Logo Banner
 
Tin tức - sự kiện
TS. VŨ THẾ KHANH KỂ CHUYỆN MÁ HAI HƯƠNG ĐI DỰ HỘI NGHỊ THI ĐUA “GIỎI KHÁNG CHIẾN- GIỎI KIẾN QUỐC, NĂM 1996
(Ngày đăng: 27/04/2020 - Lượt xem: 1434)

BBT-  Ngày 21 tháng 8 năm 1995,  Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) được thành lập. Ngày 18 tháng 12 năm 1996,  cố Giám đốc Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương (má Hai Hương) vinh dự là đại biểu đi dự Hội nghị Thi đua “GIỎI KHÁNG CHIẾN, GIỎI KIẾN QUỐC” toàn quốc lần thứ Nhất, 1996” gọi tắt là “Hội nghị Thi đua hai giỏi”. Đây là sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không những tôn vinh, động viên  má Hai Hương mà còn  khẳng định giá trị, vị thế của phương pháp DSTT.

Đã 24 năm trôi qua (tính đến năm 2020), song sự kiện đó vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc. Với tinh thần ấy, BBT xin giới thiệu bài phỏng vấn của Nhà báo Từ Ngọc Lang với  TS.Vũ Thế Khanh, TGĐ Liên hiệp Khoa học UIA, đại biểu cùng đi dự “Hội nghị hai giỏi” với Má Hai Hương, tại Hà Nội, từ 18-22/12/1996.

Má Hai Hương

Bà Tôn Nữ Hoàng Hương ( 1934-2005)

-NB. Từ Ngọc Lang: Thưa ông, do đâu Liên hiệp UIA nhận được Giấy mời cử đại biểu đi dự “Hội nghị thi đua hai giỏi toàn quốc lần thứ nhất, năm 1996”. Cụ thể UIA được cử bao nhiêu đại biểu và tiêu chuẩn thế nào?  

- TS. Vũ Thế Khanh: Để biểu dương những tấm gương điển hình, có nhiều cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và công cuộc dựng xây đất nước, Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã chỉ đạo cho Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kết hợp với các tổ chức, ban ngành Trung ương, các địa phương bình xét, lựa chọn các cá nhân điển hình để tham gia Hội nghị vinh danh những người tiêu biểu GIỎI KHÁNG CHIẾN, GIỎI KIẾN QUỐC, gọi tắt là “Hội nghị Thi đua hai giỏi Toàn quốc lần thứ nhất, 1996”.

Mỗi tỉnh, thành được bình chọn từ 3 đến 5 đại biểu, các cơ quan , các tổ chức xã hội cấp Trung ương tối đa là 3 đến 5 đại biểu. Tiêu chuẩn của đại biểu đi dự là: Có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công cuộc dựng xây đất nước sau giải phóng miền Nam 1975. Với tiêu chí này, trên toàn quốc phải có hàng chục vạn đại biểu đạt tiêu chuẩn, nên việc bình xét cũng không hề đơn giản. Liên hiệp Khoa học công nghệ và Tin học ứng dụng (UIA) là đơn vị có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, với số thành viên hàng trăm ngàn người và có những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực Văn hóa, Dưỡng sinh, Khoa học - Công nghệ, tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa công tác Giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tiên phong trong việc thực hiện nghĩa cử “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, được ban tổ chức hội nghị đặc biệt quan tâm và duyệt danh sách từ 3 đến 5 đại biểu.

 Để động viên phong trào và ghi nhận thành tích của Dưỡng sinh tâm thể (DSTT), Liên hiệp UIA đã bình chọn và cử bà Tôn Nữ Hoàng Hương (Má Hai Hương) đại diện cho hơn 20 đơn vị luyện tập dưỡng sinh đi dự hội nghị. Đại biểu đi dự hội nghị phải có bản báo cáo thành tích, do thủ trưởng cơ quan đóng dấu xác nhận và gửi trước cho ban tổ chức. Hội nghị tiến hành từ 18/12 đến 22/12 /1996, có ý nghĩa kỷ niệm ngày 3 ngày lễ lớn của dân tộc (Ngày toàn quốc Kháng chiến 19/12, Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam 20/12, Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12).

- NB. Từ Ngọc Lang: Ông suy nghĩ gì trước quyết định cử Má Hai Hương đi dự hội nghị?

