LIÊN HIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TIN HỌC ỨNG DỤNG (UIA)
VIỆN NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG DƯỠNG SINH TÂM THỂ (DSTT)
BÁO CÁO TỔNG KẾT 20 NĂM HOẠT ĐỘNG DSTT
SONG HÀNH VỚI BÁO CÁO SƠ KẾT MỘT ĐỀ TÀI
Bối cảnh lịch sử
Luyện tập để khỏi bệnh là phương pháp đã có tự ngàn xưa, và ngày càng phát triển trên phạm vi toàn châu lục, mà trước hết phải kể đến Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ với các phương pháp như: Khí công; Thái cực quyền; Trường sinh đạo, Yoga, … Các nước ở châu Âu, châu Mỹ, từ cuối thế kỷ thứ 20 cho tới nay cũng phát triển khá mạnh mẽ các phương pháp nổi tiếng đã đi vào truyền thuyết này, ngoài ra còn phát triển các phương pháp như chữa bệnh bằng Ánh Sáng (Guérir Par la Lumière), chữa bệnh bằng Năng lượng Nhân Thể (Magnétisme et de Sophomagnétisme)… . Cũng như các nước khác, Việt Nam coi trọng việc tập luyện để chữa bệnh, đặc biệt trong thời gian gần đây, phong trào phát triển khá rầm rộ, như phương pháp nhân điện của Vũ Gia Hiền, Năng lượng sinh học của Nguyễn Đình Phư, Cảm xạ học của Dư Quang Châu, Dưỡng sinh Tổng hợp Cổ truyền Việt Nam, của Nguyễn Ngọc Dũng,Tĩnh công của cố trưởng môn Hoàng Vũ Thăng, Tâm năng Dưỡng sinh của cố trưởng môn Nguyễn Văn Triều, Dưỡng Sinh Tâm Thể của má Hai Hương, tức cố trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương…, Trên thực tế má làm trưởng môn và cũng là người khởi xướng. Có thể phương pháp tập luyện này đã có tự rất lâu, nó là một gia sản vô giá của dân tộc ta. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực liên quan đến sức khỏe cộng đồng, để phương pháp được chính thức đi vào cuộc sống thì cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 21-8-1995 Trung Tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dưỡng sinh Tâm Thể được ra đời (sau đây chúng tôi gọi tắt là trung tâm Dưỡng sinh Tâm Thể), có nhiệm vụ nghiên cứu hiệu quả làm lành bệnh, và sự an toàn của phương pháp vì sức khỏe cộng đồng. Người có công đầu cho sự kiện trọng đại mang đầy tính nhân văn này là Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học, Công nghệ, Tin học Ứng dụng UIA, TS. Vũ Thế Khanh, là Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (VUSTA) mà đứng đầu là cố GS.TS. Hà Học Trạc; là cố GS.TS.Viện Sỹ Vũ Tuyên Hoàng.
Sau 20 năm, để phục vụ cho đề tài này ngoài theo dõi thống kê tổng kết hàng năm, chúng tôi đã:
1. Tiến hành những đề tài nhánh
- “Bước đầu thử nghiệm tập luyện Dưỡng sinh Tâm Thể để khắc phục di chứng do nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh” (9/1998-9/2002), Tại Làng Hữu nghị Việt Nam, Hoài Đức - Hà Tây, chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Kim Nhung. Tiến trình và kết quả nghiệm thu đề tài đã được đăng tải trong cuốn Dưỡng sinh Tâm Thể đẩy lùi trọng bệnh. NXB Văn hóa Thông tin tháng 4/2003; tái bản năm 2004; năm 2007.
- Bệnh vẩy nến “Phương pháp Dưỡng sinh Tâm Thể với bệnh vẩy nến” được tiến hành tại ĐăkLăk (8/2000- 8/2002), chủ nhiệm đề tài là bác sỹ Đỗ Thung. Dựa vào các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, dựa vào 5 bệnh nhân bị vẩy nến thuộc các nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng khác nhau, dựa vào hàng chục bệnh nhân (khoảng 30 người) bị bệnh vẩy nến đã được lành bệnh bằng phương pháp Dưỡng sinh Tâm Thể trên 12 tỉnh thành phố tại thời điểm nghiên cứu, đề tài đã kết luận: Việc ứng dụng tập Dưỡng sinh Tâm Thể để khắc phục bệnh vẩy nến là tốt, hoàn toàn không có phản ứng phụ, bệnh nhân không tái phát trong một thời gian dài (nhiều năm), tỷ lệ những người bệnh khỏi từ phần nửa tới khỏi hẳn là 21 người (chiếm 70%)
- Song hành với nghiên cứu lý thuyết, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm tới các đề tài nhỏ, như: “Tập Dưỡng sinh Tâm Thể để khắc phục bệnh bướu cổ” (Hải Dương 1999 với trên 500 người tham gia, hiệu quả tới trên 60% người lành bệnh), hoặc: “Tập Dưỡng sinh Tâm Thể để khắc phục bệnh huyết áp” (Hà Nội 2000-2001… Qua số liệu thống kê chúng tôi thấy Dưỡng sinh Tâm Thể có hiệu quả hơn đối với những người bị huyết áp cao hơn là những người bị huyết áp thấp)…, những đề tài này thực tế chúng tôi chỉ làm thống kê những con số người bị bệnh và khỏi để biết hiệu quả của nó, không viết thành đề tài.
2. Tổ chức 06 hội thảo khoa học toàn quốc
-
Hội thảo khoa học lần thứ nhất với chủ đề: “Dưỡng sinh Tâm thể với sức khỏe và đời sống tinh thần của cộng đồng” - 3/1998 tại Hà Nội
-
Hội thảo khoa học lần thứ hai với chủ đề: “Dưỡng sinh Tâm Thể, những căn cứ khoa học bước đầu” – 12/1998, tại Hà Nội
-
Hội thảo khoa học lần thứ ba với chủ đề: “Dưỡng sinh Tâm Thể, những thành tựu và hướng phát triển” – 8/2000, tại Hà Nội
-
Hội thảo khoa học lần thứ tư với chủ đề: “Dưỡng sinh Tâm Thể với Y học Bổ sung” - 1/2003 tại Hà Nội.
