Logo Banner
 
Góc nhìn từ chuyên gia
Gieo Gì Gặt Nấy
(Ngày đăng: 08/09/2015 - Lượt xem: 7746)

Nhà văn- Nhà báo MAI THỤC

       Trong giờ thảo luận về bài giảng” Triết lý nhân sinh Phật giáo Lý- Trần” của tôi tại Đại học Thăng Long, một sinh viên nam dáng cao to, gương mặt sáng sủa, ánh nhìn kiên nghị, trầm tĩnh, hứa hẹn một vai giám đốc doanh nghiệp tương lai, đặt câu hỏi:- Thưa cô, chúng em hiểu cô không giảng đạo đức một cách giáo điều. Bài giảng của cô là những giá trị sống của ông cha và của nhân loại nghìn xưa. Nhưng em luôn phải băn khoăn, nghĩ ngợi về cách sống của mình. Thời hiện đại, nhịp sống cạnh tranh quyết liệt,“ thương trường là chiến trường đẫm máu”, cái xấu, cái ác rình rập, vây bủa, cái giả lấp liếm cái thật… Mỗi người muốn thăng tiến, thành đạt, chiến thắng đối thủ của mình, phải tăng tốc, phải có nhiều mưu kế và phải có những thủ đoạn, những hành động chống trả hoặc chặn đứng đối tác để vượt lên. Nếu chúng ta cứ sống theo triết lý Phật giáo: an nhiên, tự tại, yêu thương, nhường nhịn, thì làm sao kinh tế, xã hội phát triển được? Và các cá nhân tốt thì luôn bị thua thiệt?

Tôi cảm ơn câu hỏi của em, rất chân thành và rất thời sự.

Tôi đâu có lúng túng vì câu hỏi này. Bởi tôi đã nghiền ngẫm đạo Phật hay triết lý nhân sinh Phật giáo Lý- Trần bằng chính cuộc sống của mình và cuộc sống của người đời mà tôi từng mắt thấy tai nghe. Tôi trả lời các em bằng luật nhân quả mà nhiều lần tiến sĩ Đặng Kim Nhung, phó hiệu trưởng Đại học Thăng Long cùng tôi trò chuyện một cách sâu sắc và có lý luận:

- Các bạn cứ tự do hành động theo suy nghĩ của mình. Cô không đưa ra các khuôn mẫu áp đặt các em phải sống thế này, hoặc thế kia. Hãy tự do mà vui sống. Trời của ta. Đất của ta. Đời của ta. Ai bắt buộc ta được? Nhưng nên nhớ rằng đời có luật nhân quả, tức gieo gì gặt nấy (Kinh Thánh). Bất kể một hành động, lời nói hay chỉ là suy nghĩ, dù tốt hay xấu, sẽ mang lại cho người đó một kết quả tương đương, Phật gọi là” nghiệp”; có thể là” nghiệp dữ”, cũng có thể là “ nghiệp lành” . Kết quả này có thể nhận ngay tức thì, nhưng thường là nhận lại sau này” Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” “ Phúc đức tại mẫu” hoặc như câu ca dao” Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây phúc để đời về sau.”. Có thể xa hơn nữa là kiếp sau. Nếu tạo “nghiệp lành”( tức hành động, lời nói, ý nghĩ lành), bạn sẽ được hưởng duyên lành; nếu tạo “nghiệp dữ” (nghiệp chướng) bạn sẽ bị trả nợ. Trong muôn vàn con đường trả nợ (thí dụ con cháu hư hỏng, làm ăn thất bát, thân bại danh liệt, có một cái nợ bệnh tật gọi là “bệnh do nghiệp”, đây thường là căn bệnh khó chữa nhất…) Những người thức tỉnh, hiểu về luật nhân quả, sẽ biết sống hướng thiện, không tạo” nghiệp dữ”. Người thức tỉnh sẽ biết trồng hoa nơi anh ta bước đi, và nhâm nhi hạnh phúc được dâng hiến. Một kiếp sống ở trần gian như thế là một kiếp an bình cho mình, cho con cháu và sang cả kiếp sau. Bạn còn mong gì hơn nữa?

