Logo Banner
 
Góc nhìn từ chuyên gia
cách sống để nhận được năng lượng tình thương
(Ngày đăng: 03/12/2013 - Lượt xem: 4309)
Hãy nghĩ về một hạt giống, nó giống như một điểm sáng, nhỏ xíu, nhưng chứa đựng tiềm năng ở đó. Cũng vậy, mỗi suy nghĩ là một hạt giống, một hạt giống có thể mang tới cả tích cực và những điều tiêu cực, nó phụ thuộc vào chất lượng hạt giống và nhiều yếu tố khác nữa

CÁCH SỐNG ĐỂ NHẬN ĐƯỢC NĂNG LƯỢNG TÌNH THƯƠNG

HÃY SỐNG VỚI “TÂM LÀNH”, “THÂN LÀNH”, “NGÔN LÀNH”

Đặng Kim Nhung

 

Trong thực tế, người ta thường hay nói cho vần: “Thân lành”, “Tâm lành”, “Ngôn lành”: song, trong bài này, chúng tôi xin phép được đặt “Tâm lành” lên trên; bởi lẽ, để có được “Thân lành”,” Ngôn lành”, trước hết chúng ta cần phải có “Tâm lành”. Trong nghiên cứu của Raja Yoga, tinh thần quyết định mọi hành động. Một tinh thần tỉnh thức, sáng trong, thảnh thơi và tràn đầy tình yêu thương… thì không thể hành động sai, hoặc nói lời sai được… . Trên thực tế, bạn nói những gì, bạn làm những gì, bạn cảm thấy những gì…,  đều có nguồn gốc từ trong tâm trí bạn, bắt đầu từ một suy nghĩ. Hãy nghĩ về một hạt giống, nó giống như một điểm sáng, nhỏ xíu, nhưng chứa đựng tiềm năng ở đó. Cũng vậy, mỗi suy nghĩ là một hạt giống, một hạt giống có thể mang tới cả tích cực và những điều tiêu cực, nó phụ thuộc vào chất lượng hạt giống và nhiều yếu tố khác nữa. Nếu ta đem trồng một hạt giống suy nghĩ sáng trong và tập trung vào suy nghĩ này, ta dồn sức cho nó, tương tự như mặt trời trao năng lượng cho cỏ cây trên mặt đất. Những hạt giống tốt với thời tiết thuận hòa…, chúng sẽ thức dậy, chuyển mình, lớn lên và cho chúng ta hoa trái ngọt lành. Ngược lại nếu ta đem gieo một hạt giống suy nghĩ tiêu cực, như nỗi sân hận, lòng thù ghét… và cũng dồn sức cho nó. Cái cây của lòng sân hận thù ghét mọc lên, có khi còn mãnh liệt nữa, nhưng sẽ cho ta toàn trái sâu, trái đắng. Hạt giống suy nghĩ sáng trong hướng dẫn ta gửi đi những hành động thánh thiện, yêu thương, những lời nói, lời chúc chân tình ngọt ngào…, và đương nhiên, theo quy luật nhân quả của vũ trụ, ta sẽ nhận lại hạnh phúc và yêu thương… . Ngược lại, nếu ta gửi đi nỗi sân hận, lòng thù ghét, chúng ta sẽ nhận lại tất cả, nhưng không phải với tỷ lệ một/một như định luật “Tác dụng và phản tác dụng” của Newton, mà điều bí mật của vũ trụ là: mùa màng bao giờ cũng nhiều hơn hạt giống (!)  Tới đây chúng đã hiểu vì sao chúng tôi xin phép đặt “Tâm lành” lên trên. Vậy “Tâm lành” là gì? Và làm thế nào để có được “Tâm lành”?

 “Tâm lành” là gì ? Làm thế nào để sống với “Tâm lành”?

“Tâm lành” ở đây thật ra chỉ là một thuật ngữ, nó được hiểu theo nghĩa, con người biết sống chân thật, sống trong sạch, thanh khiết, sống rộng lượng, yêu thương vị tha… , con người luôn biết sống vì cộng đồng, luôn hợp tác; uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây… Trong thực hành và nghiên cứu của chúng tôi nhiều năm qua, “Tâm lành” luôn mang lại cho chúng ta một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, thảnh thơi và một nguồn năng lượng sung mãn.

