Logo Banner
 
Góc nhìn từ chuyên gia
Giới thiệu sách: Phục hồi sức khỏe
(Ngày đăng: 24/09/2019 - Lượt xem: 663)

Giới thiệu sách:

“NHỮNG PHƯƠNG THỨC PHỤC HỒI SỨC KHỎE THEO TỰ NHIÊN”

Tác giả: NISHI KASUZO- T.S Trương Thị Thảo dịch

NXB Lao động & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây xuất bản-Hà Nội, 2013.

 

LỜI DẪN

Thật may mắn và hạnh phúc cho gia đình tôi khi chúng tôi đã đến với phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên từ năm 1996! Nhớ lại trước đó, năm 1989 vợ tôi phải mổ cấp cứu cắt u trên thân tử cung mà theo xét nghiệm của Bệnh viện TW Quân đội 108 và Bệnh viện K thì đó là u ác. Một bác sỹ tham gia ê-kíp mổ cho tôi biết vợ tôi chỉ có thể sống khoảng 6-7 năm nữa thôi. Và quả thật đến thời điểm đó - năm 1996 - sức khỏe của vợ tôi đã kiệt quệ, những cơn đau dữ dội ập tới mà nơi đau chuyển lên thượng vị, rất có thể đã tới giai đoạn di căn! Thật phúc đức, một người bạn đã dẫn chúng tôi đến một điểm tập luyện để chữa bệnh theo kiểu dân dã tại làng Trung Kính hạ nay là ngõ 48, phố Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội; ở đây chúng tôi đã gặp Má Hai Bình Định, còn gọi là Má Hai Hương - chính là Bà Giám đốc Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương của Trung tâm Nghiên cứu Dưỡng sinh Tâm thể (DSTT) lúc đó, nay là Viện Nghiên cứu Ứng dụng DSTT (gọi tắt là Viện DSTT). Theo sự chỉ dẫn của Má, vợ tôi tập luyện chưa đến một tuần đã không còn một triệu chứng nào của bệnh tật! Sự chuyển biến quá nhanh với cách tập luyện quá đơn giản khiến bản thân vợ tôi nửa tin nửa ngờ. Nhưng rồi từng bước tìm hiểu và thể nghiệm, và qua các cuộc hội thảo, bản chất khoa học của cách tập luyện này ngày càng được khẳng định.

Sau 15 năm nghiên cứu và thể nghiệm, đầu năm 2010, TS Đặng Kim Nhung – Trưởng ban Khoa học của Viện DSTT (vốn cũng là người bệnh nhờ tập luyện DSTT mà khỏi bệnh) đã cho ra mắt cuốn “Năng lượng tình thương” giới thiệu về trường năng lượng - cội nguồn của các phương pháp chữa bệnh theo liệu pháp tự nhiên của thế giới và Việt Nam (trong đó có DSTT với tư cách là minh chứng điển hình) qua những nguyên lý của mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người…

Như một cơ duyên, một sự phối hợp tuyệt đẹp, ngay từ năm 2006, TS Trương Thị Thảo - thành viên trong Ban Khoa học của Viện - đã dịch xong (từ tiếng Nga) cuốn “Những phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên” của tác giả người Nhật Nishi Katsuzô, một trong những đại diện kiệt xuất của nền y học tự nhiên của tất cả các dân tộc từ thời đại cổ xưa cho tới ngày nay, cuốn sách đem lại cái nhìn cụ thể và tình thương từ bản thể của chúng ta trong mối quan hệ giữa ta với thiên nhiên thông qua trường năng lượng.

Qua tác phẩm này, tác giả gửi tới mọi người một thông điệp: nếu chúng ta tin vào bản thân mình và bắt đầu học cách khám phá nguồn dự trữ của cơ thể mình thì chẳng bao lâu nữa cuộc sống của con người trên Trái Đất này có thể kéo dài tới 100, thậm chí 120-130 tuổi. Điều này là hoàn toàn thực tế chính bởi con người đã được lập trình bằng con đường sinh học cho khả năng sống khỏe, sống lâu!

Theo sự dẫn dắt của tác giả - một sự dẫn dắt khéo léo, luôn kết hợp tính nguyên lý với tính cụ thể, tính lý thuyết với tính thực hành dẫn đến hiệu quả trong tầm tay – chúng ta không mấy khó khăn để nhận ra tiềm năng quý báu của mình, đã đang và sẽ đem lại sức sống trẻ cho chính mình.

