Logo Banner
 
Bản báo cáo công tích của bà Tôn Nữ Hoàng Nương
Bản báo cáo công tích của bà Tôn Nữ Hoàng Nương
(Ngày đăng: 10/07/2015 - Lượt xem: 6316)

Kính gửi:     Hội Đồng Thi Đua Khen Thưởng Trung Ương

 

Bà Tôn Nữ Hoàng Hương - nguyên Giám đốc, Trưởng môn Dưỡng Sinh Tâm Thể về cõi vĩnh hằng ngày 05 tháng 4 năm Ất Dậu (2005). Bởi vậy, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng Sinh Tâm Thể chúng tôi viết bản báo cáo này để bảo đảm thủ tục thi đua khen thưởng theo quy định. Bản báo cáo gồm 2 phần:

          1/ Thân thế Bà Tôn Nữ Hoàng Hương

          2/ Cuộc đời và sự nghiệp của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương

 

I/ THÂN THẾ BÀ TÔN NỮ HOÀNG HƯƠNG

- Họ và tên: Tôn Nữ Hoàng Hương

- Năm sinh: 1934

- Chức vụ: Giám đốc, Trưởng môn Dưỡng Sinh Tâm Thể

- Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng Sinh Tâm Thể

- Quê quán: Thôn Hà Tây, xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định

- Nơi sinh:   Xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định

- Qua đời:   ngày 05 tháng 4 năm Ất Dậu (2005)

- Mộ táng tại: Thôn Ninh Thọ, Xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh

- Thành phần giai cấp:                      Nông dân

- Bố đẻ: Tôn Thất Yêm                     Nghề nghiệp: Làm ruộng (Đã chết)

- Mẹ đẻ: Trần Thị Thừa                     Nghề nghiệp: Làm ruộng (Đã chết)

- Chồng: Lâm Minh Quang               Nghề nghiệp: Làm ruộng (Đã chết)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng như trong thời kỳ Mỹ Ngụy gia đình Bà Hương không có ai làm cho địch mà chỉ chăm chỉ lao động sinh sống và âm thầm giúp đỡ các chiến sỹ cách mạng.

II/ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA BÀ TÔN NỮ HOÀNG HƯƠNG

Có thể khẳng định rằng cuộc đời và sự nghiệp của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương tràn đầy sự tích anh hùng: Anh hùng trong hành động, anh hùng của tình thương yêu đồng loại. Sự tích anh hùng của Bà trên lĩnh vực DSTT đã thành huyền thoại. Giới truyền thông gọi Bà là hiện thân của chữ TÂM. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên những thành tích nổi bật:

1/ Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là người khởi xướng và truyền nhân duy nhất phương pháp DSTT - Một liệu pháp chữa bệnh theo tự nhiên, thuộc Y học năng lượng nằm trong nhóm Y học bổ sung, có giá trị tập luyện và đẩy lùi trọng bệnh cao, có giá trị nhân văn lớn. Bà vừa là người sáng lập Trung tâm Dưỡng Sinh Tâm Thể.

Cuộc đời Bà Tôn Nữ Hoàng Hương thắm màu nhân ái, vị tha: Ngay từ thuở nhỏ, phát huy truyền thống gia đình Bà đã đem những bài thuốc Nam chữa bệnh cho bà con láng giềng. Lớn lên theo truyền thống quê hương Bình Định Má đã học được Võ Đạo. Bước ngoặt đầu tiên đến với cuộc đời Bà từ năm 1963. Lâm Thị Hoàng Anh, con gái đầu của Bà  kể rằng: trong một chuyến về thăm quê ngoại ở Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Định Bà bị tai nạn giao thông, chết lâm sàng 03 ngày trong bệnh viện. Bà chết lâm sàng trong khi đang mang thai người con thứ 9. Sau khi tỉnh lại Bà sờ tay lên bụng mình và thấy bào thai sống lại (Lâm Minh Trí - người con trai được sinh ra từ bào thai ấy giờ đây đang làm Dược sỹ ở Tây Ninh).