Khi đã nhận thức được ta là một thực thể gồm hai phần tâm hồn và thể xác, có bao giờ bạn tự hỏi: Nguồn chất liệu nào nuôi dưỡng cho tâm hồn của bạn, phần tinh thần của bạn ? Liệu con người có thể khỏe mạnh với một tâm hồn yếu ớt, bệnh hoạn? Cũng vậy, liệu chiếc xe có thể đi đúng hướng và an toàn khi người lái xe mệt mỏi và đôi mắt lại bị mờ, mà thậm chí là bị mù không?...Trên thực tế, thịt, cá, rau quả, các loại hạt… mà chúng ta ăn uống hàng ngày chỉ cung cấp năng lượng cho thể xác chúng ta. Nếu bạn muốn tham dự một cuộc chạy ma-ra-tông, bạn cần tiêu thụ nhiều chất đạm, và những thức ăn giàu năng lượng để có đủ sức chạy một quãng đường xa. Mặt khác , nếu bạn cung cấp cho cơ thể bạn nguồn thức ăn không tốt, bạn không những không tham gia chạy thành công mà ngay cả ngồi yên cũng không nổi, thậm chí có thể bị mắc bệnh.  Thực phẩm và các nguồn dinh dưỡng hàng ngày là để nuôi thể xác bạn, nuôi dưỡng phần cơ thể hữu hình của bạn. Tư duy là thức ăn cho phần tâm hồn bạn, tinh thần bạn. Tư duy tích cực, tư duy lành mạnh và sáng trong – “Tâm lành” chính là nguồn năng lượng sung mãn cho phần tinh thần của bạn, là một trong những điều kiện tiên quyết để bạn có thể tiếp cận được với dòng năng lượng tình thương của Trời Đất, của Thượng Đế. Nếu thể xác bạn cần ăn uống mỗi ngày thì đừng quên rằng tinh thần bạn cũng vậy, nó cần phải được chăm sóc mỗi ngày. Để có một tâm hồn mạnh mẽ tràn đầy sức sống hãy gieo những hạt giống tư duy tích cực cho mỗi khoảnh khắc của cuộc đời bạn, cho mỗi ngày của bạn.  Những tư duy lành mạnh và sáng trong chính là dinh dưỡng cho tinh thần bạn. Ngoài ra, những tư duy thánh thiện còn là một trong những điều kiện để hấp dẫn dòng năng lượng tích cực của vũ trụ về với bạn.

 Hãy từ bỏ đi lòng tham, sự sân hận và nỗi sợ hãi, vì nó là cội nguồn của bất hạnh, khổ đau, nguyên nhân của bệnh tật, nó ngăn cản bạn tiếp cận với ân huệ của Đất Trời

Người ta hay bàn đến lòng tham lam, sự sân hận và nỗi sợ hãi cùng với nhau, lòng tham là nguyên nhân chính, mọi điều khác là hệ quả, đôi khi người ta hay nói một cách hình ảnh: tham lam là “mẹ”, sân hận và sợ hãi là “con cái”. Vậy chúng ta hãy xem kỹ về lòng tham trước. Trong cuộc sống hàng ngày, vì thiếu hiểu biết tâm linh, con người thường tham đủ thứ:

  • Tham lam mọi nhu cầu vật chất, lòng tham là cái hang không cùng, là cái túi không đáy, cho nên không bao giờ là đủ. Thí dụ: tham tiền bạc, tham sắc dục, tham chơi, tham sống…
  • Tham quyền lực, danh lợi, người ta bất chấp thủ đoạn để tranh giành chức tước, có được một chức nào đó rồi lại tìm cách cố ngoi lên cao hơn, muốn vậy phải có thủ đoạn, phải bòn rút…
  • Tham uy lực, đây là một lòng tham rất tinh tế, nó không phải là chức quyền mà chỉ là người muốn thể hiện mình, muốn mình luôn giỏi hơn, đúng hơn, muốn mình phải luôn được kính trọng…, những người này thường tự cho mình là độc tôn, có quyền áp đặt, buộc người khác phải tuân theo ý kiến của mình, đôi khi chỉ là vì mình là cha, là mẹ, là anh, là chị, hay đôi khi chỉ là người lớn tuổi hơn…