Ai cũng có đôi bàn tay, nhưng có lẽ chúng ta hiểu và trân trọng hơn đối với đôi bàn tay của mình khi được tác giả giải thích: “… Việc đầu tiên chúng ta phải làm gì nếu chúng ta bị ngã, bị thương hoặc giản đơn là chúng ta cảm thấy đau ở nơi nào đó của cơ thể. Tất nhiên việc đầu tiên là chúng ta đặt bàn tay lên chỗ đau - cử chỉ này có được bởi chính tự bản thân không cần sự kiểm tra của ý thức của chúng ta. Vì sao vậy? Vì rằng bản thể sâu xa của chúng ta có sự nhận biết từ bên trong phải làm như thế là đúng đắn. Nhưng rất ít người trong chúng ta suy tính rằng tại sao chính cơ thể đòi hỏi đặt lòng bàn tay vào nơi đau. Ít ai biết sử dụng hiểu biết này trong đời sống hàng ngày”.

Chúng ta thường nói: “một sự nhịn là chín sự lành”, với ý nghĩa giáo huấn trong mối quan hệ xã hội, và nay tác giả của cuốn sách bổ sung: “sự tức giận hủy hoại không chỉ những con người xung quanh mà còn hủy hoại chính bản thân người đang tức giận. Tức giận - năng lượng thù địch, nó bao vây ta đến nỗi làm ta không thấy được những điều tốt đẹp quanh mình mà ta chỉ thấy những điều tồi tệ. Điều đó làm tràn đầy đến cực điểm trong ta những năng lượng độc hại dẫn đến bệnh tật”.

Ngay từ những ngày đầu của tuổi thơ, tác giả đã được “chẩn đoán” là sẽ không sống được đến năm 20 tuổi. Rất may là đã biết nghe, biết tin vào cơ thể mình, nghĩa là đã biết suy nghĩ đúng mà suy nghĩ đúng chính là dòng năng lượng tích cực - nên tác giả đã chiến thắng bệnh tật để rồi sau đó, qua nghiên cứu, đã phát hiện khả năng chiến thắng sự già nua!

 Quả thật không thể kể hết những điều thú vị thu lượm được từ cuốn sách này. Với tất cả tấm lòng chân thành, tôi thầm cảm ơn tác giả của cuốn sách. Tuy nhiên, thật thiếu xót nếu tôi không nhắc đến tâm sức của người dịch cuốn sách này - TS Trương Thị Thảo.

Ngay từ năm 1997, TS Trương Thị Thảo đã để tâm nghiên cứu và viết cuốn “Dưỡng sinh Tâm thể - Phương pháp tập luyện cơ bản”, không chỉ đáp ứng kịp thời mà tới nay vẫn giữ nguyên giá trị; để rồi tiếp đến việc dịch và giới thiệu rộng rãi trước công chúng cuốn sách này như là một sự giải thích đầy sức thuyết phục với những nhãn quan thế giới, với những cứ liệu khoa học không thể chối cãi, qua đó khẳng định và tôn vinh những phương pháp tập luyện thuộc Phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên, trong đó có DSTT.

Sau khi bảo vệ luận án thành công một cách xuất sắc tại Liên-Xô cũ và tại Việt Nam người nữ Tiến sỹ thuộc ngành sinh học này đã dành toàn bộ tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp trồng và bảo vệ rừng của Tổ Quốc, và có lẽ không thể nhớ hết những thời điểm sống và làm việc trong những khu rừng rậm giữa mênh mông đại ngàn, trong đó không ít những khu rừng nguyên sinh rải rác suốt từ Bắc vào Nam.

Đến tuổi được nghỉ ngơi lại là lúc phải dồn hết tâm sức với tư cách thành viên Ban Khoa học của Viện DSTT để tìm hiểu và nghiên cứu một lĩnh vực mới mẻ đầy tính nhân văn nhưng vất vả gian nan có lẽ không thua kém gì khi tìm hiểu và nghiên cứu về rừng!

NHƯ VẬY, KHI CUỐN SÁCH NÀY TỚI TAY ĐỘC GIẢ, TÔI CHÂN THÀNH HY VỌNG ĐƯỢC CÁC BẠN ĐỘC GIẢ COI ĐÓ LÀ MỘT CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA THẾ GIỚI RẤT ĐÁNG TRÂN TRỌNG VỚI CHỦ ĐỀ “NHỮNG PHƯƠNG THỨC PHỤC HỒI SỨC KHỎE THEO TỰ NHIÊN” CỦA TÁC GIẢ NISHI KATSUZÔ VÀ DỊCH GIẢ TS TRƯƠNG THỊ THẢO.