Từ đó Bà bước vào một cuộc đời mới, cuộc đời của một người mẹ mang trái tim nhân hậu và bàn tay huyền diệu ấm nóng tình thương đến mọi phương trời miền Nam gieo nhân thiện, chữa bệnh cứu đời.

Cuộc đời hành thiện của Bà bắt đầu từ ngôi nhà mình. Bà không những truyền năng lượng tình thương cho bà con mà còn truyền cho họ phương pháp chữa bệnh.

Để cứu được nhiều người bệnh, Bà đã tha phương cam chịu cuộc đời gian truân. Những ngày đầu với đôi chân đất và đôi quang gánh trên vai vừa đi vừa rao: “Cao đơn hoàn tán, thuốc dán, thuốc ho ai xin thì cho, ai mua thì bán”. Nơi hành nghề là những gốc cây. Bà thường dùng đôi bàn tay xoa, vỗ, vuốt và cho bệnh nhân uống một cốc nước. Có vậy mà bệnh tiêu tan; “Hữu xạ tự nhiên hương”, người bệnh  đến nhờ Má ngày càng đông, biếu Bà đồ ăn thức uống. Bà nhận và chia sẻ cho những bệnh nhân quá nghèo. Ngày đó mọi người hỏi: chữa bệnh bằng phương pháp gì mà giỏi thế? Bà chỉ nói: Đó là phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng tình thương.

Rồi như suối đổ về sông, sông đổ ra biển cả, phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng tình thương của Bà khởi nguồn từ Bình Định đã theo chân Bà lan tỏa ra các tỉnh Miền Nam trong thời kỳ Mỹ Ngụy như: các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai, Đăk Lăk…

Trên con đường hành thiện của mình Bà đã trải qua nhiều gian khổ hy sinh. Nhưng không có sự gian khổ hy sinh nào có thể cản trở nổi hoài bão cứu đời của Bà.

Để yên bề gia thất, Bà đã cưới vợ hai cho chồng. Để tránh sự nghi kỵ của Ngụy quyền Sài Gòn, Bà đã biết dựa vào dân và đã sống trong lòng dân như những chiến sỹ cách mạng. Bà được nhiều học viên đùm bọc chở che, nhưng với những thủ đoạn xảo quyệt của Ngụy quyền Sài Gòn, Bà nhiều lần bị chúng bắt giam và tra khảo giã man. Có lần bị chúng giam cầm tới bốn năm. Song ở trong tù với khả năng kỳ diệu của mình, Bà đã chữa khỏi bệnh cho nhiều bạn tù. Từ đó cảm hóa được bọn cai ngục.

Ra khỏi nhà tù Mỹ Ngụy, Bà lại tiếp tục đi trên con đường mà mình đã chọn. Ở đâu có người bệnh ở đó có Bà Tôn Nữ Hoàng Hương. Đôi mắt hiền từ của Bà đã chứng kiến biết bao cuộc đời lầm than cơ cực. Đôi bàn tay ấm nóng tình người của Bà đã truyền năng lượng tình thương cho biết bao nhiêu người và đã cứu vớt được biết bao nhiêu người nghèo khổ thoát khỏi bệnh tật thì không sao kể hết được.

Rồi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đôi bàn chân của Bà lại rong ruổi truyền dẫn phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng tình thương cho dân. Tưởng chừng việc  làm tràn đầy nhân đức ấy sẽ được xuôi chèo mát mái. Ngờ đâu Bà lại bị công an của chế độ ta bắt giam vì không có giấy phép hành nghề. Những ngày tháng trong tù, chính bàn tay của Bà đã chứng minh cho các cán bộ quản giáo về khả năng chữa bệnh cứu người của mình và chính những cán bộ quản giáo đã minh oan cho Bà.

Kỳ diệu như vậy đấy! số phận của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là số phận của những người khai sáng, đi trước thời cuộc.

