Logo Banner
 
Dưỡng Sinh Tâm Thể
Dưỡng sinh tâm thể đứng vững trên cả hai chân
(Ngày đăng: 18/12/2013 - Lượt xem: 8847)
DSTT dựa trên cơ sở lấy TÂM làm gốc là một phương pháp tập luyện cổ truyền mà Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là truyền nhân duy nhất, cũng là Trưởng môn vô cùng kính mến của chúng tôi - người hy sinh hạnh phúc gia đình và cả bản thân mình cho lý tưởng phổ biến rộng rãi việc tập luyện DSTT trong cả nước

Dưỡng sinh tâm thể đứng vững trên cả hai chân: Khoa học thực nghiệm và Khoa học lý thuyết

( Bài phát biểu của T.S Doãn Nho, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất “KHOA HỌC DƯỠNG SINH VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG” ( tại Hà Nội, 27/10/2011)

          Chúng tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc và vinh dự được là một thành viên trong Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất “Khoa học Dưỡng sinh và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Đây là một dịp để chúng tôi học hỏi, nâng cao hiểu biết của mình, gắn bó chặt chẽ hơn trong gia đình Dưỡng sinh dưới mái nhà ấm áp của Liên hiệp UIA, cùng sát cánh nỗ lực hết mình, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Chính phủ nhằm xã hội hóa việc chăm sóc sức khỏe và khích lệ cái TÂM hướng thiện trong cộng đồng.

          Năm vừa qua chúng tôi đã tiến hành Tổng kết 15 năm hoạt động Dưỡng Sinh Tâm Thể (DSTT) trong toàn quốc. Theo số lượng thống kê chưa đầy đủ tính tới tháng 7/2010 tổng số người tham gia tập luyện DSTT là khoảng 160.000 người với trên 320.000 ca bệnh. Nếu tính mỗi ca bệnh vào bệnh viện phải mất khoảng 1 triệu đồng, thì 15 năm qua chúng tôi đã tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 320 tỷ đồng, một con số không nhỏ, rất đáng cho chúng ta suy ngẫm, nhất là trong tình trạng chúng ta còn nghèo và bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải như hiện nay.

          Tính hiệu quả của DSTT khá cao và ổn định suốt 15 năm ở mức 55% số người tham gia tập luyện có chuyển biến tốt, hiểu theo nghĩa khỏi từ phần nửa đến khỏi hẳn; hoàn toàn không có phản ứng phụ, 35% có chuyển biến khá, 10% xem như không có chuyển biến. DSTT có hiệu quả với các bệnh do nhiễm độc các chất hóa học, kể cả chất cực độc điôxin… Hiệu quả đặc biệt cao với nhóm bệnh thuộc hệ vận động, hệ thần kinh, các bệnh u bướu, bệnh dị ứng, bệnh vẩy nến, thoát vị đĩa đệm, nhóm bệnh gây ra do stress vì mọi nguyên nhân…; với những nhóm bệnh này, những người khỏi từ phần nửa tới khỏi hẳn lên tới trên 60%. Với nhóm bệnh lây, DSTT đạt hiệu quả thấp, chỉ có 10% chuyển biến tốt.

          DSTT dựa trên cơ sở lấy TÂM làm gốc là một phương pháp tập luyện cổ truyền mà Bà Tôn Nữ Hoàng Hương là truyền nhân duy nhất, cũng là Trưởng môn vô cùng kính mến của chúng tôi - người hy sinh hạnh phúc gia đình và cả bản thân mình cho lý tưởng phổ biến rộng rãi việc tập luyện DSTT trong cả nước.

          Như duyên tiền định, lý tưởng cao quý này đã gặp được sự nhìn nhận đánh giá đúng đắn cũng như tạo mọi điều kiện có thể của Liên hiệp UIA nên chi một thời gian ngắn đã hình thành một tổ chức mang tên gọi TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG DSTT, ra mắt tại Thủ đô Hà Nội ngày 21/8/1995; và sau đó 15 năm, ngày 21/8/2010 trở thành VIỆN NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG DSTT.