-
Hội thảo khoa học lần thứ năm với chủ đề “Dưỡng dinh Tâm Thể với 35 mệnh đề” được tổ chức vào năm 2010 Hội thảo khoa học lần thứ 06 “Dưỡng sinh Tâm Thể với 50 mệnh đề và nghệ thuật sống để có bình an, hạnh phúc và sức khỏe” - 8/2015 tại Hà Nội (50 mệnh đề được trình bày trong hội thảo khoa học và được đặt trong phần Phụ Lục của bản báo cáo này. Đây là một công trình dài hơi, đi sâu vào bản thể của riêng DSTT. Năm 2010 số mệnh đề là 35, hiện là đã lên tới 50. Vì điều kiện thời gian, chúng tôi không thể đọc trên hội nghị, toàn văn đã cho đăng tải trên webside của Viện www.vienduongsinhtamthe.com
Ngoài các hội thảo khoa học toàn quốc, nhiều hội thảo khoa học cấp địa phương đã được tổ chức và cũng gặt hái không ít thành công như hội thảo khoa học được tổ chức Bình Định (2009), Đăklăk (2003) Thành phố Hồ Chí Minh (2014), tại Phú Yên (2006, 2007) Phú Thọ (2009,2012, 2014).
3. Công tác biên soạn biên tập, sáng tác
- Ấn phẩm thứ nhất: “ Dưỡng Sinh Tâm Thể đẩy lùi trọng bệnh” khoảng gần 500 trang, chủ biên Thạc sĩ Nguyễn Toàn Minh, được xuất bản tại NXB Văn hóa Thông tin xuất bản lần thứ nhất vào quý 1/2003 (1000cuốn).
Đặc điểm của cuốn sách
• Cuốn sách mang tính tổng kết, nó phản ánh tinh hoa, sức sống lâu bền của Dưỡng sinh Tâm Thể. Có thể xem như một tài liệu tham khảo tốt cho những người đã, đang và sẽ đến với phương pháp.
• Mang tính quần chúng rõ rệt. Tham gia viết, ngoài các nhà khoa học, còn có đông đảo học viên, Hướng dẫn viên, …
• Về cách thể hiện: khá nhiều vẻ: Có chính luận mang tính chất nghiên cứu, có phóng sự điều tra, có tự sự, có thơ, có nhạc…
Quý 1/2004 được bổ sung và tái bản lần thứ 2 với số trang gần 700 trang. Quý 1/2007 lại được tái bản một lần nữa.
- Ấn phẩm thứ hai : “Những điều kỳ diệu có thật” NXB Văn hóa Thông tin, 2006. Chủ biên ông Phạm Hồng Quang, Phú yên. Gần giống với ấn phẩm thứ nhất, trong ấn phẩm thứ hai này chủ yếu nêu lên hiệu quả của phương pháp Dưỡng sinh Tâm Thể qua những câu chuyện khỏi bệnh có thật của tỉnh Phú Yên.
- Ấn phẩm thứ ba là tác phẩm “ Năng lượng tình thương”. Tác giả TS. Đặng Kim Nhung. Tác phẩm được NXB Văn hóa Thông tin phát hành và viết lời giới thiệu (15/3/2010). Trong ấn phẩm này, Dưỡng sinh Tâm Thể được đặt trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam. Ở đây, chúng tôi muốn hướng tới bản thể của các phương pháp chữa bệnh theo liệu pháp tự nhiên nói chung, trong đó có sự hiện diện của các phương pháp dưỡng sinh, không phải chỉ có Dưỡng sinh Tâm Thể. Nó thấm đẫm tính nhân văn thông qua cách thể hiện, thông qua sự giao hòa giữa hai phong cách, vừa mang tính chất quần chúng nhưng cũng không làm nản lòng những bạn đọc thích phong cách hàn lâm. Sách xuất bản tháng 3/2010, tái bản lần thứ 3 tháng 6/2015.
- Ấn phẩm thứ tư “DƯỠNG SINH TÂM THỂ - PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN CƠ BẢN”
Con người khỏe mạnh khi sống hòa hợp với thiên nhiên, Thiên Địa Nhân là một. Âm – Dương cân bằng Tâm Thân an lạc tốt lành thì con người sẽ khỏe mạnh, ngược lại con người sẽ yếu đau, bệnh tật, là cốt lõi của cuốn sách nhỏ này. DSTT phương pháp luyện tập cơ bản được mà Hai Hương khởi xướng và chỉ dẫn. Người thực hiện TS. Trương Thị Thảo. Sách được lưu hành nội bộ từ năm 1997 và xuất bản chính thức năm 2014 tại NXB Lao Động.
- Ấn phẩm thứ năm và thứ sáu là “NHỮNG PHƯƠNG THỨC PHỤC HỒI SỨC KHỎE THEO TỰ NHIÊN” “LÀM SẠCH MẠCH VÀ MÁU” của Giáo sư người Nhật - NISHI KATSUZO được TS. Trương Thị Thảo dịch sang tiếng Việt từ bản dịch tiếng Nga
Tác phẩm thứ nhất được tác giả hoàn thành trong bối cảnh: từ đau ốm, cô đơn, tuyệt vọng, Ông đã đứng lên và trở thành một nhà hiền triết - là một trong số những đại diện kiệt xuất sáng lập nên “Những phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên”, một hướng đi đang thu hút sự ngưỡng mộ của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Sự khẳng định quy luật cơ bản của tự nhiên là quy luật chuyển động của năng lượng - sự chuyển động của các dòng chảy năng lượng và ý nghĩa của nó đối với sức khỏe con người, đây là điều khá phù hợp với phương pháp DSTT.