-TS. Vũ Thế Khanh: Khi được ra Hà Nội, má Hai Hương thường kể chuyện cho tôi nghe. Từ những năm 60, má đi đến khắp các thôn ấp, để chữa bệnh cho bà con nông dân, vì phần lớn đây là những người không có điều kiện mua thuốc hay đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Thấy má Hai hay vào, ra vùng ấp chiến lược, chính quyền ngụy nghi má làm liên lạc cho Việt cộng nên nhiều lần má bị bắt, bị tra khảo. Nhưng sau biết má là người dân quê, chỉ đi chữa bệnh bằng phương pháp dân gian, có khi má còn chữa bệnh cho cả vợ con lính ngụy, nên má lại được thả ra. Sau miền Nam giải phóng năm 1975, má Hai vẫn đi các thôn xóm chữa bệnh miễn phí giúp bà con, nhưng vì không có “giấy phép hành nghề” nên đến từng nhà người bệnh mà không dám lộ diện. Hơn nữa, nếu không có bằng cấp, không có giấy phép hành nghề đương nhiên sẽ bị các cơ quan chức năng tại địa phương theo dõi và ngăn cấm.

Khi được Liên hiệp UIA trợ duyên, thành lập “Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh Tâm thể” và mời má Hai Hương làm Giám đốc chuyên môn, phụ trách việc huấn luyện, đào tạo huấn luyện viên, các hướng dẫn viên cho Trung tâm. Kể từ đó, má như được “bước ra ánh sáng”, thanh thiên bạch nhật để phổ biến rộng rãi phương pháp luyện tập nâng cao sức khỏe đẩy lùi bệnh tật do má sáng tạo ra. Tuy nhiên, từ trước đây đến năm 1996, má Hai chưa có cơ hội nào được dự các hội nghị,  diễn đàn lớn, mang tầm cỡ Trung ương, chưa từng được gặp các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Đấy là ước mơ thiết tha của má. Tôi nghĩ nếu má Hai được đi dự hội nghị thì đạt được cả 2 mục đích: vừa là tưởng thưởng, ghi nhận cống hiến của má trong mấy chục năm qua; lại vừa động viên tinh thần để má phát huy hơn nữa khả năng của mình.

-Nhà báo Từ Ngọc Lang: Khi ông thông báo cho Má Hai Hương về sự kiện này, bà đón nhận với tâm trạng ra sao, bà đã nói gì với ông?

Khi biết tin má được cơ quan chọn đi dự hội nghị hai giỏi toàn quốc, má nghẹn ngào xúc động, lúc đầu má còn không dám tin rằng mình có thể được vinh dự như vậy. Má nói, vì không biết viết, nên má kể về cuộc đời và quá trình đi chữa bệnh của mình, nhờ Liên hiệp UIA làm bản báo cáo thành tích và chứng nhận lý lịch giúp má.

Tôi đã viết sơ yếu lý lịch và viết tóm tắt thành tích của má trong “kháng chiến chống và xây dựng đất nước sau chiến tranh”, đóng dấu xác nhận của cơ quan UIA rồi gửi lên ban tổ chức hội nghị. Cũng phải mất 1 tuần trong tâm trạng chờ đợi, cuối cùng má cũng được duyệt trong danh sách đại biểu điển hình đi dự Hội nghị Hai Giỏi toàn quốc. Khỏi phải nói những giây phút hạnh phúc của má khi nhận tin mình được đi dự hội nghị. Má cứ hỏi phải chuẩn bị trang phục quần áo, giày dép ra sao, có phải may đồng phục theo quy định của Ban tổ chức không? Tôi nói, má cứ thấy mặc thế nào là đẹp nhất thì mặc, miễn là vừa giản dị, vừa trang trọng, vừa mang bản sắc truyền thống quê hương là được, vì tại hội nghị má sẽ được gặp các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nên cần trang nghiêm. Má đến cơ quan để tập trung trước giờ hẹn cả tiếng đồng hồ, vì sợ đến chậm thì lỡ mất cơ hội đi dự hội nghị, má nói rằng đây là cơ hội cả đời mới có một lần thôi.

-NB Từ Ngọc Lang: Trước khi đi Hội nghị, ông có chuẩn bị cho má Hai Hương bài phát biểu tham luận phải không?