Con người tham muốn đủ thứ. Nhưng tiếc thay, trong thế giới của chúng ta mọi thứ đều hữu hạn và đang dần cạn kiệt, chỉ có những ham muốn của con người thì ngày càng tăng lên và dường như là vô han(!) Không phải cứ muốn là có (!) Ham muốn càng nhiều, càng nhiều thủ đoạn để giành giật, tội lỗi càng chất chồng. Trong cuộc chiến đó, người thắng thì cười, kẻ bại thì khóc, nhưng có mấy ai là chỉ có thắng đâu (!) Mà nếu có thắng, thì cũng có đâu hạnh phúc. Bởi, khi có được chức vị rồi lại phải lo giữ chức, lo trả các món nợ đời mà ta đã vay để leo lên, lo sợ những thủ đoạn trước đây bị bại lộ…; vậy cho nên, người ta mới nói, hạnh phúc kiểu ấy, chẳng qua chỉ là chiếc mặt nạ của đau khổ, một khi lột chiếc mặt nạ đó ra, liền lộ nguyên hình đau khổ. Đó là nói về kẻ thắng; con người thua thì sao, thì khổ đau, sân hận. Do tham lam mà không toại nguyện, hoặc thể hiện uy quyền mà không được, muốn áp đặt mà không thành… . Một khi nổi sân tột độ thì mọi tội ác đều dám làm, mọi khổ đau nào cũng dám tạo. Chúng ta hãy đi sâu hơn một chút vào loại tinh thần ma quỷ chết người này. Người ta thấy thường có hai loại : a) Sân có bộc phát, b) Sân thầm kín:

  1. Sân bộc phát: thí dụ, nghe một ai nói lời trái tai, thấy một hành động không vừa ý, thấy những điều gì mình muốn, mình ham, bị người khác ngăn trở, liền nổi giận, đỏ mặt tía tai, nói những lời khó nghe, toàn thân run rẩy…, liền nổi nóng, la ó om sòm. Loại sân này tuy cũng rất nguy hiểm, song đối phương dễ thấy, dễ biết. Trong tình huống đó, đối phương nhường nhịn đi thì khả dĩ có thể dịu lại, bằng không thì hậu họa khó lường. Có thể nói, hầu hết các hiểm họa trong đời sống con người chúng ta đều do sân mang lại. Người ôm ấp lòng sân, là kẻ chứa chấp rắn độc trong nhà, tai họa có thể đến một cách dễ dàng chỉ trong một giây.
  2. Sân thầm kín, lòng sân này đến với những người có khả năng dằn nén lòng sân hận, họ nuôi dưỡng nó một cách ngấm ngầm. Khi nghe thấy những điều trái tai… họ nổi giận, nhưng ghìm nén trong lòng, lòng sân  này, im ắng, thầm lặng, không ồn ào, nhưng nó ác độc và nguy hiểm vô cùng, vì đối phương không hề biết để phòng ngừa. Những kẻ có lòng sân thầm kín là con người thâm độc nguy hiểm. Có thể xem đây là đống lửa than, khó thấy mà lâu tàn. Người ta thường ví, kẻ ôm lòng sân thầm kín này như ngôi nhà đẹp mà chứa đầy hơi độc. Những người thiếu tính tế, nhận xét hời hợt, khó tránh khỏi bị hơi độc làm ngạt thở. Song hại được người rồi, thì chính bản thân mình cũng không được an ổn gì. Thế nên, sân là mối hiểm họa cho mình và cho người. Biết bao khổ đau trong cõi đời này là do lòng sân hận gây ra. Trong những nỗi khổ do sân gây ra, có nhiều nỗi khổ chính người có lòng sân hận lại phải gánh chịu, ví như: sự dằn vặt lương tâm, nỗi sợ hãi bị bại lộ…, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, tiêu hao nguồn năng lượng quý giá của bạn, nó là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra bệnh hoạn cho bạn. Theo trải nghiệm của chúng tôi, những người mang lòng sân hận, bất kể là loại gì, không những không có khả năng nhận được dòng năng lượng tích cực của đất trời, mà hơn thế nữa, còn hấp dẫn đến với mình những dòng năng lượng tiêu cực để gây bệnh. Điều này được diễn ra một cách tự động.