Không khí lớp học bỗng trở nên sôi nổi. Các em khẳng định sự thành đạt của đời người không thể tính bằng chức tước và đồng tiền bất nhân chớp nhoáng:“ Đậy nắp quan tài rồi mới biết/ Nghìn năm mai cốt, chẳng mai danh”.

Các em thi nhau kể cho tôi nhiều hình ảnh con người bị “nghiệp chướng” hành hạ. Em kể làng mình có ông ngày xưa hăm hở vác búa đi đập phá đền chùa, nay con cháu lụn bại, hung hãn, chết oan, chết khổ, bản thân ông ta cũng bị chết trong quằn quại, đau đớn, không siêu thoát được…

Có em kể chuyện phường mình có ông quan chức nhà nước giàu sụ, nhà lầu, xe hơi, trăm người cầu cạnh, cúng biếu, tưởng như oai oách, sung sướng lắm, nhưng con trai nghiện ma túy, phải đưa sang nước ngoài chạy chữa, tiền của tham ác, đổ vào nhà, nhanh chóng đội nón ra đi. Đến công đường ông ra vẻ oai vệ, hành hạ dân đủ kiểu, nhưng khi bước chân về nhà, mặt méo như cái bị rách. Những bóng ma rập rình ám quanh nhà mà ông ta không hay biết.

Các em kể chuyện đời như vậy, nhiều lắm. Nhan nhản kháp nơi. Ai cũng cảm thấy sờ sợ… và tự nhiên lựa chọn được cách sống. Em Huyền tâm sự: “Trong cuộc đời này, nếu phải lựa chọn giữa sự giành giật, nhục nhã vì tiền/ và tình thương yêu, tôn trọng mà nghèo khó, thì em sẽ chọn tình yêu thương với nụ cười.”

Những câu chuyện “nghiệp chướng” ngay tức thì, bây giờ vơ đâu cũng thấy. Mỗi ngày đọc báo, xem tivi đều thấy hiện ra chuyện “nghiệp chướng” nhãn tiền. Vị “quan” này, tham ô lớn, ăn chơi trụy lạc, tưởng không ai biết. Nhưng hậu quả khác lại đến. Có quá nhiều tiền, mà không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chàng bèn đi chơi gái chưa đến tuổi vị thành niên, bị phát giác, thế là thân bại danh liệt. Vị “quan” nọ, ung dung xe ngựa đi về ngôi biệt thự Pháp trong phố cổ gần hồ Thiền Quang. Tưởng đời như thế là thành tiên, bỗng đâu hai cha con cùng phải vào tù vì tội tham nhũng. Thế là một nhà chịu nhân quả nhỡn tiền- hai cha con làm quan to đều vào tù, không đợi đến kiếp sau…

Tội tham nhũng tày trời, nhưng không ai “bắt được tay, day được trán”. Đùng một cái, “vài thằng con con” đánh bạc liên quốc gia lộ ra, bị bắt tù, kèm theo cả một đống quan chức, bị lộ mặt về tội làm đường, làm cầu giả dối, kém chất lượng, moi tiền dự án chia nhau…

Có bà vợ chạy chọt mua chức cho đức ông chồng yêu mãnh của mình, những mong” vinh thân, phì gia”. Ai ngờ khi có chút chức vụ, tham ác được ít tiền, chàng chán bà vợ già âm lịch, chạy theo gái trẻ, mua nhà riêng và có con riêng. Chuyện tự nhiên vỡ lở. Vợ già ngậm quả đắng suốt đời…

Chuyện thật như đùa. Dân chúng chẳng mất công lên tiếng, bọn tham ác cũng tù cả nút. Đúng là” người phạt không bằng Trời phạt”.