Trong tác phẩm “Làm sạch mạch và máu”: bằng những trải nghiệm và những thành công trên cuộc đời của chính mình, tác giả đã mô tả một cách dung dị và minh triết phương pháp “sống sạch”, đặc biệt có giới thiệu về thế nào để có đời sống tinh thần; tâm linh tinh khiết trong sáng và mạnh mẽ - là những yếu tố quan trọng hàng đầu để ngăn ngừa những căn bệnh nguy hiểm của tim, mạch nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết bất đắc kì tử, tư duy này khá gần với tư duy của DSTT.
- Ấn phẩm thứ bảy là cuốn “Tâm Lành”. Thuở sinh thời má Hai Hương thường nói “Tâm lành”, “Thân lành”, “Ngôn lành” là tôn chỉ sống của DSTT để nhận năng lượng và khỏe mạnh. Chính lời dạy dung dị này đã khơi nguồn cảm hứng cho sự ra đời của cuốn Tâm Lành sau gần 10 năm Má đi xa.
Mục tiêu của “Tâm Lành” hướng tới là cuộc sống Chân, Thiện, Mỹ, một cuộc sống hiểu biết, sáng trong, vị tha, bình an và tràn đầy yêu thương. Với cuộc sống tinh thần lành mạnh như vậy, chắc chắn quý bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, một cộng đồng vui vẻ đầm ấm, một tập thể yêu thương ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của quý bạn trong cuộc đời đầy thi vị này.
- Ấn phẩm thứ tám: “DSTT trước công luận” được tập thể Ban Lãnh đạo Viện, cùng các TNV tập hợp từ 47 bài báo đã được công bố một cách chính thống trên các tờ báo có uy tín trong suốt 20 năm qua. NXB Thái Hà, Trưởng ban biên tập TS. Trương Thị Thảo.
Tính từ tháng 8/1995 khi má Hai Hương được mời ra Hà Nội và cho tới tận hôm nay, Dưỡng sinh Tâm Thể vẫn tồn tại như một đề tài. Chính vì là một đề tài nghiên cứu, nên Ban Lãnh đạo Viện, ngay từ đầu đã ý thức được tầm quan trọng của công luận, ấn phẩm “DSTT trước công luận” chính là ý kiến đánh giá khách quan về hiệu quả về tính nhân văn, tính khoa học của phương pháp từ những người được thụ hưởng kết quả của đề tài được phản ánh chính thức qua các cơ quan ngôn luận của nhà nước.
- Ấn phẩm thứ chín: là bài hát “Còn gì vui hơn” được sáng tác bởi tiến sĩ, nhạc sĩ Doãn Nho. “Còn gì vui hơn” với nội dung đong đầy tính nhân văn, giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng dễ hát, bài hát đã thực sự đi về lòng người. Trong hơn 10 năm qua một cách rất tự nhiên, “Còn gì vui hơn” đã trở thành bài hát truyền thống của Viện, nó được vang lên mọi nơi sau mỗi buổi tập, nó nhắc học viên nhớ về má Hai Hương, nhớ về cái TÂM, cội nguồn sức mạnh của phương pháp.
Ngoài những ấn phẩm chính thống, chúng tôi còn có rất nhiều những tài liệu khác mang tính chất lưu hành nội bộ như tài liệu : “Dưỡng sinh Tâm Thể khắc phục được những bệnh gì”; “Dưỡng sinh Tâm Thể nhìn từ mọi phía”; “Kỷ yếu hội thảo khoa học”; “ Kỷ yếu hội nghị tổng kết”, cuối cùng là tập hợp các bài thơ ca hò vè… từ quần chúng nói về phương pháp. Có thể nói, đối với Dưỡng sinh Tâm Thể thì quần chúng là cái nôi để nuôi dưỡng phong trào. Vì tính nhân văn và hiệu quả cao của phương pháp, vì tình yêu với má, Dưỡng sinh Tâm Thể luôn được người dân đánh gía cao và nhiệt tình tham gia. Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua các bài thơ, bài hát, bài viết của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước dành cho phương pháp, đặc biệt dành cho má Hai Hương, số lượng những bài viết như thế không thể nào đếm xuể, có thể tới hàng trăm, hàng trăm bài. Sẽ là trung thực khi nói rằng, sức sống của Dưỡng sinh Tâm Thể thuộc về quần chúng. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Dưỡng sinh Tâm Thể vẫn sống, và trong mỗi trái tim người dân Việt, Dưỡng sinh Tâm Thể luôn có một vị trí rất đáng trân trọng.
4. Về số người tham gia tập luyện:
Vào thời kì đầu tức 1995-2000 nhìn chung trên phạm vi cả nước số người tham gia tập khá ồ ạt, có thể tới trên 15.000 người mỗi năm. Sau này tổ chức được thắt chặt, số người tập dao động ổn định nhiều năm ở mức trên dưới 10.000 người. Ví dụ: năm 2003 là 9500 người; 2004 là 9300 người; 2005 là 11.000 người; 2006 là 9600 người; 2007 là 11.500 người; 2008 là 9.500 người; 2009 là khoảng 10.500 người, năm 2010 khoảng 10.600 người. Năm 2011 khoảng 10.000 người, năm 2012 khoảng 11.000 người, 2014 khoảng 12.000 người…, sáu tháng đầu năm 2015 khoảng 7.000 người thường xuyên tham gia luyện tập Dưỡng sinh Tâm Thể trên phạm vi toàn quốc (không phân biệt giới tính, với đủ mọi thành phần kinh tế, mọi lứa tuổi, mọi tôn giáo, mọi trình độ học vấn (từ GS.TS. tới người thậm chí còn chưa biết chữ!)