Vượt lên số phận, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, nguy hiểm, hy sinh hạnh phúc gia đình, xả thân vì sứ mệnh chữa bệnh, cứu đời, Bà Tôn Nữ Hoàng Hương ngày lại ngày âm thầm gieo những hạt giống nhân thiện khắp mọi nơi ở miền Nam đất nước. Những hạt giống ấy ngay những ngày đầu tiên đã nẩy mầm đâm lộc. Giờ đây đã thành những cây đại thụ trong đại ngàn Dưỡng Sinh Tâm Thể. Đó chính là đội ngũ HLV, HDV của các tỉnh phía Nam. Họ chính là nhân tố đầu tiên cùng Bà Tôn Nữ Hoàng Hương xây đắp nền móng cho Viện Dưỡng Sinh Tâm Thể. Ba mươi năm hành thiện ở Miền Nam chính bàn tay Bà đã chữa khỏi bệnh cho hàng ngàn người.

Bà Tôn Nữ Hoàng Hương và phương pháp Dưỡng Sinh Tâm Thể do Bà khởi xướng đã thành hiện tượng đặc biệt trên lĩnh vực Dưỡng Sinh của Việt Nam và thế giới. Danh bất hư truyền, sau hơn ba mươi năm hành thiện ở Miền Nam, Bà Tôn Nữ Hoàng Hương và diệu pháp chữa bệnh bằng năng lượng tình thương của Bà đã được Liên Hiệp Khoa Học Công Nghệ Tin Học Ứng Dụng (UIA) thuộc Hội đồng Trung Ương Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đón nhận ra Miền Bắc như đón nhận một hiện tượng đặc biệt. Trước yêu cầu của UIA, Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã đồng ý cho đưa phương pháp Dưỡng Sinh Tâm Thể ứng dụng ở Thủ Đô Hà Nội và một số tỉnh ở Miền Bắc. Sau khi ứng dụng có hiệu quả, Liên Hiệp UIA đã phối hợp với Bà thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng Sinh Tâm Thể. Bà Tôn Nữ Hoàng Hương được tôn vinh làm giám đốc – Trưởng môn. Như thế là diệu pháp của Bà đã cho ra đời một “TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG DƯỠNG SINH TÂM THỂ” và sau mười lăm năm Trung tâm đã được nâng tầm lên thành VIỆN.

Bà Hai Hương tặng hoa GS-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.

Ngày 21/8/1995 là ngày thành lập Viện DSTT và là mốc son đầu tiên của Viện. Từ đây, phương pháp DSTT đã hoạt động trong một tổ chức bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền.

Bước ngoặt của phương pháp DSTT cũng là bước ngoặt của cuộc đời Bà Tôn Nữ Hoàng Hương.

2/ Bà Tôn Nữ Hoàng Hương lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng Sinh Tâm Thể phát triển sâu rộng và bền vững (1995-2005).

Từ năm 1995 đến tháng 5 năm 2005, với vị thế mới vừa là Giám đốc vừa là Trưởng môn, Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã cùng Ban Giám đốc lãnh đạo Trung tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách phát triển ngày càng sâu rộng và bền vững. Có thể nói rằng chưa có một tổ chức nào lại gặp nhiều khó khăn thách thức như Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng Sinh Tâm Thể. Do tính đặc thù của một tổ chức phi chính phủ chưa có tiền lệ nên chưa có biên chế, không có kinh phí hoạt động, không có trụ sở. Trụ sở của Trung tâm là căn nhà số 1 ngõ 48 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy - Hà Nội (nay đổi thành số 8 ngõ 48 Trần Duy Hưng) do Ông Tổng Giám đốc UIA Vũ Thế Khanh cho mượn. Khó khăn nhất là từ Giám đốc Trưởng môn đến HDV chỉ có “Lương tâm không có lương tiền”, cơ sở vật chất là con số không.

          “Thiện căn ở tại lòng ta

          Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Nguyễn Du)

Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là hiện thân của chữ Tâm ấy. Với cái Tâm trong sáng như gương Bà đã lấy chữ Tâm làm nền tảng cho công tác lãnh đạo Trung tâm. Phương châm: “Lấy Từ thiện nuôi Từ thiện” của Bà là phương châm nhất quán trong quá trình lãnh đạo phong trào DSTT. Phương châm ấy đã đánh thức tấm lòng từ thiện của học viên đóng góp kinh phí nuôi dưỡng phong trào.