Người dân nghe những chuyện trên, bảo:” Trời có mắt”. “ Trời hại”.

Nhân quả nhãn tiền đấy! Nó trừng phạt những kẻ tham ác. Không thương tiếc. Làm cho họ sống cũng như chết.

Có ti tỉ chuyện “quả báo” đăng trên báo, mà tôi không thể kể ra. Tôi thuộc tạng người không viết nổi, nói nổi, những chuyện xấu, ác tham. Tôi rất kinh sợ, cái xấu, cái ác, luôn tỉnh táo nhận biết để tránh, và khuyên những người thân thương của mình tránh.

Tôi tin theo luật nhân quả, “ Kẻ gieo gió ắt gặp bão”, “Ác giả, ác báo”. Đây là luật vô hình. Là luật Trời. Luật Tâm linh. Sớm muộn những người gây tội ác sẽ bị quả báo. Ông bà ta dạy Quỉ thần trên hai vai. Chớ tưởng rằng không ai biết.

Gương tày liếp của những người bị Trời phạt đã quá nhiều. Nghĩ mà kinh! Những ai biết kinh sợ luật Nhân Quả thì không bao giờ dám hành động xấu, suy nghĩ xấu. Họ luôn khôn ngoan, tỉnh thức để tìm đến, nương tựa vào cái Thiện, mong giữ một kiếp sống bằng an, không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả con cháu mình nữa.

Tôi nâng niu những con người gieo nhân Thiện. Tôi mơ cùng mọi người nhìn vào cái Đẹp cho đời nở hoa. Tôi khuyên các sinh viên và các con tôi hãy tận hưởng hương thơm của hoa hồng, đừng dại gì mà hít xú uế vào buồng phổi.

Tôi mơ mọi người yêu nhạc Mozart:

Trước đó, năm hai mươi tuổi, tôi say mê cuồng nhiệt Beethoven. Nhưng với thời gian, tôi bị Mozart “ thôi miên” vì cái hồn thanh thản Trời cho, vì sự hài hòa thánh thiện của nhạc Mozart, làm cân bằng mọi âu lo trần thế, dù bi kịch của cuộc đời có lớn đến đâu đi nữa…” (nhà thơ Bằng Việt).

Các cụ nhà ta bảo:” Ghét của nào, trời trao của ấy”. Mình nghĩ đến cái ác, cái ác sẽ ám vào ta. Mình nghĩ đến đau ốm, bệnh tật sẽ dính vào ta. Mình nghĩ đến ma quỉ, ma quỉ sẽ nhập vào ta. Tâm mình đằng đằng hung khí, hung khí sẽ làm nhiễm độc cuộc sống của chính mình. Mình nghĩ đến cái Thiện, hồn trong sáng, Phật hiện về, mách bảo ta sống bằng tình yêu thương và trí tuệ.

Thân lành, tâm lành, ngôn lành, khẩu lành

Tôi đã gặp” Những người nhân đức trời dành phúc cho”. Họ là những người làm việc Thiện không mệt mỏi. Họ là hàng vạn người ăn ở hiền lành, cái Tâm trong sáng, đã theo má Hai Hương tập Dưỡng sinh tâm thể và được hưởng niềm vui khỏi bệnh. Hôm nay, dù má Hai Hương đã bay về trời sau khi làm tròn xứ mệnh thức tỉnh mọi người sống hiền lành: sẽ thu được năng lượng của Trời Đất để đẩy lùi bệnh tật, sống khỏe, sống vui, sống an bình… Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) vẫn tồn tại khắp nơi trên đất nước ta. Là một phương pháp chữa bệnh bằng Năng lượng sinh học, hay còn gọi là Chữa bệnh tâm linh theo quan niệm thế giới.

