NHÂN 10 NĂM (2006-2016) TỈNH PHÚ YÊN XUẤT BẢN CUỐN SÁCH “ NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CÓ THẬT”
Những điều kỳ diệu từ mỗi trang sách mãi còn nguyên giá trị
( Vài cảm nghĩ khi đọc cuốn sách“Những điều kỳ diệu có thật” của Trung tâm Nghiên cứu hướng dẫn ứng dụng luyện tập DSTT tỉnh Phú Yên- NXB Văn hóa-Thông tin xuất bản, năm 2006).
Cuốn sách” Những điều kỳ diệu có thật” được xuất bản từ năm 2006, nhưng đáng nói đến năm nay, 2016, sau 10 năm đọc lại cuốn sách, tôi đã không phân vân khi chọn cho bài viết này một cái tít: “Những điều kỳ diệu từ mỗi trang sách mãi còn nguyên giá trị”.
Tháng 5-2016, trong chuyến đi công tác cùng với Nhạc sĩ Doãn Nho, Viện trưởng và anh Huỳnh Mỹ Cang (Sáu Cang), Viện Phó Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT TƯ, tôi may mắn được về thăm thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Trong nỗi tiếc thương vô hạn, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông Phạm Hồng Quang và dâng nén tâm nhang trước hương linh ông Phạm Hồng Quang (sinh 1939), nguyên Chủ nhiệm CLB DSTT Phú Yên, một người có nhiều công lao đối với phong trào DSTT của tỉnh Phú Yên.
Năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu hướng dẫn ứng dụng luyện tập DSTT tỉnh Phú Yên mạnh dạn, quyết tâm cho xuất bản cuốn sách “ Những điều kỳ diệu có thật”, với hơn 300 trang và phụ bản, là một nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng. Nếu tính cấp tỉnh, thành phố, thì tại thời điểm năm 2006, Phú Yên là địa phương đầu tiên trong cả nước cho ra đời một ấn phẩm về DSTT với nội dung thiết thực, và in ấn cũng rất chững chạc. Điều này chứng tỏ những người gắn bó tâm huyết với phong trào DSTT của tỉnh Phú Yên đã rất nhạy bén về công tác truyền thông, coi trọng tác dụng, hiệu quả của sách, báo, đài trong việc phổ biến, tuyên truyền phương pháp DSTT nhằm giúp nhân dân nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.
Cuốn sách do ông Phạm Hồng Quang chủ biên, với sự tham gia đầy trách nhiệm của tập thể nhóm biên soạn.
Nội dung sách gồm 2 phần, phần I là DSTT, một số vấn đề khoa học và thực tiễn. Phần II là: Những điều kỳ diệu có thật. Ưu điểm của cuốn sách này là trình bày các vấn đề liên quan DSTT dễ hiểu, dễ tiếp cận. Phần giá trị thực tiễn rất sinh động và phong phú, được chính các nhân chứng ghi lại, kể lại những chuyển biến tích cực về sức khỏe qua tập luyện DSTT hay đã khỏi bệnh như thế nào, nên có giá trị thuyết phục cao.
Với ông Phạm Hồng Quang, là một độc giả, tôi rất ấn tượng về một bài viết của ông in trong cuốn sách “Những điều kỳ diệu có thật”, đó là bài “Trao đổi của Chủ nhiệm Câu lạc bộ dưỡng sinh tâm thể tỉnh Phú Yên với ông Ngọc Cảnh” (trang 147). Bài viết của ông ban đầu được đăng trên “Báo Phú Yên cuối tuần”, ra ngày 6/7/2002 và có lý do của nó. Trước đó Báo phú Yên có đăng bài “ Dưỡng sinh tâm thể- Sự huyền diệu hay là khoa học” của nhà báo Phương Trà. Sau khi báo ra, tòa soạn nhận được ý kiến của một bạn đọc có tên là Ngọc Cảnh xung quanh bài báo nói trên, trong đó nêu lên một số băn khoăn, thắc mắc. Ông Phạm Hồng Quang, với tư cách Chủ nhiệm CLB DSTT đã viết bài này nhằm trao đổi với ông Ngọc Cảnh về phương pháp DSTT.
Đọc bài viết của ông Phạm Hồng Quang, tôi thực sự cảm phục về cách viết, về những ý kiến phản biện của ông tỏ ra rất am tường, sắc sảo nhưng thái độ cũng rất ôn hòa với ông Ngọc Cảnh, mà thực ra cũng là đối với nhiều người khác cũng đang còn hoài nghi về phương pháp DSTT. Nếu không phải là người có tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm với DSTT, sẽ khó mà đưa ra được những ý kiến đầy thuyết phục như trong bài viết của ông Phạm Hồng Quang. Bằng thực tế sinh động của phong trào DSTT và hiệu quả của phương pháp tập luyện, chữa bệnh của DSTT trên địa bàn tỉnh nhà; bằng trải nghiệm của chính bản thân mình, tác giả (như người chủ nhà hiếu khách) đã đưa người đọc (như một người khách) bước vào ngôi nhà DSTT rất tự nhiên và chân tình.