 Cuộc sống tinh thần với tích lũy năng lượng và sức khỏe con người
 

Theo nghiên cứu của Y khoa, có khoảng từ 70%-90% các chứng bệnh thuộc về thể chất lại có cội nguồn từ tinh thần. Nói một cách khác, chất lượng của tư duy ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, tới sức khỏe mỗi chúng ta. Thí dụ: khi chúng ta giận dữ, căng thẳng…, các cơ bắp của chúng ta căng lên, tim của chúng ta đập dồn dập… tạo nên những điểm bị áp lực, đó chính là nguyên nhân để dẫn tới đau đầu, mỏi vai…, nếu thường xuyên ở trong trạng thái này, thậm chí có thể dẫn tới đau tim, đau gan, đau thận… .  Khi áp lực lớn có thễ dẫn tới vỡ tim tại chỗ cũng không phải là chuyện lạ. Trái lại, khi chúng ta tạo nên những tư duy tích cực, bình an, cơ thể của chúng ta được thư giãn, ôxy được nạp đủ cho máu, con người khỏe mạnh. Hiệp hội nghiên cứu về “Thường thức cuộc sống” đã làm nhiều nghiên cứu và rút ra kết luận rằng: Khi con người ta có những tư duy tích cực, mãn nguyện, hạnh phúc…  cơ thể tự động sản xuất ra một lượng lớn các chất kháng thể và dưỡng chất, bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm. Ngược lại, khi con người có những tư duy tiêu cực, như oán giận, buồn phiền, sân hận sợ hãi…,  hệ miễn dịch của chúng ta tự động bị kìm hãm, dẫn tới suy yếu…, lúc đó bệnh tật nào cũng có thể xâm nhập cơ thể chúng ta. Người ta còn nghiên cứu và thấy rằng, tư duy tích cực, trong sáng, tự nó đã lấp đầy quanh ta nguồn năng lượng dồi dào cần thiết cho cuộc sống khỏe mạnh của mỗi chúng ta, chính nó lại mời gọi đến chúng ta dòng năng lượng tích cực phi phàm của Thượng Đế.

 Hãy sống với “Thân lành”, “Ngôn lành” và cảm nhận sự màu nhiệm của nó

“Thân lành” có nhiều cấp độ. Ở mức cơ bản, để đảm bảo “thân lành” con người không được trộm cắp, không xem phim bạo lực, không xem phim ảnh, sách báo đồi trụy..., không sát sinh, không quan hệ luyến ái bất chính… . Ở mức độ cao hơn, tinh tế hơn, người ta khuyến cáo con người buông bỏ lòng tham ở mức không muốn bất cứ thứ gì, của bất kỳ ai, kể cả những ham muốn tinh tế như ham muốn được kính trọng…,  tương tự như vậy, không  nghe những điều vô bổ, những câu chuyện tầm phào…, đặc biệt là không nghĩ quá nhiều một cách không cần thiết về người khác. Thí dụ: Người ta đang làm gì? Người ta nên làm gì? Lẽ ra người ta phải làm gì? Ta muốn họ phải nói gì? Tại sao họ cứ nói thế? v.v.. Tất cả những điều đó, đưa tới cho tâm ta bất an, làm tổn hại sinh lực của ta, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh tật. Bạn hãy tập cách sống hướng nội, luôn tự hoàn thiện bản thân, và chỉ nhìn vào những đức hạnh của người khác để học hỏi. Bạn hãy luôn cầu chúc những điều tốt đẹp đến với tất cả mọi người, trong đó có bạn, bạn sẽ tràn đầy hạnh phúc và khỏe mạnh. Này nhé, hãy tưởng tượng bạn đang đi vào một vườn hoa, trong vườn có những bông hoa tươi tắn đang tỏa hương thơm ngát, có những bông hoa đã héo úa…, trong vườn còn có cả những chiếc gai nhọn và rác nữa. Là một người khôn ngoan, tại sao bạn lại không chỉ hướng tới những bông hoa đang tỏa ngát hương thơm kia để mà thưởng thức sự kỳ diệu của nó, mà lại chỉ chú ý tới những chiếc gai (nó có thể làm tay bạn chảy máu), hoặc lại chỉ hướng sự chú ý của mình tới những bông hoa đã tàn úa hoặc rác rưởi để mà buồn phiền, để mà phải ngửi những mùi khó chịu của nó? Đấy là chưa kể đến chuyện bạn bị lây nhiễm “bệnh tật” nữa. Ở đâu có rác, ở đó có vi trùng và bệnh tật. Nói vậy không có nghĩa là bạn trở nên ích kỷ, vo tròn chỉ biết đến bản thân mình, mà ngược lại, đức hạnh và tình thương yêu thanh khiết chân thành có sức mạnh chuyển hóa lớn lao, nó có thể biến rác hết mùi hôi thối và thành phân bón cho cả một vườn hoa nở rộ. Trong đó có những trồi non mới, được mọc lên từ rác…