Tính tới nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi (vì không có được số liệu thống kê một cách đầy đủ về các điểm tập gia đình, đây cũng là một con số không nhỏ, có thể lên tới hàng ngàn) thì tính tới tháng 07/2015 tổng số người tham gia tập Dưỡng sinh Tâm Thể trên phạm vi toàn quốc là vào khoảng 211.000 người với khoảng trên 530.000 ca bệnh (nếu tính mỗi ca bệnh vào bệnh viện người dân chi mất khoảng 1.000.000 đồng, thì 20 năm qua chúng tôi đã tiết kiệm cho nhà nước khoảng 530 tỷ đồng, một con số không nhỏ, rất đáng cho chúng ta suy ngẫm, nhất là trong tình trạng nước ta còn nghèo và các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải). Cũng từ đó có thể thấy, hoạt động DSTT trên phạm vi toàn quốc trong 20 năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Phương pháp DSTT đã góp phần giảm thiểu chi ngân sách cho bảo hiểm y tế, giảm thiểu gánh nặng kinh phí cho người bệnh, điều này hết sức có ý nghĩa với tất cả mọi người, đặc biệt là với những người nghèo. Từ đó, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
5. Số Tỉnh, Thành phố có hoạt động của DSTT
Số Tỉnh, Thành phố hiện đang có hoạt động Dưỡng sinh Tâm Thể là trên 30 tỉnh, Thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, ĐăkLắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tầu, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Quảng Nam, Quảng Bình, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Điểm mới nhất là điểm tại chùa Hoa Dương tỉnh Vĩnh Phúc 6/2015.
6. Tính hiệu quả của phương pháp
Hiệu quả của phương pháp thì khá cao và ổn định trong suốt 20 năm ở mức 55% số người tham gia tập có chuyển biến tốt, hiểu theo nghĩa khỏi từ phần nửa đến khỏi hẳn, hoàn toàn không có phản ứng phụ, 35% có chuyển biến khá, 10% xem như không có chuyển biến; Dưỡng sinh Tâm Thể có hiệu quả với các bệnh do nhiễm độc các chất hóa học, kể cả chất kịch độc Điôxin… Hiệu quả đặc biệt cao với nhóm bệnh thuộc hệ vận động, hệ thần kinh, hệ tim mạch, các bênh u bướu, nhóm bệnh dị ứng, bệnh vẩy nến, thoát vị đĩa đệm, nhóm bệnh gây ra do stress vì mọi nguyên nhân…, với những nhóm bệnh này, những người khỏi từ phần nửa tới khỏi hẳn lên tới trên 60%... hiệu quả thấp với nhóm bệnh lây (chuyển biến tốt chỉ có 10%). Dưỡng sinh Tâm Thể hoàn toàn không có phản ứng phụ…
7. Tính nhân văn của phương pháp
DSTT luôn hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, lấy Tâm làm gốc, lấy Tâm Lành – Thân Lành – Ngôn Lành làm tiêu chí để tập luyện. Bởi vậy, ở đâu có DSTT, nơi đó môi trường sống trở nên lành mạnh, cuộc sống trở nên bình yên. Mọi người sống với nhau chân thật, đoàn kết, thương yêu… Văn hóa của DSTT là sống đẹp, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Trong bối cảnh mà đạo đức sống lao dốc không phanh trên toàn thế giới, mà Việt Nam không phải là ngoại lệ, thì văn hóa sống đẹp, sống biết đến nguồn cội của DSTT đã được má Hai Hương gieo trồng, thực sự là một làn gió mới làm cho con người tỉnh thức. Đây là một đóng góp rất có ý nghĩa của DSTT. Làm lành đời sống tinh thần, không chỉ là nền tảng để có một sức khỏe tốt, mà còn là nền móng cho một xã hội an toàn, một xã hội yên bình, đáp ứng khát vọng của mọi người dân.
8. Tóm lược một số hoạt động thực tế
Có thể nói dù có nhiều biến động và không ít khó khăn khách quan có, chủ quan có, nhất là sau khi má Hai Hương tạ thế, nhưng nhìn chung trên phạm vi toàn quốc Dưỡng sinh Tâm Thể không những phát triển một cách ổn định. Bên cạnh những cuộc hội thảo, những ấn phẩm, thì hoạt động thực tế của DSTT trên phạm vi toàn quốc luôn sôi động và có những nét mới.
Phong trào được liên tục được giữ vững và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đồng đều ở cả Bắc và Nam
Nếu tính từ 8/1995 khi má Hai Hương lần đầu tiên được mời ra Hà Nội xây dựng phong trào từ hai bàn tay trắng, HLV xem như chỉ có một Má đội ngũ HDV có thể tính trên đầu ngón tay, nhưng chính từ khắc lịch sử đó, phương pháp đã được đặt tên và bắt đầu tính tuổi. Một Ban giám đốc gồm những người tâm huyết đã được thành lập, và phục vụ một cách vô tư, tự nguyện cho tới tận ngày hôm nay. Năm 2005 Má Hai Hương tạ thế, đó là một tổn thất lớn lao không có gì có thể bù đắp. Tuy nhiên, vì trách nhiệm với cộng đồng, vì trả nghĩa cho Má, ban giám đốc sát cánh bên nhau cùng đồng đội cả nước đi tiếp những bước đi can đảm. Có thể nói giai đoạn 1995 -2005 phong trào dù phát triển rộng, nhưng chủ yếu là các điểm tập tự phát, chưa được chính thức công nhận. Giai đoạn 2005 – 2015 mới dần được chính thức công nhận. Do tính hiệu quả của phương pháp, sự tâm huyết Ban giám đốc, của những học viên, sự nhập cuộc của hiệp hội khoa học một số Tỉnh, sự quan tâm của UIA và chính quyền địa phương, hoạt động DSTT dần đi vào chính thống. Tính tới nay trên phạm vi toàn quốc chúng tôi đã có 01 Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT (mà chúng tôi gọi tắt là Viện DSTT), 03 Trung Tâm DSTT; 02 Tỉnh Hội, 04 Huyện hội, trên 20 chi hội, trên 30 CLB DSTT đã chính thức được thành lập. Về mặt đội ngũ hiện đã có khoảng 13 HLV, trên 350 HDV và nhiều tình nguyện viên.