Song song với phương châm “Lấy Từ thiện nuôi Từ thiện” Bà đã đề ra phương châm: “Lấy bệnh làm lệnh” để tìm hiền tài cho phương pháp. Phương châm độc đáo này đã mở ra khả năng vô tận trong công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo Trung tâm, đào tạo đội ngũ Huấn luyện viên và Hướng dẫn viên.

 Với phương châm có một không hai ấy, Bà tìm ra được nhiều cán bộ lãnh đạo có Tâm và có Tài. Đó là Ban lãnh đạo Viện ngày nay như: Viện trưởng Đại tá, Tiến sĩ Nhạc sĩ nổi tiếng Doãn Nho; Phó Viện trưởng chuyên môn: Đại tá nguyên Cục phó Cục an ninh Quân đội Nguyễn Trần Mý; Phó Viện trưởng, Tiến sỹ Đặng Kim Nhung; Phó Viện trưởng, Tiến sỹ Trương Thị Thảo; Phó Viện trưởng nguyên Huyện ủy viên Huỳnh Mỹ Cang. Đó là cán bộ lãnh đạo các Tỉnh Hội DSTT, Trung tâm DSTT các tỉnh như: Nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đăk Lăk: Huỳnh Văn Cần; Nguyên Phó chủ tịch tỉnh Phú Khánh: Phạm Hồng Quang; Nguyên thường vụ tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ: Đỗ Mão,…

Phương châm ấy cũng đã thu nạp được nhiều trí thức, nhiều nhà khoa học, nhất là đội ngũ Y Bác sỹ, đội ngũ sỹ quan Quân đội, Công an hưu trí tham gia lãnh đạo các tổ chức cơ sở của phương pháp DSTT.

Phương châm ấy cũng đã đào tạo được một đội ngũ HLV, HDV có Tâm lành, Ngôn lành, Thân lành và có năng lực hướng dẫn tập luyện, xây dựng phong trào, xây dựng tổ chức trên 36 tỉnh, thành phố.

Song hành cùng công tác đào tạo, Bà đã cùng Ban lãnh đạo Trung tâm chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức kết hợp với xây dựng phong trào để bảo đảm sự phát triển bền vững. Trong mười năm làm Giám đốc Trưởng môn Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã cùng với một số cán bộ lãnh đạo Trung tâm tổ chức những cuộc hành trình xuyên Việt. Mỗi cuộc hành trình do Bà làm trưởng đoàn là một cuộc tạo lập bản đồ DSTT. Bàn chân Bà bước đến đâu là bản đồ DSTT lan tỏa đến đó. Dưới giai đoạn Bà lãnh đạo bản đồ DSTT đã được trải rộng trên 22 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tây, Đăk Lăk, Đồng Nai, Bình Phước, Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bình Thuận.

Phong trào DSTT phát triển sâu rộng và bền vững còn được thể hiện ở chỗ: Sau khi Bà qua đời, Ban lãnh đạo Viện đã chỉ đạo mở rộng phong trào lên 36 tỉnh, thành của đất nước.

Dưới thời lãnh đạo của Bà, tổ chức DSTT đã thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Nhất là ở các địa phương: các Câu lạc bộ đã được nâng tầm lên thành Trung tâm hay Tỉnh hội như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Đăk Lăk.

Phong trào DSTT phát triển sâu rộng và bền vững đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận của các cấp Đảng, Chính quyền. Có thể nói thời kỳ Bà Tôn Nữ Hoàng Hương lãnh đạo là thời kỳ tạo nên nền tảng vững chắc tạo đà đi lên cho Viện phát triển vững mạnh. Nhờ có tiền lệ UBND hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa quyết định thành lập Trung tâm DSTT cấp tỉnh mà sau ngày Bà qua đời đã có UBND một số tỉnh khác ra quyết định thành lập tổ chức DSTT các tỉnh như tỉnh Hội DSTT Phú Thọ.