          Theo quan niệm của chúng tôi, đây không chỉ là tên gọi mà thực chất là trọng trách mà chúng tôi được giao. Phải nắm bắt, tập hợp, lý giải và đúc kết thành những kết luận khoa học cho cách tập luyện mang đậm chất DÂN GIANHUYỀN THOẠI này. Cũng rất may cho chúng tôi là ngay thời gian đầu của quá trình này, chúng tôi đã có được sự khẳng định của Cố Viện Sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Ủy viên Trung  ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, rằng: DSTT CÓ CƠ SỞ KHOA HỌC.

Vậy là hơn 15 năm qua, chúng tôi đã tổ chức 5 Hội thảo Khoa học toàn quốc:

*Lần thứ nhất với chủ đề “DSTT với sức khỏe và đời sống tinh thần của cộng đồng”, tháng 3/1998 tại Hà Nội.

*Lần thứ hai với chủ đề “DSTT – những căn cứ Khoa học ban đầu”, tháng 12/1998 tại Hà Nội.

*Lần thứ ba với chủ đề “DSTT-những thành tựu và hướng phát triển”, tháng 8/2000 tại Hà Nội.

*Lần thứ tư với chủ đề “DSTT với Y học bổ sung’, tháng 1/2003 tại Hà Nội.

*Lần thứ năm được tổ chức trong nội bộ với chủ đề “DSTT với 35 mệnh đề” (dĩ nhiên là những mệnh đề khoa học), tháng 8/2010 tại Hà Nội.

          Qua 5 cuộc Hội thảo này đã làm sáng tỏ bản chất của DSTT là chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên, thuộc lĩnh vực Y học năng lượng, nằm trong nhóm Y học bổ sung. DSTT tồn tại bên cạnh 2 ngành Y chính thống là: Tây Y và Đông Y. Ngoài đặc điểm không có phản ứng phụ, DSTT còn có khả năng hướng dẫn tập luyện cho hàng trăm người cùng một lúc đều đạt hiệu quả và người được hướng dẫn tập chỉ một thời gian ngắn có thể trở thành người đi hướng dẫn tập giúp người khác lành bệnh. Ngoài các Hội thảo Khoa học toàn quốc, nhiều Hội thảo Khoa học cấp địa phương đã được tổ chức và cũng gặt hái không ít thành công như: Hội thảo Khoa học được tổ chức tại Phú Yên (2007), Phú Thọ (2009), Bình Định (2010).

          Để có tư liệu cho các Hội thảo và cũng là những thực nghiệm cần thiết, chúng tôi đã chú trọng hoàn tất các đề tài Khoa học từ lớn đến nhỏ, như:

          -“Bước đầu thử nghiệm tập luyện DSTT để khắc phục di chứng do nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh” (9/1998-9/2002), tại Làng Hữu Nghị Việt Nam, Hoài Đức-Hà Tây; chủ nhiệm đề tài: TS. Đặng Kim Nhung.

          -“Phương pháp DSTT với bệnh vẩy nến”, (8/2000-8/2002) tại Đắc Lắc; chủ nhiệm đề tài: Bác sĩ Đỗ Thung.

          -“Tập luyện DSTT để khắc phục bệnh bướu cổ” (1999) tại Hải Dương, có hơn 500 người tham gia, hiệu quả tới trên 60% người lành bệnh.

          -“Tập luyện DSTT để khắc phục bệnh huyết áp” (2000-2001) tại Hà Nội với kết luận đạt hiệu quả cao, đặc biệt ở nhóm người huyết áp cao.

          Nhằm giới thiệu một cách hệ thống về DSTT, chúng tôi đã cho xuất bản nhiều đầu sách; đặc biệt cuốn sách đầu tiên rất mỏng xuất bản năm 1997 vẫn liên tục tái bản cho tới hôm nay, đó là cuốn “Dưỡng Sinh Tâm Thể - phương pháp tập luyện cơ bản” của TS. Trương Thị Thảo.