Hà Nội, 14/10/2012

TS Doãn Nho

 

CÙNG BẠN ĐỌC

Có thể là các bạn cũng muốn biết tại sao tôi lại ngày ngày bỏ công sức ở cái tuổi 72 này để dịch, rồi trải nghiệm và thiết tha mong mỏi được xuất bản càng sớm càng tốt những cuốn sách nhỏ giản dị, lại rất cổ, liên quan đến sức khỏe con người, giữa thời buổi mà các thành tựu khoa học kỹ thuật toàn cầu đang nở rộ? Một trong những thành quà của nó mà ngành y tế đang thừa hưởng là các thiết bị y tế hiện đại, các dược phẩm mới rất đa dạng…, tác động rất nhanh và mạnh đến cơ thể con người… Chính là giữa lúc đó… vì sao vậy?

Vâng, tôi không phải là một bác sỹ Tây y hoặc Đông y gì cả, cũng không phải một dịch giả chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một cán bộ nghiên cứu khoa học, đã nghỉ hưu từ năm 1996. Do sức khỏe không tốt, tôi đã phải thường xuyên đến các cá nhân và tổ chức y tế trong và ngoài cơ quan nhà nước xin sự trợ giúp. Nhưng bệnh tật của tôi chuyển biến khá chậm, cá biệt có bệnh còn trầm trọng hơn. Cuộc sống khá căng thẳng, lo lắng nhiều hơn vui vẻ. Nhưng rồi duyên lành đã đưa tôi đến với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh Tâm thể (DSTT), được thành lập năm 1995 tại Hà Nội, do bà Hai Hương (người Bình Định) làm Trưởng môn. Rất bất ngờ, chưa đầy nửa tháng sau, các bệnh của tôi hầu như lui hết. Tôi càng ngày trở nên khỏe mạnh. Từ đó đến nay, đã qua 16 năm, tôi tham gia vào nhóm nghiên cứu ứng dụng phương pháp này. Nhưng câu chuyện đã không dừng lại ở đây: tôi đã có cơ hội đi khắp đất nước, đặc biệt là có thể giúp nhiều người, bằng luyện tập rất đơn giản mà giảm được đau, bệnh, trở lại mạnh khỏe. Từ sự giúp đỡ và được sẻ chia này, tôi sống vui vẻ, thanh thản giữa nhiều bạn bè và người thân cũ mới, già,trẻ, gần xa ở khắp mọi nơi. Trong số đó có chị Hoàng Anh, chị sống và làm việc tại Nga. Một lần về phép, do ốm, chị tìm đến tôi để tập môn DSTT. Ít ngày sau chị giảm bệnh và trở lại Nga làm việc. Trong lần nghỉ phép sau, chị đã mua tặng tôi một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Nga “Những phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên” của Nishi Katsuzô (người Nhật) xuất bản năm 2002 tại Nga. Tôi đọc thấy quá hay vì lập tức phát hiện ở cuốn sách nhỏ này những điều tôi đang khao khát tìm kiếm. Đó là những điều mà phương pháp DSTT còn chưa giải thích. Những trang sách của thầy Nishi Katsuzô đã giúp tôi củng cố niềm tin vào phương pháp DSTT của Bà Hai Hương (Nguyễn Thị Hương). Từ đó trong tôi xuất hiện những nhận thức hoàn toàn mới mẻ: có thể xử lý rất nhiều loại bệnh tật và tăng cường sức khỏe cho con người không phải chỉ bằng duy nhất con đường dùng thuốc hoặc phẫu thuật mà còn bằng luyện tập môn dưỡng sinh năng lượng tâm thể, và rồi chị Hoàng Anh lại tìm mua gửi qua bạn bè về nước tặng tôi thêm nhiều cuốn sách nữa của Nishi Katsuzô. Thế là việc trải nghiệm từng bước các chỉ dẫn phong phú của ông trên nền tảng môn DSTT của Việt Nam đã cho tôi khẳng định: tính huyền diệu và sâu sắc, tính hiệu quả và nhân văn trong cái rất ngắn gọn và rất đơn giản của phương pháp DSTT của bà Hai Hương, cũng như tính khoa học sắc sảo trong sự khúc triết, sự tinh tế nhưng lại khá cụ thể, tỉ mỉ của hệ thống các phương pháp phục hồi sức khỏe theo Nishi Katsuzô. Phương pháp của Bà Hai Hương nêu cao TÂM LÀNH trong phương châm rèn luyện sức khỏe là TÂM LÀNH, THÂN LÀNH, NGÔN LÀNH - lấy vận động hít thở tự do bằng bụng, lấy đôi bàn tay ấm nóng của mình là công cụ - làm nền tảng cơ bản để đánh thức năng lượng còn ẩn giấu bên trong cơ thể, để đẩy ra khỏi nó những năng lượng xấu, tạo nên sự cân bằng, sự hài hòa về năng lượng trong mỗi con người; giữa con người và vũ trụ - yếu tố cốt lõi của sức khỏe chúng ta.