Tấm gương về sự phát triển sâu và bền vững phải kể đến là tỉnh Phú Thọ, phong trào nhen nhóm từ đầu năm 1996, hơn 12 năm sau mới được thành Hội, hiện vững vàng với 2 chi hội, 06 CLB, một điểm tập trực thuộc Tỉnh Hội và trên 30 điểm tập gia đình. Tổng số người tham gia tập luyện đều đặn mỗi ngày là trên dưới 1000 người với kết quả làm lành bệnh bền vững và nhiều ca mang tính huyền thoại. Đặc biệt cũng tại Phú Thọ đã làm lành nhiều ca bệnh về gẫy xương mà trước đây khu vực này chúng tôi coi là mảng không mạnh của DSTT (xem phụ lục nhân chứng). Phú Thọ đã tổ chức một Hội thảo khoa học và tập huấn khá sâu về căn cứ khoa học của phương pháp tập luyện DSTT; 05 bài báo, 02 đĩa, 08 ảnh đưa lên mạng, 01 cuốn phim chuyển thành đĩa về DSTT, đặc biệt Phú Thọ đã tổ chức được 03 hội thảo khoa học vào các năm 2009, 2012, 2014, đặc biệt hội thảo khoa học 2014 tại Phú Thọ được vinh dự do Liên hiệp hôi Khoa học và Kĩ thuật tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức với sự hiện diện của Viện. Một nét nổi bật nữa của Phú Thọ là Ban lãnh đạo DSTT - Những người giữ lửa những người nhập cuộc ngay từ ngày đầu tiên cho đến ngày hôm nay vẫn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, giúp phong trào DSTT của Tỉnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đi tới thành công hôm nay, đã tạo hình ảnh tốt về DSTT, tranh thủ được sự đồng tình về mặt tinh thần của các cơ quan lãnh đạo trong Tỉnh - có thể xem Phú Thọ là điển hình về sự phát triển bền vững và sâu của DSTT.
Điển hình về phát triển theo chiều rộng phải kể đến Tỉnh ĐắkLắk, một tỉnh thuộc khu vực miền núi thuộc Trung Nam Bộ. DSTT đến với Đăklăk tháng 8/1996, bắt đầu chỉ có 01 điểm tập gia đình, sau lan rộng ra toàn tỉnh một cách nhanh chóng. Số người đi tập DSTT thời kì đầu đông như chảy hội. Từ 2005 – 2009 vì nhiều lý do phong trào tạm lắng xuống. Tới tháng 6/2010 với kiến nghị của những con người tâm huyết, thấy rõ tính hiệu quả cao của phương pháp DSTT, Ban lãnh đạo Tỉnh đã cho phép thành lập Hội DSTT tỉnh, đây là Hội DSTT Tỉnh đầu tiên được thành lập tại Trung Nam Bộ. Cùng với những hoạt động hiệu quả của ban chấp hành Tỉnh Hội, xác định lấy TÂM làm gốc, Daklak đã xây dựng 20 động tác tập hỗ trợ song hành với phương pháp tập truyền thống của má Hai Hương, phong trào đã thực sự được vực dậy. Hiện dưới Hội DSTT Tỉnh, Daklak đã có 04 Huyện hội, 20 chi hội được thành lập. 13/15 Huyện, có điểm tập DSTT, nâng số điểm tập trên toàn tỉnh lên tới gần 80 điểm với hàng ngàn người đi tập mỗi ngày. Hiệu quả làm lành bệnh vẫn được duy trì.
Trung tâm Dưỡng sinh Tâm Thể tỉnh Phú Yên được chính thức thành lập cuối năm 2005. Trung Tâm đã tổ chức thành công hội thảo khoa học năm hai năm liền (2006, 2007); thử nghiệm tổ chức đào tạo hướng dẫn viên theo cách tập trung đã có kết quả bước đầu. Năm 2010 Trung tâm Dưỡng sinh Tâm Thể Tỉnh còn cho ra mắt website của Trung tâm với nội dung khá phong phú, đã thử nghiệm triển khai làm lành bệnh từ xa thông qua Skype và có được những thành công đáng khích lệ. Hiện Phú Yên có 19 CLB và 21 điểm tập gia đình, nâng số điểm tập trên toàn Tỉnh lên 40 điểm với khoảng 840 người tham gia tập luyện mỗi ngày. Từ tất cả những thành tích trên, chúng ta thấy Phú Yên là địa bàn có hoạt động DSTT thực sự bền bỉ và năng động.
Trung tâm DSTT Bình Định được chính thức thành lập năm 2007. Sau 2 năm thực hiện triển khai thử nghiệm tập DSTT theo quyết định của UBND Tỉnh, 2009 đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với sự tham dự của các nhà khoa học, của Viện DSTT, của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Tỉnh, của các cán bộ lãnh đạo Tỉnh…, kết quả là Tỉnh đã ghi nhận kết quả hoạt động của phương pháp DSTT và cho phép mở rộng hoạt động. Bình Định cũng trở thành Tỉnh đầu tiên được cấp đất để xây dựng trụ sở, và hiện đã có được một trụ sở có địa điểm tập khang trang, và triển khai hoạt động DSTT trên phạm vi toàn Tỉnh. Do tính hiệu quả của phương pháp, sau này, xã Mỹ Quang, Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định, cũng quyết định cấp 100 m2 đất để làm điểm tập DSTT của Huyện.