Một số tổ chức cấp tỉnh không những có Quyết định thành lập mà chính quyền còn cấp đất cho xây dựng trụ sở làm việc như ở Bình Định, Phú Yên.

Sự phát triển vững mạnh về tổ chức là quan trọng, song hiệu quả cao trong việc nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật là giá trị đích thực của phương pháp DSTT. Thật đúng như Nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng: Lê Khả Phiêu đã khuyên Bà Tôn Nữ Hoàng Hương khi Bà đến thăm Ông là “Hãy coi hiệu quả công việc làm niềm vui và thước đo giá trị”. Trong quá trình lãnh đạo Trung tâm, đào tạo đội ngũ HLV, HDV Bà đã chú trọng đặc biệt đến vấn đề đó. Nhờ vậy, tính hiệu quả trong ứng dụng tập luyện khá cao. Trong 10 năm dưới sự lãnh đạo của Bà bình quân mỗi năm có gần 13 nghìn người tập. Như vậy 10 năm đã có tới 130 nghìn học viên tập luyện. Theo thống kê kết quả trung bình trên 14 hệ bệnh của Bộ Y tế phân định, DSTT đã duy trì ổn định ở mức 55% khỏi bệnh từ một nửa đến khỏi hẳn, 35% chuyển biến khá, 10% không chuyển biến. Tất cả học viên tham gia tập luyện đều an toàn và không có phản ứng phụ. Đặc biệt hiệu quả cao với các nhóm bệnh thuộc các hệ bệnh: Hệ thần kinh, hệ vận động, hệ tuần hoàn, nhất là các bệnh như nhiễm chất độc da cam Điôxin, bệnh tai biến mạch máu não, bệnh tim mạch, u bướu, dị ứng, vẩy nến, rối loạn tiền đình, huyết áp, thoát vị đĩa đệm, mắt, dạ dày, stress. Với những nhóm bệnh này những người khỏi bệnh từ một nửa đến khỏi hẳn là 65%.

Không những hiệu quả làm lành bệnh cao, phương pháp DSTT của Bà Hương còn góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng. Bởi người học viên đến tập DSTT chẳng tốn kém gì. Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi căn bệnh đến bệnh viện phải chi trả 1 triệu đồng thì mười năm dưới sự lãnh đạo của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương, Trung tâm DSTT chữa cho 390 nghìn căn bệnh, đã tiết kiệm cho nhân dân 390 tỷ đồng. Hơn thế nữa, hiệu quả đó còn giúp cho ngành Y tế giảm thiểu tình trạng quá tải ở Bệnh viện, giảm thiểu chi phí bảo hiểm Y tế.

Hiện nay, hiệu quả nói trên ngày càng lớn bởi bình quân mỗi năm có tới hơn 200 nghìn học viên trên cả nước tập luyện DSTT.

Phương pháp DSTT của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương lấy TÂM LÀNH-THÂN LÀNH-NGÔN LÀNH làm gốc để tập luyện. Bởi vậy, ở đâu có phong trào DSTT ở đó môi trường sống trở nên lành mạnh, nhịp sống sôi động lạc quan, mọi người có cách sống, nếp sống tốt đẹp, có tình cảm lành mạnh, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hướng thiện. Tựu trung lại DSTT đã góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, hướng con người tới CHÂN-THIỆN-MỸ của đời sống.

Không những quan tâm lãnh đạo nhiệm vụ ứng dụng phương pháp DSTT vào đời sống có hiệu quả cao mà Bà Giám đốc Trưởng môn còn chú trọng lãnh đạo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học DSTT.