Phương pháp của Nishi Katsuzô - giải thích ở tầm khoa học khá sâu về năng lượng tự nhiên - yếu tố quyết định sức khỏe con người. Nó được duy trì, được làm tràn đầy, hay bị mất đi, làm hao mòn kiệt quệ cơ thể. Ông chỉ rõ 3 cách - 3 phương tiện - cũng là 3 nguồn mạnh nhất - 3 thứ thuốc huyền diệu nhất: đó là: 1 - bàn tay - công cụ độc nhất vô nhị của tạo hóa đã ban tặng con người. 2 - cảm giác. 3 - suy nghĩ. Ông dạy cho chúng ta hiểu và học cách vận dụng chúng như thế nào để chúng ta sống khỏe mạnh mà thanh tao.

May sao, tôi đã có duyên lành được bước đầu nhận biết ra những điều mới mẻ: rằng tư tưởng và phương pháp của bà Hai Hương và thầy Nishi Katsuzô hẳn phải là sự gặp gỡ, sự hội tụ và sự bổ sung để làm đầy cho nhau bằng những tinh hoa của văn hóa phương Đông trên khía cạnh sức khỏe mà 2 dân tộc Việt Nam và Nhật Bản đã có từ ngàn xưa? Vì những khám phá này tôi xin cảm ơn chị Hoàng Anh rất nhiều với món quà giản dị mà thiết thực và rất quý giá của chị.

Vì những lý do trên, ý tưởng cần xuất bản những cuốn sách bổ ích này để nhiều người cùng biết và vận dụng ngày càng thôi thúc trong tôi. Nhưng suốt 6 năm qua, kể từ 2006, bản dịch cuốn sách đầu tiên này ra tiếng Việt, dù đã hoàn tất, đành phải khép lại! Tôi đã không thể… (!) Mặc dù vậy, tôi vẫn đau đáu mong chờ trong kiên trì trải nghiệm!

Và rồi duyên lành lại đến. Đầu năm 2012, tôi quyết định cho một số bạn bè người thân cùng đọc bản thảo đã dịch để xin ý kiến và thật bất ngờ:

  • Một số bạn bè người thân là bác sỹ tây y và đông y đã đọc và cho rằng phương pháp phục hồi sức khỏe bằng luyện tập là một hướng nghiên cứu mới rất đúng, nên đã rất nhiệt tình ủng hộ và khuyên nên sớm xuất bản để nhiều người được đọc và vận dụng. Tôi xin cảm ơn nhiều!
  • Đặc biệt TS Vũ Khắc Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Việt-Nhật và ông Inami Kazumi - Giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật-Việt tại Việt Nam đã giúp đỡ tôi rất vô tư và nhiệt tình. Nhờ đó tôi đã nhanh chóng có được bản quyền tác giả của gia đình ông Nishi Katsuzô. Tôi xin chân thành cảm ơn rất nhiều đến hai ông vì tất cả những gì các ông đã giúp tôi trong thời gian qua.

Tôi đã may mắn làm sao khi nhận được câu trả lời qua điện thoại, rồi sau đó bằng văn bản thông qua Hội Nhật-Việt của ông Nishi Manjirô - cháu của thầy Nishi Katsuzô, đã cho phép tôi xuất bản tại Việt Nam 4 đầu sách của thầy.