          Cuốn thứ hai: “Dưỡng sinh tâm thể đẩy lùi trọng bệnh” gần 500 trang, là một tài liệu tham khảo phong phú, mang tính tổng kết hoạt động DSTT ở mọi miền khác nhau trong cả nước với nhiều góc độ của Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn. NXB Văn hóa Thông tin đã tái bản 3 lần từ 2003 tới nay; Chủ biên: Thạc sĩ Nguyễn Toàn Minh.

          Cuốn thứ ba: “Những điều kỳ diệu có thật”, đây là một biên niên sử hết sức sinh động của hoạt động DSTT tại Phú Yên, NXB Văn hóa Thông tin, 2006; Chủ biên: Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Khánh, Giám đốc Trung tâm DSTT Phú Yên, Ông Phạm Hồng Quang.

          Cuốn thứ tư: “Năng lượng tình thương”, NXB Văn hóa Thông tin phát hành và viết lời giới thiệu (15/3/2010). Trong ấn phẩm này, DSTT được đặt trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam. Tác giả: TS. Đặng Kim Nhung.

          Ngoài ra còn nhiều bài bào, nhiều băng đĩa ghi tiếng, ghi hình cũng như những ấn phẩm lưu hành trong nội bộ. (Hầu hết những ấn đều đang có trong quầy sách ở ngoài sảnh nơi triển lãm về hoạt động của DSTT).

          Nhờ đứng vững trên cả hai chân Khoa học thực nghiệm và Khoa học lý thuyết nên hoạt động DSTT dù trải qua những thăng trầm vẫn tồn tại và phát triển. Gần đây nhờ những phát hiện từ góc độ củ Đông Y mà phong trào tập luyện DSTT tại Đăk Lăk đã bùng nổ mạnh mẽ. Tại Lào Cai, nhờ sự trợ giúp của công nghệ soi máu qua màn hình mà bà con càng thêm tin tưởng ở kết quả của bản thân qua khóa tập luyện DSTT… Có một diệu kỳ mà chúng tôi được biết từ khi DSTT mới ra mắt tại Hà Nội được ít lâu, đó là Bà Giám đốc Trưởng môn đã giúp người bệnh được lành bệnh từ khoảng cách rất xa, có thể tới hàng ngàn cây số. Đây chính là phương pháp chữa bệnh từ xa. Mãi tới gần đây, sau nhiều năm tìm hiểu và thực nghiệm, điều kỳ diệu này đã bước đầu được hé mở qua bản tham luận “DSTT với 35 mệnh đề” của TS. Đặng Kim Nhung.

          Tính nhân văn, tính hiệu quả rất cao, đồng thời qua tìm hiểu luôn nảy sinh những cái mới bất ngờ thuộc bản chất Khoa học của DSTT đã cuốn hút chúng tôi. Tuy nhiên suốt 16 năm qua vẫn còn một điều luôn luôn cũ bám riết lấy chúng tôi, đó là Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng DSTT trước kia và Viện Nghiên cứu Ứng dụng DSTT hôm nay vẫn đang làm việc trong điều kiện không có một xu trợ cấp, không có một tấc đất cắm dùi (Trụ sở của Viện hiện nay là căn hộ của gia đình ông Tổng Giám đốc UIA Vũ Thế Khanh). May thay, gần đây tại Đăk Lăk, một tỉnh miền núi xa xôi nằm giữa đại ngàn Tây Nguyên đã có quyết định trợ cấp hàng tháng cho Hội DSTT Đăk Lăk; đặc biệt còn trợ cấp hai suất cho hai Huấn luyện viên, mỗi suất 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền dẫu nhỏ nhưng đã trở thành niềm vui, niềm cổ vũ động viên lớn đối với chúng tôi cùng mọi thành viên trong hoạt động DSTT trên 30 tỉnh và thành phố trong cả nước.

 

Tập thể, cá nhân có nhu cầu tham gia tập luyện DSTT hoặc tổ chức các CLB DSTT xin vui lòng liên hệ theo form dưới đây:
Các bài viết khác