Trung tâm Dưỡng sinh Tâm Thể Khánh Hòa, dù qua nhiều khó khăn, biến động, nhưng vẫn duy trì được hoạt động DSTT ở các điểm tập thuộc CLB Cam Ranh. Tại Gia Lai, CLB DSTT An Khê hiện cũng đã có 04 điểm tập với khoảng 220 người tập luyện đều đặn mỗi ngày. Tháng 06/2006 DSTT đến với Quảng Nam, 6/2012 CLB DSTT xã Tam Đàn Quảng Nam được thành lập, với số người tập hàng ngày lên tới trên 300 người. Quảng Bình thành lập 8/2010 hiện có 02 CLB 11 điểm tập với gần 300 người tham gia luyện tâp mỗi ngày…TP. HCM sau một thời gian dài ngừng hoạt động nay đã bắt đầu khởi sắc. Cụ thể tại TP.HCM bắt đầu 2012 với 03 điểm tập, 2014 với 06 điểm tập, 06 tháng đầu năm 2015 lên tới 10 điểm tập , chủ yếu ở quận Gò vấp 04 điểm, còn lại rải rác ở Q1, Q2, Quận Bình Chánh… với khoảng trên 100 người tham gia tập luyện đều đặn. Tin vui mới nhất cũng tại TP.HCM ngày 21/06/2015 đã có quyết định chính thức thành lập CLB DSTT phường Hiệp Bình Chánh trực thuộc sự quản lý Hội người cao tuổi của UBND phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức. CLB DSTT tỉnh Long An đã được thành lập với 02 điểm tập ở Kiến Tường với khoảng trên 80 người tham gia tập luyện mỗi ngày.
Trong thời gian từ 2010 - 2015 phong trào DSTT không những được duy trì và mở rộng tại khu vực phía Nam mà còn được phát triển nhanh ở khu vực phía Bắc. Cụ thể sau 2010 DSTT được phát triển nhanh lên các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc như Lào cai, Lai Châu, chỉ tính riêng Lai Châu năm 2014 đã tăng thêm 13 điểm tập, nâng số điểm tập trên toàn tỉnh lên tới con số 30. Tại Lào Cai sau hơn 04 năm, từ 01 CLB với 01 điểm tập nay đã có 02 CLB với 04 điểm tập. Sau 2010 tại Hưng Yên có tới 03 CLB DSTT được thành lập và hoạt động hiệu quả cho tới nay, trong đó 01 CLB tại Chi Long, Ngọc Mỹ và 02 CLB tại Tân Quang, Văn Lâm. CLB Phú Cường, Tân Hưng, Sóc Sơn - Hà Nội được thành lập và hoạt động đều đặn cho tới tận hôm nay. Năm 2014 DSTT đã vinh dự tới mảnh đất lịch sử TP. Điện Biên. Tại đây, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương 02 CLB (Tân Thanh, Noong Bua) đã được thành lập. Theo báo cáo mới nhất mà chúng tôi nhận được hiện CLB Noong Bua hiện có 05 điểm, CLB Tân Thanh cũng có 05 điểm tập . Đặc biệt tại CLB Tân Thanh còn có khoảng trên 100 người đăng kí tập DSTT tại nhà đều đặn. Sẽ là rất tuyệt vời nếu sau này những điểm này phát triển thành những điểm tập gia đình. Mới nhất (2015) là CLB DSTT tại địa bàn chùa Hoa Dương, Tuân Chính, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc với 02 điểm tập số người tập hiện khoảng 120 người.
Những điểm không phát triển ào ạt, hết sức thầm lặng, nhưng ổn định và bền vững, hiệu quả, là những điểm tập tại Hà Nội, bao gồm cả các điểm tập ở Gia Lâm hiện có 03 điểm với khoảng 150 người tập hàng ngày. Điển hình tại Hà Nội phải kể đến là Điểm tập Dưỡng sinh Tâm Thể TW 48 Trần Duy Hưng. Tồn tại giữa thủ đô với nhiều thách thức, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của BLĐ viện DSTT, trong mọi giai đoạn lịch sử, điểm tập này được giữ vững và hoạt động hiệu quả. Vì tính hiệu quả của phương pháp cùng với công tác quản lý tài chính dần vào chuyên nghiệp, đã trở thành nguồn cảm hứng để cuốn hút tình yêu phương pháp và những tấm lòng vàng. Khi khó khăn về mặt tài chính được bước đầu tháo gỡ, cùng với sự đóng góp của học viên của điểm tập, Viện đã đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa điểm này lên một tầm cao mới với phòng tập khang trang, khu vệ sinh sạch sẽ và phòng bếp không còn dấu vết của mùi than tổ ong!
Hiệu quả ổn định, một số các bệnh mới được bổ sung vào vùng hiệu quả cao của phương pháp: Tỷ lệ những người được lành bệnh không những ổn định mà còn có xu thế nhích lên (xem phần phụ lục nhân chứng). Một số nhóm bệnh mới được đưa vào vùng có hiệu quả cao của DSTT, thí dụ bệnh trật đĩa đệm, pakison, trầm cảm, khôi phục lại sự vận động cho những nạn nhân bị tai nạn giao thông sau khi đã nằm bệnh viện… (xem phần phụ lục nhân chứng)
Quản lý tài chính tại Viện bước đầu được thực hiện minh bạch và chuyên nghiệp: DSTT hoạt động theo hình thức không vị lợi nhuận, theo đó “lợi nhuận” tức thu trừ chi (nếu có), ngoài lượng tối thiểu dành để duy trì đời sống cho HDV, còn lại được dành hoàn toàn cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Toàn bộ BLĐ Viện trong suốt 20 năm làm việc không từng có lương mà còn luôn là “van an toàn”, mỗi khi Viện có khó khăn về tài chính. Tháng 8/2012 BLĐ Viện ra quyết định đưa hoạt động quản lý tài chính vào chuyên nghiệp với sự đồng thuận cao. Dù mới là bước đầu, còn khá nhiều việc còn phải hoàn tất, nhưng tính chuyên nghiệp và minh bạch trong quản lý tài chính đã thực sự có sức hút, nó đã mang lại diện mạo mới cho hoạt động DSTT, dường như chấm dứt chuỗi ngày lê thê lúc nào cũng túng thiếu.