Trước khi đi hội nghị, tôi có nói với Má rằng cần chuẩn bị trước ý kiến, có thể ban tổ chức sẽ mời Má lên phát biểu. Tất nhiên một Hội nghị toàn quốc với khoảng trên 300 đại biểu, chắc chắn sẽ không có thời gian cho từng người phát biểu mà chỉ cử người thật điển hình. Má Hai nói chỉ quen làm bệnh thôi, không biết viết, lại chưa quen phát biểu trước Hội nghị quan trọng như vậy. Tôi gợi ý cho má một số ý cần phát biểu, rồi dặn má cứ bình tĩnh, có sao nói vậy, cứ thật thà mà trình bày. Quả nhiên với những lời chân thành, giản dị rất “nhà quê” và với những việc làm phi thường mà Má Hai đã làm được, hội nghị rất hoan hỷ và tán thưởng. Có cả bài viết sẵn của má gửi tặng cho các đại biểu tham dự. 

Hội nghị thi đua Hai Giỏi

Má Hai Hương (áo dài sẫm) cùng các đại biểu dự Hội nghị thi đua Hai Giỏi chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

-NB.Từ Ngọc Lang: Ấn tượng sâu sắc của ông trong thời gian hội nghị diễn ra là gì?

- TS.Vũ Thế Khanh: Ban tổ chức Hội nghị có sự chuẩn bị về nội dung, chương trình cũng như cơ sở vật chất rất chu đáo. Khi di chuyển trong Hà Nội cung như đi các tỉnh, có 10 xe ô tô sang trọng, trang hoàng cờ và băng rôn, mỗi ô tô chở khoảng 40 đại biểu, đi trước là xe Công an dẹp đường. Khi đoàn đi đến ranh giới tỉnh nào thì xe Công an tỉnh đó dẫn đoàn về nhà khách của tỉnh, được lãnh đạo tỉnh tổ chức đón tiếp, chiêu đãi và tặng quà địa phương.

Tại Hà Nội, các đại biểu được đón tiếp long trọng tại nhà khách Chính phủ, được chiêu đãi và được tặng Huy hiệu Bác Hồ, được chụp ảnh lưu niệm với các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc Hộị. Đây thực sự là niềm động viên lớn lao đối với các vị đại biểu, nhiều người xúc động không cầm được nước mắt. 

Ấn tượng của tôi về Hội nghị là má Hai và chúng tôi được tham dự cuộc hành hương lịch sử theo chiều dài đất nước, quá xúc động, quá hoành tráng. Hội nghị đã quy tụ rất nhiều những đại biểu ưu tú. Trên 300 vị đại biểu về dự hội nghị báo công, ai cũng cảm động, và đều có cảm giác đây là hình ảnh thu nhỏ về cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh và hùng tráng của quân và dân ta trong kháng chiến cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước

Má Hai Hương được đi dự và phát biểu trước hội nghị như vậy, quả là một vinh hạnh, là sự kiện lớn lao trong đời, không chỉ cho riêng má mà còn cho cả Dưỡng sinh Tâm thể Việt Nam.

-NB Từ Ngọc Lang: Về sự kiện này, Viện DSTT Việt Nam hiện nay vẫn lưu giữ một tấm hình rất quý, đó là ảnh ông và Má Hai Hương được đứng bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xét về giá trị thông tin và giá trị Truyền thống của Viện DSTT Việt Nam, tôi đánh giá đây là hiện vật đặc biệt nhất. Ông có thể kể lại khoảnh khắc quan trọng đó diễn ra như thế nào? Vì sao ông có thể kịp bố trí má Hai Hương đứng bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị trí vinh dự mà bất cứ đại biểu nào cũng muốn.

-TS. Vũ Thế Khanh: Được chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguyện vọng chính đáng và là vinh dự lớn lao với tất cả mọi người. Do Hội nghị có vài trăm đại biểu nên ban tổ chức bố trí  chụp làm nhiều đợt. Có thể ai được đứng gần bác Giáp cũng là sự sắp xếp “tế nhị” của Ban tổ chức và có khi là “duyên may” nữa.