Ngay từ ngày đầu, Bà đã cho thành lập Ban Khoa học của Viện để chuyên trách khảo nghiệm, nghiên cứu về DSTT. Được sự động viên, khích lệ của Bà, Ban Khoa học do Tiến sĩ Đặng Kim Nhung làm Trưởng ban, một mặt chủ động nghiên cứu các đề tài khoa học mặt khác đã phối hợp với các nhà khoa học, các Bác sỹ, Dược sỹ của ngành Y tế nghiên cứu những đề tài thuộc phạm vi Nhà nước. Bà Tôn Nữ Hoàng Hương cũng đã chủ động chỉ đạo Ban Khoa học tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về nhiều chủ đề của phương pháp DSTT. Những cuộc hội thảo khoa học toàn quốc đã tập hợp được nhiều nhà khoa học có tâm huyết tham gia như:

-         “DSTT với sức khỏe và đời sống tinh thần của cộng đồng” (Tháng 3/1998).

-         “DSTT những căn cứ khoa học bước đầu” (Tháng 12/1998)

-         “DSTT những thành tựu và hướng phát triển” (Tháng 8/2000)

-         “DSTT với Y học bổ sung” (Tháng 1/2003)

Nghiên cứu phương pháp DSTT, Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Trung Ương - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã phát biểu tại Hội nghị Tổng kết DSTT ngày 18/01/2003: “Phương pháp này cách làm hết sức đơn giản, nhưng kết quả hết sức độc đáo…” hay “Tôi cho đây là một phương pháp trông thì rất đơn giản, nhưng nguyên lý thì rất sâu xa. Nó nối tiếp truyền thống của nhân loại đã từ lâu đời đối với cơ thể con người. Hơn thế, không chỉ đối với cơ thể mà còn đối với cái TÂM và TINH THẦN. Điều này tôi nghĩ là cần phải phát triển và chính cái đó là khoa học hiện đại. Nếu về Y học hay về chữa bệnh cũng phải nên tham khảo phương pháp này”.

Cơ sở khoa học của phương pháp DSTT cũng đã được các nhà khoa học bước đầu thẩm định trong các ấn phẩm như: “Dưỡng Sinh Tâm Thể đẩy lùi trọng bệnh” của nhiều nhà khoa học do Thạc sỹ Nguyễn Toàn Minh, Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ biên, do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin phát hành; “Những điều kỳ diệu có thật” do Phạm Hồng Quang, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin phát hành.

 “Năng lượng tình thương”, “Tâm lành”, của Tiến sỹ Đặng Kim Nhung do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành, “Dưỡng Sinh Tâm Thể - Phương pháp tập luyện cơ bản” do Tiến sỹ Trương Thị Thảo chủ biên, Nhà xuất bản Lao động phát hành.           Những ấn phẩm đó là kết quả của quá trình khảo nghiệm tính hiệu quả, kiểm chứng cơ sở khoa học của phương pháp Dưỡng Sinh Tâm Thể.

Bà Tôn Nữ Hoàng Hương tuy học vấn không cao nhưng phương pháp DSTT do Bà khởi xướng là một hiện tượng khoa học độc đáo của Việt Nam. Mỗi lời Má nói hàm chứa một nguyên lý khoa học. Ví dụ” Năng lượng tình thương” và “Tâm lành” là hai khái niệm của Bà. Năng lượng tình thương được sản sinh ra từ Tâm lành, đó là một mệnh đề khoa học. Giới khoa học cũng như Tiến sỹ Đặng Kim Nhung đã khẳng định: Tâm lành là năng lượng tinh thần, năng lượng của tình thương và DSTT của Bà Tôn Nữ Hoàng Hương chính là Y học năng lượng.

Song hành cùng nhiệm vụ lãnh đạo Trung tâm phát triển toàn diện một cách bền vững, Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã trực tiếp đem công năng đặc biệt và bàn tay huyền diệu của mình cứu vớt hàng vạn học viên thoát khỏi bệnh tật, trở lại cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhất là Bà đã cứu vớt hàng ngàn học viên nghèo khổ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, học viên tật nguyền vì chất độc hóa học trong chiến tranh mà không đòi hỏi một đồng lương. Đặc biệt Bà đã chữa khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo, mãn tính. Trong đó có cả bệnh tiền ung thư.