Tôi đã rất vui mừng, xúc động và vô cùng biết ơn ông Nishi Manjirô và từ trái tim mình tôi chân thành kính nhờ ông thắp giùm tôi một nén nhang lên mộ thầy Nishi Katsuzô để tri ân và tạ ơn người thầy kiệt xuất - người sáng lập ra trường phái phục hồi sức khỏe theo tự nhiên, không dùng thuốc, nổi tiếng khắp thế giới. Tôi xin kính chúc gia đình ông sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt và ngày càng tập hợp được thêm nhiều người đi theo phương pháp nâng cao sức khỏe của thầy Nishi Katsuzô do ông đang kế tục.

Nhưng nếu thiếu sự ủng hộ nhiệt tình tác phẩm dịch này và sự giới thiệu người dịch nó với hội hữu nghị Nga - Việt và Việt - Nhật để giúp đỡ, chắc gì tôi đã có được bản quyền xuất bản tại Việt Nam. Tôi xin cảm ơn nhiều đến Viện phó viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nga... GS,TS Trần Đình Long!

Trong công việc chuẩn bị cho xuất bản tài liệu dịch khoa học đầu tiên này của tôi, liên quan tới ba ngôn ngữ: Nhật, Nga và Việt, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ rất nhiệt tình và có hiệu quả:

  • Các cháu tình nguyện viên Dưỡng sinh Tâm thể Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Phương Anh, vừa là cộng tác viên đầy nhiệt tình, vừa là những học trò đầu tiên trải nghiệm một cách đầy hứng thú theo Nishi Katsuzô trên cơ sở của phương pháp DSTT Việt Nam. Cảm ơn các cháu rất nhiều.
  • Các cháu Dạ Hương và Hà Nguyên (phiên dịch của Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật-Việt) và ông Phạm Văn Nha (giảng viên khoa Ngoại Ngữ và văn hóa phương Đông, phân khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) - là cầu nối giúp tôi giới thiệu với ông Inami Kazumi các đặc điểm văn hóa dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe của Việt Nam và Nhật để ông ấy hiểu rõ vì sao tôi muốn xin bản quyền tác giả xuất bản tại Việt Nam một số đầu sách của ông Nishi Katsuzô. Thiếu sự cộng tác giúp đỡ nhiệt tình của họ chắc là tôi đã không thể hoàn thành công việc tuy nhỏ nhưng tôi đã rất tâm huyết trong suốt những năm qua. Xin trân trọng cảm ơn!

Cuốn sách nhỏ đầu tiên này cũng đã được TS Doãn Nho - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh Tâm thể Việt Nam đọc một cách rất hứng thú. Tôi rất biết ơn ông bà Doãn Nho và Nguyệt Ánh đã không chỉ giành thời gian eo hẹp để đọc rất kỹ, góp nhiều ý kiến bổ ích mà còn trải nghiệm một cách rất lý thú nhiều bài tập theo Nishi Katsuzô.

Và trong suy nghĩ của mình, sự ủng hộ và tạo mọi điều kiện cần thiết của các cơ quan hữu quan của Nhà nước như Bộ Y tế, Cục Xuất bản, Nhà Xuất bản Đông Tây… có ý nghĩa to lớn và mang tính quyết định; sự quan tâm giúp đỡ và cộng tác thường xuyên của những người thân trong gia đình, các anh, em, chồng, các con và các cháu là vô cùng quan trọng. Tôi sẽ làm được gì đây nếu thiếu sự ủng hộ, cổ vũ và chia sẻ lớn lao này?

Tôi xin cảm tạ rất nhiều, nhiều lắm đến tất cả các tổ chức cá nhân, và tất cả những ai đã trải nghiệm cùng tôi theo Nishi Katsuzô, đã góp phần tích cực cho sự ra đời cuốn sách dịch nhỏ này mà tôi không thể kể ra hết được và xin kính chúc tất cả sức khỏe lâu bền, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.

Xin chúc tất cả các bạn sự sáng suốt trong lựa chọn những phương  thức phù hợp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mình trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Tôi cũng xin thành tâm muốn được giao lưu cùng bạn đọc những điều liên quan đến nội dung cuốn sách mà tôi đã dịch và đang từng bước học tâp và trải nghiệm nó.

TS Trương Thị Thảo

Điện thoại liên hệ: 04 35190923

Tập thể, cá nhân có nhu cầu tham gia tập luyện DSTT hoặc tổ chức các CLB DSTT xin vui lòng liên hệ theo form dưới đây:
Các bài viết khác