Để trả lời câu hỏi vì sao má Hai Hương và tôi được đứng cạnh bác Giáp khi chụp ảnh, tôi xin nói thêm. Tôi có may mắn là năm 1994 -1995, tôi được thay mặt các Nhà khoa học của  Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vào báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về phong trào luyện tập Dưỡng sinh Việt Nam (do được sự giới thiệu và sắp xếp của con gái bác Võ Nguyên Giáp là GS.Võ Hồng Anh cùng ban thư ký của bác Giáp). Sau khi nghe tôi báo cáo, tôi được bác Giáp cho phép tôi đến “hướng dẫn” cho bác tập “Khí công dưỡng sinh dân tộc” trong 10 buổi tối. Bác nói “đến hướng dẫn cho bác” là bác nói cho vui thôi, và khích lệ chúng tôi là chính, chứ thực ra là bác Giáp tế nhị kiểm tra, bổ khuyết những điều chưa hoàn chỉnh của phương pháp Dưỡng sinh. Bác Giáp còn phân tích những điểm giống và khác nhau của phương pháp tập Dưỡng sinh Việt Nam so với phương pháp của các nước khác. Bác Giáp nói, bác cũng đã gặp một số khí công sư của Trung Quốc khi họ đến biểu diễn cho bác xem, công phu của họ rất khá.

Bác căn dặn chúng tôi cần cố gắng giữ gìn, bảo tồn  những cái hay, cái quý của  phương pháp Dưỡng sinh của dân tộc, đồng thời cũng đừng bảo thủ, cái gì tốt thì phát huy, cái gì chưa phù hợp thì phải cải tiến, phải dũng cảm xóa bỏ những yếu tố mê tín dị đoan.

Khi đoàn đại biểu Hội nghị “Thi đua hai giỏi” vào chào và báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi lại có dịp được gặp bác và tranh thủ giới thiệu về má Hai Hương, đại biểu đi dự hội nghị với cương vị trưởng môn phái Dưỡng sinh của dân tộc. Bác Giáp vui lắm và vẫy tay cho má Hai Hương đến đứng cạnh để chụp ảnh lưu niệm. Bác lại nói, nếu có dịp thuận lợi, Bác sẽ tập luyện để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp này.

- NB Từ Ngọc Lang: Ông còn nhớ ai đã chụp tấm hình này không?

- TS Vũ Thế Khanh: Ban tổ chức có một đội ngũ chuyên chụp ảnh lưu niệm, cuối hội nghị tặng ảnh cho từng đại biểu, nên tôi không rõ là ai đã chụp tấm hình này. Bức ảnh được lưu giữ đến bây giờ là rất quý, có thể gọi là báu vật, là thiêng liêng, nhất là với má Hai Hương và các môn sinh của phương pháp Dưỡng sinh tâm thể. Khi còn tại thế, má Hai Hương rất quý những tấm ảnh này, vì má linh cảm rằng chắc chắn không thể có cơ hội lần hai.

- NB Từ Ngọc Lang: Hội nghị kết thúc, má Hai Hương có nói với ông điều gì không, thưa ông?

- TS. Vũ Thế Khanh: Khi hội nghị kết thúc, với tâm trạng thật sự xúc động, má Hai có nói với tôi: “Nhờ Liên hiệp UIA đã cho má một cơ hội, má như được tái sinh lần thứ hai vậy. Cả đời má cũng không dám mơ ước lại có vinh dự đi dự hội nghị như ngày hôm nay. Dưỡng sinh tâm thể từ chỗ như trong bóng tối, vô danh, chẳng được ai biết đến, giờ đã được ra ánh sáng giữa thanh thiên bạch nhật. Các môn sinh sẽ ngày càng đông, rải khắp đất nước. Khi người ta đau thì mới tìm đến ta để chữa bệnh, nên gọi là “Lấy bệnh làm lệnh”. Đau đâu chữa đó, cứ giữ cho Tâm lành- Thân lành- Ngôn lành thì bệnh gì cũng hết. Cũng nhờ bác Trần Minh Chánh, đồng hương Bình Định giới thiệu thì Má mới có cơ hội được ra gặp Liên hiệp Khoa học UIA. Má sẽ dốc hết công sức truyền dạy DSTT cho các môn sinh và giúp cho bà con nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Má sẽ không bao giờ phụ lòng sự giúp đỡ và tin tưởng của Liên hiệp”.


- NB Từ Ngọc Lang: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tức khác