Bạn có thể tìm đến Trung tâm Dưỡng sinh Tâm thể tại phố Trần Duy Hưng- Hà Nội để được dạy tập sống lành, học gieo nhân lành rồi hưởng quả lành, cụ thể là sống lành sẽ chữa lành bệnh tật. Bạn sẽ gặp vợ chồng nhạc sĩ quân đội Doãn Nho và được nghe ông bà kể chuyện thật như huyền thoại. Vợ ông là cô văn công quân đội, hát hay, duyên dáng nét phụ nữ Hà Thành. Hơn mười năm trước, bà bị ung thư, may gặp má Hai Hương, được dạy tập hít thở và” uống nước nhớ nguồn”, bà bỗng trở nên bình tĩnh, an lạc, tươi trẻ lại, đẩy lùi được căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó đến nay, hai vợ chồng bà gắn bó với DSTT hiến dâng làm việc thiện, để nhận về sức khỏe, niềm vui…

Nhạc sĩ Doãn Nho viết:” Tôi mang nặng thói quen nghề nghiệp: thích sống trong tâm trạng lơ mơ, bay bổng để rồi thăng hoa, và hy vọng từ đó viết nên những giai điệu đẹp với lời ca đầy chất thơ. Vậy mà mấy năm gần đây cơ duyên đã gắn tôi vào chức vụ giám đốc điều hành Trung tâm Dưỡng sinh tâm thể với mọi công việc” thượng vàng hạ cám” hết sức cụ thể, hết sức tỉ mỉ, không được phép lơ mơ và bay bổng. Tôi đã liều mạng nhận nhiệm vụ này với động cơ trả cái nghĩa má Hai Hương đem lại sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cho vợ tôi… Theo nhịp tay tôi, mọi người” hít hà”… cứ như có phép màu vậy. Về sau tôi vỡ lẽ đó là Tâm truyền; người hướng dẫn và người được hướng dẫn gặp nhau, hòa vào nhau trong cái Tâm thiện, trong sự đồng cảm đầy tình người trên cơ sở đạo lý” uống nước nhớ nguồn”, để từ đó đánh thức những tiềm năng vốn có trong từng con người, đem lại ngẫu hứng, đem lại sức khỏe cùng tâm hồn trong sáng mà đẩy lùi dần những bệnh tật.”

Những ai từng biết DSTT suốt hơn mười năm nay,đã chứng kiến hiện tượng vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho sống hết mình cùng Dưỡng sinh tâm thể như những người tự biết mình phải gieo nhân lành để gặt quả lành. Ông sáng tác bản nhạc dành cho Dưỡng sinh tâm thể và hằng ngày cùng hàng vạn người vui hát:

“ Còn gì vui hơn thân ta khỏe mạnh, Tâm ta sáng như gương. Ta yêu quê hương, góp phần bé nhỏ: giúp mọi người cùng tập vì đất nước phồn vinh. Ta yêu quê hương, thương người mến vật. Nghe lời má dặn ta uống nước nhớ nguồn. Nghe lời má dặn ta uống nước nhớ nguồn! Còn gì vui hơn”.

Khái niệm” Uống nước nhớ nguồn” có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lớn lao, hiểu sâu sa là cõi tâm linh Hà Nội- Việt Nam, là đạo lý của dân tộc, là tình thương yêu thông hai cõi Âm- Dương, là nguồn năng lượng vô tận của vũ trụ. Ai nhớ về cõi tâm linh linh nguồn cội, sống lành sẽ được hưởng ân huệ diệu kỳ của nó. Đó là luật Nhân Quả.