Công tác truyền thông được nâng lên một tầm cao mới:
Nhận thức rõ tầm quan trọng của truyền thông trong phát triển phong trào, bên cạnh báo chí, truyền hình…, thì website là không thể thiếu. Nhận thức này đã nhanh chóng trở thành hiện thực khi có sự nhập cuộc tự nguyện và hết sức nhiệt tình của nhà báo Từ Ngọc Lang (nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô). Ngày 2/3/2014 trang web của Viện chính thức được ra đời. Vào địa chỉ này, quý vị sẽ có các thông tin như: Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của DSTT; các tin tức-sự kiện; DSTT dưới góc nhìn khoa học; DSTT đẩy lùi bệnh tật; giới thiệu sách; thư viện hình ảnh - video về hoạt động DSTT. Đặc biệt, hướng tới Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện, website đã giới thiệu trọn vẹn hai bộ phim tài liệu quan trọng “Huyền thoại má Hai Hương” và “Viện DSTT tuổi Hai mươi”. Chưa có thể nói trang web của chúng tôi đã hoàn thiện, tuy nhiên kết quả là không thể phủ nhận. Việc đưa website của Viện lên mạng Internet đã giúp cho phương pháp DSTT bay cao, bay xa hơn để đến với cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Tính tới 11h ngày 02/8/2015 (tức khoảng 14 tháng hoạt động, số người vào mạng của Viện đã lên tới trên 70 ngàn, một con số rất đáng khích lệ). Hiện trang web đang được vận hành một cách chuyên nghiệp với sự tham gia nhiệt thành của anh Từ Ngọc Lang, PGĐ thường trực Phan văn Kiều, các TNV và sự hợp tác chính thức của Công ty CP dịch vụ Tất Thành. Cũng trong công tác truyền thông, năm 2014, 2015 ghi nhận sự vào cuộc nhiệt tình và trong trẻo của truyền hình. VTV2 đã đưa về DSTT 03 lần 8, 9,10 tháng 12 năm 2014 với thời lượng 25 phút/ một lần phát sóng; 01/6/2015 và 15/6/2015 chương trình QPVN cũng phát sóng giới thiệu DSTT có thời lượng tới 30 phút/ một lần phát sóng. Trong thành công của công tác truyền thông không thể không nhắc tới sự đồng hành can đảm đầy tâm huyết của những nhà báo trên phạm vi toàn quốc mà trước hết phải kể đến là Hà Nội. tính tới tháng 07/2015, khoảng trên 90 bài báo đã được đăng tải, trên 30 tờ báo đã nhập cuộc kể cả những tờ báo có tên tuổi như báo Nhân dân, báo Tuổi trẻ, báo Công an Nhân dân, báo Phụ nữ Thủ đô, báo Khoa học và Đời sống… Nhiều nhà báo có uy tín đã xung trận như nhà báo Mai Thục, Từ Ngọc Lang, Toàn Minh..., có thể nói, những bài báo nóng hổi tính thời sự luôn là nguồn cảm hứng, nguồn cổ vũ lớn lao, nguồn năng lượng sống của DSTT.
Ba bộ phim đã được xây dựng thành công là một dấu ấn lịch sử
Một dấu ấn quan trọng cho dịp tổng kết 20 năm hoạt động DSTT là sự ra đời của 03 bộ phim: “Viên DSTT tuổi 20” “Huyền thoại má Hai Hương Bình Định” và “DSTT đến với Điện Biên”.
Bộ phim “Viện DSTT tuổi 20” đã nói lên truyền thống tốt đẹp và tính hiệu quả cao của DSTT, nêu lên được một cách sống động sự phát triển của DSTT cả chiều rộng lẫn chiều sâu và các giá trị nhân văn của phương pháp.
Bộ phim “Huyền thoại má Hai Hương Bình Định” là bộ phim chân dung sắc sảo. Sự hấp dẫn toát lên từ cuộc đời hết sức dung dị mà cao quý của Má, cuộc đời của một người hy sinh tất cả vì sức khỏe cộng đồng. Bằng nghệ thuật vừa trực diện thể hiện hình ảnh của Má Hai, đan xen với kí ức đẹp về Má qua những cộng sự, hình ảnh Má Hai Hương thật đẹp, thật cao quý, thật giản dị, được nổi lên giữa phong trào DSTT phát triển mạnh và bền vững, và trong trái tim của tất cả mọi người.
Bộ phim “DSTT đến với Điện Biên” đơn giản là món quà dâng lên lễ kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, thể hiện lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ - những người đã ngã xuống cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay, tri ân với đồng bào các dân tộc nơi đây, đã đồng lòng cùng quân và dân ta lập nên chiến thắng Điên Biên, lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu.
03 bộ phim đã được hoàn thành dưới sự chỉ đạo của BGĐ Viện, với sự nỗ lực của rất nhiều người, mà trước hết phải kể đến sự tham gia với tất cả trái tim của đại tá, nhà đạo diễn Phan Văn Kiều, của gia đình đại tá, tiến sỹ, nhạc sỹ Doãn Nho và sự đóng góp của học viên trên phạm vi toàn quốc.
