi sâu trong tâm khảm muôn người; phương pháp DSTT mà Má đã khởi xướng sẽ còn được duy trì và phát triển mãi mai sau… Má vẫn luôn bên cạnh chúng ta, vẫn luôn nhắc các môn sinh đừng vì vắng Má mà để cho môn DSTT trở thành mai một. Hãy tin rằng, trong mỗi lớp tập DSTT có hương linh của Má; công năng đặc biệt của Má vẫn luôn trợ lực cho chúng ta!”.

Bên cạnh linh cữu của Má suốt dọc đường trường từ Hà Nội và Tây Ninh quê Má có Ông Phó Tổng Giám đốc Vũ Gia Khánh, đại diện cho cơ quan Đảng và cơ quan điều hành của Liên hiệp.

Giai đoạn kế tiếp - giai đoạn từ sau khi Bà đi xa – thực sự là giai đoạn thử thách của chúng ta. Đang quen nếp sống và làm việc có Bà nên không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng ghê gớm, từ việc ăn ở đến điều hành và đặc biệt là phần chuyên môn, làm sao đi sâu vào nội dung và nắm vững được phương pháp? Nhờ tấm gương cao cả và hết sức gần gũi thân thương luôn luôn khích lệ của Bà cộng với sự nỗ lực của bản thân, chúng ta vẫn giữ vững được thành quả và uy tín lớn lao của phương pháp mang tên Bà. Chúng ta đã mở thêm những điểm tập mới, CLB mới ở nhiều nơi (như Quảng Nam, Bến Tre, Lai Châu, Thanh Xuân – Hà Nội, Phường Tân Lập – Buôn Ma Thuột…) và đặc biệt sáng nay đã ra mắt Hội DSTT tỉnh Phú Thọ (18/4/2008).

Bước đầu chúng ta đã đạt được thói quen mới là sống và làm việc theo quy chế. Chúng ta mới sửa và bổ sung lần thứ nhất, chắc chắn còn phải sửa nhiều lần theo năm tháng để phù hợp với thực tiễn và theo kịp sự phát triển của hoạt động DSTT trong tương lai. Khi còn Bà, việc thống nhất ý tưởng và hành động dễ suôn sẻ, còn bây giờ phải dựa vào trí tuệ và sức mạnh tập thể, dựa vào tất cả chúng ta: nghĩa là dựa vào quy chế, không chỉ trong sinh hoạt mà cả trong chuyên môn!

Tập thể của chúng ta có mặt suốt chiều dài của đất nước, nhưng nhìn chung chưa có chế độ tài trợ, chưa có một tấc đất làm trụ sở, chưa có một đồng xu làm quỹ, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải giữ vững và phát huy truyền thống làm việc trong điều kiện “Chỉ có lương tâm, không có lương tiền”. Dĩ nhiên không tránh khỏi sự chia rẽ cục bộ, một số HLV, HDV bị lạc hướng, lạc đường, nhưng nếu chúng ta còn nhớ lời thơ cuối cùng của Bà, chắc mọi vấn đề đều giải quyết được:

 

" Tôi mong sao người người như một
Ý nghĩ lành, thân làm lành, lời nói lành
Mới để dành cho đến ngày mai
Chúc anh, chị, em vui, khỏe, trẻ, tiếp đến tương lai"

* * * * *  *  *

_____________________

(Thư của Giám đốc Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương gửi các HLV, HDV và các môn sinh DSTT, ngày 15 tháng 7 năm 1997)

 

THAY LỜI KẾT

 

            Trước mắt không còn bao lâu nữa chúng ta sẽ làm kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Trung tâm DSTT Trung ương (21/8/2010). Thời gian 13 năm qua là một giai đoạn lịch sử vẻ vang của Phương pháp tập luyện DSTT của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương. Giai đoạn này đã cho ta những bài học lịch sử mang đặc trưng của phương pháp:

            1. Chữ TÂM là trên hết và trước hết, kể cả trong sinh hoạt, trong điều hành và trong chuyên môn.

            2. Không ngừng học hỏi tìm hiểu để chứng minh và ứng dụng tính khoa học của phương pháp.

            3. Không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất và trình độ chuyên môn để đảm bảo tính hiệu quả cao của phương pháp.

            4. Phải chuẩn bị kịp thời cho thế hệ trẻ đảm đương công việc điều hành từ Trung ương tới địa phương, luôn đảm bảo nguyên tắc tổ chức của phương pháp: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức và quản lý, chúng ta chịu trách nhiệm về chuyên môn.

            5. Phải đảm bảo sức khỏe cho các HLV, HDV; tìm mọi nguồn thu chính đáng để có thể hoạt động lâu dài.

 

 Hà Nội, 18/4/2008

 TS.  Doãn Nho

 

Bài viết liên quan