Trong tình yêu thương tâm linh của má Hai Hương, Nhạc sĩ Doãn Nho và tôi đã gặp gỡ nhau trong âm vang Trời- Đất. Tâm hồn thơ nhạc đồng điệu, Doãn Nho đã phổ nhạc bài thơ Phan Thiết mùa trăng của tôi thành bản nhạc Biển Trăng tha thiết, say đắm cùng trăng vàng biển ngọc, núi đồi, vườn cây thanh long của Phan Thiết với hồn thiêng thi sĩ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, ôm ấp hình bóng thiếu nữ Chàm say múa cùng tiếng trống pa- ra- nưng hòa trăng biển- Biển Trăng:

“ Tiếng ai mơ hồ gọi ai về Phan Thiết. Kìa vầng trăng ai nỡ bỏ quên đang tan thành sóng biển. Trăng Bích Khê nâng hồn ngọc thạch. Trăng Hàn Mặc tử tha thiết ân tình. Thanh long đua nở hoa thơm ngát. Pa- ra- nưng trống vỗ rộn ràng. Thiếu nữ Chăm như say trong điệu múa… Phan Thiết biển trăng. Ơi, Phan Thiết biển trăng ơ hơ Ơ ơ hơ hơ hơ hơ… biển trăng ơ hơ…”

Lời của bài hát tan dần… tan dần vào không gian vô tận, vô cùng… Âm nhạc lan trong gió, lan mở trong vũ trụ vô biên. Hồn thơ nhạc hay hồn vũ trụ là một. Ta với Trời Đất là một. Má Hai Hương đã dạy chúng tôi như thế!

Loài người nhận biết Luật Nhân Quả

Nhân Quả được hình dung trong đời sống người Hà Nội- Việt Nam giản dị , mạch lạc như câu hát dân gian:

Thương người người lại thương ta/ Ghét người người lại hóa ra ghét mình”.

Từ xa xưa loài người và Tổ Tiên Việt đã cảm nhận được sự huyền vi của nhân quả (Kinh Dịch). Đạo Bà-la- môn cách đây trên ba nghìn năm ở Ấn Độ cũng đưa ra thuyết Nhân Quả.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực chứng được vai trò của luật Nhân Quả. Sự tương hỗ trong luật Nhân Quả quyết định quĩ đạo của vòng luân hồi sinh tử. Khổng Tử nói về hiệu ứng của luật nhân quả: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân

(Đừng làm cho người khác cái điều mà mình không thích). Đạo Thiên Chúa dạy luật Nhân Quả: Gieo gì gặt nấy hoặc Con muốn lấy của ai thứ gì thì hãy cho người ta thứ đó.

Nhà vật lý học vĩ đại Newton đã trình bày hiệu ứng của luật nhân quả trong cơ học rắn (Định luật 3 Newton: Nếu vật A tác động vào vật B một lực là F thì B cũng tác động lại một lực là F nhưng ngựoc dấu( lực trực đối).

Duy vật biện chứng cũng nói đến hiệu ứng của luật nhân quả: Kẻ gieo gió ắt phải gặp bão.

Quan hệ Nhân Quả không chỉ nghiệm đúng trong thế giới hữu hình, mà còn nghiệm đúng với thế giới vô hình. Luật Nhân Quả phản ánh toàn bộ hình thái của tương tác vũ trụ. Sự tương tác Nhân Quả có thể xuyên không gian, thời gian, xuyên mọi nơi, mọi lúc…

Những kiến thức về luật Nhân Quả giúp chúng ta có thái độ thận trọng trước khi làm bất kỳ việc gì. Đây không phải là một bài học đạo đức giáo điều hay là sự răn dạy có tính duy tâm, mụ mỵ. Mà là luật cân bằng của vũ trụ. Bạn cùng tôi lắng nghe tiếng hát chầu văn của Mẹ Cha Việt vang âm trong Trời Đất, truyền muôn kiếp nhân sinh, nhắn nhủ ta rằng:

Cõi tang bồng vay trả, trả vay… í… i

Ai ơi có biết, cõi tang bồng trả vay… ừ… ư

 

                                                                       Hà Nội tháng 5- 2009.

MAI THỤC- VIỆT VĂN MỚI

 

Tập thể, cá nhân có nhu cầu tham gia tập luyện DSTT hoặc tổ chức các CLB DSTT xin vui lòng liên hệ theo form dưới đây:
Các bài viết khác