Việc làm thắm màu nhân đạo của Bà là biểu hiện cái Tâm trong sáng của một nhân cách lớn, thương người hơn cả bản thân mình. Bà là một người phụ nữ Việt Nam có đủ bi, trí, dũng nhân ái, vị tha, hết lòng thương yêu đồng loại, thương yêu người nghèo, luôn luôn có tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn” tri ân Bác Hồ như: lập bàn thờ Bác Hồ tại trụ sở Trung tâm, tổ chức viếng và báo công trước Lăng Bác Hồ, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đem phương pháp DSTT của mình phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có hiệu quả rất cao. Bà cũng là người luôn tri ân các anh hùng liệt sỹ. Đi đến đâu Bà cũng thăm viếng các nghĩa trang liệt sỹ và căn dặn các học viên “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa.

Trong quá trình lãnh đạo Trung tâm, Bà luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong Ban Lãnh đạo về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả và đúng đắn chức năng nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng Dưỡng Sinh Tâm Thể. Trung tâm DSTT do Bà lãnh đạo và phương pháp DSTT do Bà khởi xướng đã đi vào hiện thực cuộc sống hàng chục năm, góp phần đáng kể trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời góp phần giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, tiết kiệm kinh phí khám chữa bệnh. Công tích của Bà đã chứng tỏ Bà là người có nhân cách lớn. Nhân cách lớn của Bà có sức hút nhân tâm đến kỳ lạ. Đặc biệt là thu hút nhân tâm các nhà báo. Chỉ tính đến năm 2003 đã có tới 33 tờ báo với trên 80 bài báo tuyên truyền quảng bá phương pháp DSTT, ca ngợi Bà Tôn Nữ Hoàng Hương như một huyền thoại giữa đời thường.

Bà không những đã được Hội đồng Trung Ương Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tặng nhiều Bằng khen; được Liên hiệp UIA trân trọng tặng: Huyền thông E10.000 - UIA 2003. Đó là giải thưởng mang ý nghĩa nhân văn ghi nhận công lao đẩy lùi 10.000 ca bệnh trở lên.

Đặc biệt sau hơn 01 năm lãnh đạo Trung tâm Bà đã được Đảng và Nhà nước công nhận là Chiến sỹ hai giỏi và mời dự “Hội nghị Hai giỏi toàn quốc” năm 1996.

Vinh hạnh nhất là Bà đã được nhân dân tôn vinh, đã được nhân dân đúc lên tượng đài trong lòng mình như: Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Trung Ương Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam đã nói: ”Má Tôn Nữ Hoàng Hương đã được nhân dân tôn sùng và sẽ được nhân dân tôn thờ”. Thật đúng như vậy, sau khi Bà qua đời, bàn thờ của Bà đã được lập nên khắp nơi trên đất nước. Bàn thờ Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã được lập tại trụ sở Viện (Hà Nội) ở trụ sở các Trung tâm, các Hội DSTT cấp tỉnh, ở các Câu lạc bộ, các điểm tập ở các địa phương, ở nhiều nhà của các HLV, HDV và học viên. Tôn thờ Má, nhân dân tôn thờ chữ TÂM LÀNH. Nhân dân mà cụ thể là đội ngũ HLV, HDV và học viên DSTT trên mọi miền đất nước tôn thờ Má như là người anh hùng xuất chúng của tình thương yêu và mong muốn được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới chỉ tính riêng ở Bình Định đã có 1445 chữ ký vào danh sách đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng cho Bà. Đó là một nguyện vọng chính đáng. Bởi việc truy tặng danh hiệu anh hùng cho Cố Tôn Nữ Hoàng Hương, Giám đốc Trưởng môn DSTT không những đáp ứng được tình cảm và nguyện vọng của nhân dân đối với một người phụ nữ Việt Nam có nhân cách lớn mà còn tạo được niềm tin của nhân dân đối với chính sách thi đua khen thưởng công bằng đúng đắn của Đảng và Nhà nước.                                                            

                          Người viết báo cáo

                        Phó Viện trưởng Viện DSTT

(Nguyên Biên Tập, Đạo diễn ĐA, Đại tá Phan Văn Kiều)

Bài viết liên quan