“Ngôn lành” là thuật ngữ, nó không chỉ hàm ý, người có ngôn lành không bao giờ được nói dối; không được nói hai chiều; không nói lời độc ác; cũng không nói lời hoa mỹ, mà còn cao hơn thế, đó là sự chân thành ngọt ngào thanh cao, trong từng lời nói, cái nhìn và nụ cười của bạn.

 

  • Đừng bao giờ nói dối (vọng ngữ): nói dối là nói lời không thật, muốn lừa gạt người khác. Nói dối cũng tức là thiếu trung thực, mà trung thực là nền tảng cơ bản của đạo đức. Người ta thường nói, trên tất cả những đức hạnh, cao hơn hết vẫn là tính trung thực. Trung thực chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của mọi mối quan hệ: dù là đồng nghiệp, mẹ con, hay tình yêu đôi lứa… . nếu bạn yêu thương, thậm chí là kính thương ai đó hết lòng, nhưng khi bạn phát hiện ra rằng người đó đã không trung thực với bạn, đã nói dối bạn, thì tình yêu đó sẽ vỡ.  Nói dối cũng đồng nghĩa với không trung thực, mà không trung thực là cội nguồn của những nỗi sợ hãi và bất an. Khi phải sống trong những nỗi ám ảnh, sự sợ hãi và bất an, con người sẽ luôn ốm yếu và bệnh hoạn. Thậm chí sợ hãi có thể làm chết người. Những nhà tâm lý đã làm thí nghiệm trên một tử tù: trước khi đưa ra pháp trường người tù bị bịt mắt và nghe công bố với tội trạng mà anh ta đã phạm phải, anh ta sẽ phải chịu hình phạt tùng xẻo. Người ta dẫn anh ta ra pháp trường và dùng tờ giấy gấp cứng vờ cắt trên da thịt anh ta như bị tùng xẻo vậy, cứ thế, không có một giọt máu nào chảy, nhưng cuối cùng người tử tù vẫn chết vì sợ hãi.
  • Đừng nói theo kiểu hai chiều (lưỡng thiệt), theo ngôn từ dân gian thường hay dùng là đưa chuyện, thậm chí là đứng giữa để đặt điều cho hai bên, phóng đại câu chuyện cho thêm phần nghiêm trọng, mà chủ yếu là khai thác, làm to lên khia cạnh tiêu cực của vấn đề, thế rồi lời nói đi thì nhẹ, lời nói lại thì nặng, câu chuyện vốn chẳng có gì là nghiêm trọng, sau khi qua nhiều cái miệng, mỗi lần lại được bóp méo và thổi phồng lên một chút, bỗng trở thành chuyện lớn. Trong xã hội ngày nay, khi vấn đề đạo đức bị xói mòn, số người mắc phải lỗi này nhiều không kể xiết, nhiều người còn cho đó là một thú vui(!). Một câu chuyện hoặc nhật xét, có khi vốn dĩ là thiện chí, bỗng trở thành ngược lại chỉ sau khi được thêm thắt đôi điều qua cửa miệng vài người, hậu quả của nó thật khôn lường; nhẹ nhất là gây mất đoàn kết, cướp đi sự bình yên của mỗi gia đình, mỗi tổ chức, thậm chí là mỗi quốc gia… . Trong những trường hợp hậu họa lớn hơn thì thậm chí có thể gây chết người, dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia, điều này đã từng xảy ra không ít trong lịch sử phát triển của loài người.