Số các điểm tập gia đình ổn định và gia tăng:
Có thể nói trong suốt 20 năm tồn tại và phát triển, những điểm tập gia đình với đặc điểm đơn giản, gọn nhẹ, người hướng dẫn ổn định, hiệu quả cao, luôn là nguồn cảm hứng, là hơi thở của DSTT, là van an toàn của phương pháp. Có nhiều Tỉnh, Thành phố số người tập ở các điểm tập gia đình thậm chí bằng và đông hơn những người tập đông hơn tại những sân tập chính thống, điển hình như Phú Thọ, Phú Yên, Hà Nội, Sóc Sơn, TP. Hồ Chí Minh v.v.. . Đặc biệt có những nơi CLB không còn tồn tại, nhưng những người giữ lửa vẫn là những điểm tập gia đình thí dụ Bắc Ninh, Nam Định…
Ra đời đội tình nguyện viên (TNV) với những hoạt động hiệu quả, đa năng, thực sự là một hướng phát mới rất đáng trân trọng
Sau năm 2010, một đội ngũ TNV ra đời trước hết là Hà Nội, sau nữa là TP. HCM, Phúc Yên…, thực sự mang lại cho DSTT một làn gió mới. Họ ở mọi lứa tuổi, đương đi làm hoặc đã nghỉ hưu, họ cũng có thể là những người nông dân chất phác… Có thể xem TNV là đội quân xung kích, tinh nhuệ, đa năng, tham gia một cách tự nguyện, tức thời, hiệu quả và vô điều kiện vào mọi công việc khi cần: từ dẫn tập, tới đánh máy, thư kí cuộc họp, đến tổ chức các sự kiện!... Nhân đây, chúng tôi xin tuyên dương trước hội nghị đội TNV của cả nước, mà trước hết là TNV của Hà Nội, với sự đóng góp đầy trách nhiệm của họ cho sự ra đời cuốn DSTT trước công luận để kịp thời phục vụ hội nghị hôm nay.
9. Những tồn tại và phương hướng phát triển
Sẽ là không trung thực khi chúng tôi nói rằng suốt 20 năm qua chúng tôi là hoàn mỹ. Để trường tồn và phát triển thì còn rất nhiều việc phải làm mà trước hết là:
Tìm kiếm và đào tạo ngay đội ngũ kế cận;
Nâng cao cả chất lượng và số lượng đội ngũ HLV, HDV, TNV, mà ưu tiên số một là việc nâng cao chất lượng của đội ngũ này;
Phát triển mạnh mẽ đội ngũ TNV trên phạm vi cả nước;
Quan tâm để phát triển mạnh mẽ các điểm tập gia đình;
Xây dựng ngay bản đồ phân bố hoạt động của DSTT trên từng địa bàn trên toàn quốc, số điện thoại liên hệ và đưa lên webside và phải đảm bảo rằng thông tin thường xuyên được cập nhật.
…
Những tồn tại thì vẫn còn đó. Tuy nhiên, với tất cả những gì chúng ta làm được trong suốt 20 năm qua như đã trình bày ở phần trên, thì rõ ràng rằng thành công vẫn là điều chính yếu, là điều không thể phủ nhận.
Dù chưa hoàn thiện, dù còn nhiều điều chúng ta chưa làm được và sẽ tiếp tục phải làm, tuy nhiên, từ tất cả những gì đã làm được, có thể thấy: Vì tính hiệu quả cao, hoạt động Dưỡng Sinh Tâm Thể sau 20 năm hiện đã đi vào chiều sâu, nó đã thực sự đi vào lòng dân, được người dân đón nhận, vì vậy sự tồn tại và phát triển của phương pháp này là không cần phải luận bàn. Với tất cả những kết quả đã đạt được, bằng lương tâm và tinh thần trách nhiệm, xin trân trọng gửi lời tri ân tới tất cả, một lần nữa xin cảm ơn tất cả.
Để có kết quả ngày hôm nay là công sức của biết bao người mà trước hết phải kể đến là sự đóng góp tâm huyết của cố trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương, của các huấn luyện viên, hướng dẫn viên, của các tình nguyện viên, của những người dân lành đã tìm đến, đã tin cậy và nuôi dưỡng phương pháp vì mục tiêu sức khỏe của chính họ, của những tấm lòng vàng, của những nhà tài trợ thầm lặng, của nhiều nhà báo đã dũng cảm xung trận, của UIA, của Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Tỉnh, Thành phố; của các tổ chức chính quyền địa phương đã hết lòng ủng hộ giúp đỡ, và cuối cùng là của ban giám đốc chúng tôi, những người làm khoa học bằng tình yêu bằng lương tâm và trách nhiệm của mình… Từ đáy lòng, chúng tôi trân trọng nói lời cảm ơn tới tất cả. Tới đây, xin toàn thể hội trường chúng ta cùng đứng dậy dành những tràng pháo tay thật to, thật giòn dã cho những thành tựu của 20 năm trong đó có sự đóng góp của quý vị.
Phương pháp Dưỡng sinh Tâm Thể không phải là phương pháp duy nhất có hiệu quả, nó là một phương pháp hiệu quả trong nhiều phương pháp khác cũng hiệu quả. Đây là tài sản của quốc gia, của dân tộc và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những hạt giống, hạt giống luôn chứa đựng tiềm năng ở đó, nhưng để nó đâm chồi, nẩy lộc tốt tươi, rồi ra hoa, kết trái, cho ta những quả ngọt lành, chúng cần phải được chăm sóc, được gieo xuống mảnh đất màu mỡ, được tưới tắm và nhận đủ ánh sáng mặt trời mỗi ngày.
Có thể nói đây là một đề tài vô hạn, với số mẫu vô hạn (hiện đã lên tới con số trên hai trăm ngàn), thời gian cũng là vô hạn (hiện đã là 20 năm)! Đặc biệt thu nhập cho những người tham gia đề tài cũng là vô hạn! Đó là sức khỏe cho chính mình và cho người khác, đó là cơ hội để tích đức làm hành trang cho cả cuộc hành trình, đó là niềm vui khám phá… Còn rất nhiều điều mà chúng ta còn chưa biết, thế hệ nối tiếp thế hệ, hãy tiếp bước cho sự dần hoàn thiện của một đề tài mang đầy tính nhân văn và thi vị này.
Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2015