Ông Phạm Hồng Quang viết: “Đói ăn rau- đau uống thuốc”, câu ngạn ngữ đó dạy cho con người định hướng có tính tổng quát xử lý cái đói-đau trong cuộc sống. Nhưng cũng chính con người trong quá trình sống và phát triển đã tìm ra được nhiều thứ khác để ăn ngon hơn rau, thịt, cá chẳng hạn và cũng tìm ra nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, tùy theo bệnh tật. Trên thực tế, có những bệnh không chữa khỏi bằng thuốc được, dù có nhiều tiền đến đâu. Thời đại ngày nay do ngành công nghiệp hóa học phát triển cao mà nhiều loại thuốc chữa bệnh có hiệu quả ra đời có gốc hóa chất- nên đau là uống thuốc là đúng rồi, nhưng nếu lạm dụng hóa chất thì sẽ như con dao hai lưỡi mà nhiều nhà khoa học có lương tâm đã cảnh báo. Vì vậy, nếu có phương pháp nào đó chữa bệnh mà không dùng thuốc hoặc chỉ dùng ít thuốc kết hợp tập luyện DSTT, hoặc chỉ dùng thuốc từ cỏ cây, thì vừa đỡ tốn tiền vừa tránh được những phản ứng phụ do hóa chất gây ra thì chẳng phải tốt hơn sao? DSTT có thể góp phần đắc lực vào việc nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật với nhiều hệ bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y mà chúng tôi đang có rất nhiều nhân chứng- chứ chúng tôi chưa bao giờ nói DSTT chữa được bách bệnh như ông đã viết trong thư trao đổi. DSTT không thể chữa lành tai nạn gãy tay, chân…, rắn độc, chó dại cắn, bệnh sốt siêu vi…Những người có cái tâm trong sáng bao giờ cũng công khai nói rõ mình làm được gì và không làm được gì.”
Trong bài viết, ông Phạn Hồng Quang lần lượt trả lời ông Ngọc Cảnh những vấn đề mà ông Cảnh thắc mắc. Bài viết của ông cũng giúp tôi, một Nhà báo luôn trân trọng DSTT cũng nhận được nhiều bổ ích. Tôi tin sau khi đọc bài viết của ông Phạm Hồng Quang, chắc chắn ông Ngọc Cảnh sẽ ngộ ra và hiểu rõ hơn về DSTT.
Theo suy nghĩ riêng tôi, dẫu đã 10 năm, nhưng bài viết của ông Hồng Quang cũng như toàn bộ nội dung cuốn sách “Những điều kỳ diệu có thật” vẫn còn nguyên giá trị không chỉ đối với anh chị em HLV, HDV, TNV và học viên DSTT tỉnh Phú Yên mà còn trên cả nước. Vì ở địa phương nào cũng vậy, nhất là đối với những nơi DSTT vừa đặt chân tới, ai đó nếu đứng bên ngoài nhìn vào, thấy động tác tập DSTT quá đơn giản thì họ sẽ khó tin vào hiệu quả mà DSTT sẽ đem lại. Do đó, việc nghi ngờ, băn khoăn thậm chí là thái độ không đồng tình của một số cá nhân hay chính quyền sở tại là rất có thể xảy ra. Làm sao cho người ta hiểu về phương pháp DSTT có khi lại không đơn giản. Vì thế, tham khảo cách lý giải mang tính thuyết phục như bài viết của ông Phạm Hồng Quang sẽ rất bổ ích.
Cuối cùng, là một Nhà báo tự nguyện tham gia công tác Truyền thông DSTT, tôi xin bày tỏ lòng cảm phục, cảm ơn tới các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí của tỉnh Phú Yên- đặc biệt là Báo Phú Yên cũng như các Nhà báo đồng nghiệp đã theo dõi, động viên, tuyên truyền cho DSTT. Bởi gần hai mươi năm trước, trong khi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, công tác truyền thông cho DSTT trên cả nước còn rất hạn chế, thì sự quan tâm của Báo Phú Yên- Cơ quan của Tỉnh Đảng bộ Phú Yên- đối với phương pháp DSTT càng trở nên quý giá vô cùng! Việc Ban biên tập Báo Phú Yên tự tin, bản lĩnh cho đăng các tin, bài về DSTT trong lúc vẫn còn đây đó có ý kiến trái chiều do chưa hiểu rõ về bản chất của DSTT, là việc làm rất ý nghĩa. Các bài báo đã đăng trên Báo Phú Yên về DSTT, năm 2006 được Ban biên soạn chọn đưa vào cuốn sách “Những điều kỳ diệu có thật”, cho tới hôm nay, tôi tin vẫn là điểm tựa vững vàng cho phong trào DSTT tỉnh Phú Yên.
Nhà báo TỪ NGỌC LANG