  • Không nói lời thô ác (ác ngữ): ý nói, trong giao tiếp, ứng xử, không dùng những từ thô lỗ, không được xỉ vả người khác, bất kể người đó là ai, là đứa con bé bỏng của bạn, là đồng nghệp, là hàng xóm hay người đang chịu sự quản lý của bạn… . Lời nói của bạn, phải thể hiện rằng bạn là người biết tự trọng và biết tôn trọng người khác. Những lời thô lỗ dễ dẫn tới sự bùng nổ trong tâm trí người khác. Lời nói của bạn, tích cực hay tiêu cực,  sẽ ảnh hưởng đến người khác một cách tương xứng. Nếu lời nói của bạn, nặng nề hay chỉ trích, người khác sẽ phản ứng, họ sẽ trả lại những gì họ đã nhận được, chẳng khác gì trò đánh bóng bàn. Trò đánh bóng bàn về lời nói, cảm xúc này diễn ra hàng ngày làm ta cạn kiệt. Có những khi do lời qua tiếng lại, mà ngôn từ ngày càng thô lỗ, nặng nề, nó trở nên ngày càng dữ dội, giống như trận đấm bốc trên võ đài chứ không còn là trận đấu bóng bàn nữa (!). Mà tiếc thay, trên sàn đấu thì có bao giờ chỉ một bên phải chịu đau đâu.
  • Không nói lời hoa mỹ (ý ngữ): đây là cách nói dùng những lời nói đẹp đẽ, thoáng nghe thấy rất êm tai, nhưng thực ra nó ẩn chứa ý định xấu. Đây chính là những lời nói không chân thành, mục đích là chỉ trích đối phương một cách đau đớn, sâu cay. Đối phương càng nghĩ càng thấy đớn đau, tức giận. Cách nói này còn nguy hiểm hơn cả những lời thô lỗ. Đương nhiên, theo quy luật của vũ trụ, cho là nhận; đặc biệt là: mùa màng luôn nhiều hơn hạt giống. Người nào mắc phải lỗi này cũng không bao giờ được sống trong an ổn, họ luôn phải sống trong sự cảnh giác, thế thủ và nỗi sợ hãi bị trả thù. Họ sẽ nhận lại nỗi đớn đau nhiều hơn những gì mà họ đã gửi đi. Đầu óc luôn nặng nề, sức khỏe cũng vì thế mà suy kiệt, bệnh tình theo đó mà phát sinh.
  • Trước khi nói lời kết cho phần “ngôn lành”, sẽ là khiếm khuyết, nếu chúng tôi quên không tâm sự cùng bạn một điều: mong bạn hãy hiểu “ngôn ngữ” theo một nghĩa rộng, vì nhiều khi bạn đâu cần phải nói, mà người đối diện với bạn vẫn ngập tràn hạnh phúc. Từ trái tim đôn hậu đầy ắp yêu thương, bạn sẽ trao đi một cái nhìn ấm áp, sẻ chia, một nụ cười độ lượng bao dung, và một lời nói chân thành ngọt ngào…, bạn sẽ nhận được yêu thương (vì chính bạn đã gửi đi yêu thương), mà yêu thương thanh khiết chính là nguồn dinh dưỡng, nguồn sức mạnh cho cơ thể khỏe mạnh của bạn.

 Lời kết: “ Tâm lành”, “Thân lành”, “Ngôn lành” là nguồn năng lượng lớn lao mà trời đất ban tặng cho chúng ta, giúp con người sống tràn đầy hạnh phúc, sống khỏe mạnh và hiệu quả trong từng giây phút hiện tại.  Ân huệ ban tặng là như nhau, nhưng mỗi người nhận được bao nhiêu lại hoàn toàn khác biệt, nó phụ thuộc vào chính bạn

Tập thể, cá nhân có nhu cầu tham gia tập luyện DSTT hoặc tổ chức các CLB DSTT xin vui lòng liên hệ theo form dưới đây:
Các bài viết khác