Bà Tôn Nữ Hoàng Hương (tức Má Hai Hương hay Má Hai Bình Định), sinh năm 1934, trong một gia đình khoa bảng và lương y nổi tiếng. Thân sinh là ông Tôn Thất Yêm và thân mẫu là bà Trần Thị Thừa. Quê ngoại của bà ở thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Quê nội là xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1952, bà lập gia đình với ông Lâm Minh Quang, quê ở Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sau đó sinh người con gái đầu lòng là chị Lâm Thị Hoàng Anh.
Tưởng niệm 15 năm bà Tôn Nữ Hoàng Hương về cõi vĩnh hằng (2005-2020)
Bà Tôn Nữ Hoàng Hương - Cố Trưởng môn Dưỡng sinh Tâm thể ( 1934- 2005)
DƯỠNG SINH TÂM THỂ VIỆT NAM MÃI MÃI BIẾT ƠN CỐ TRƯỞNG MÔN TÔN NỮ HOÀNG HƯƠNG (MÁ HAI HƯƠNG)
Bà Tôn Nữ Hoàng Hương (tức Má Hai Hương hay Má Hai Bình Định), sinh năm 1934, trong một gia đình khoa bảng và lương y nổi tiếng. Thân sinh là ông Tôn Thất Yêm và thân mẫu là bà Trần Thị Thừa. Quê ngoại của bà ở thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Quê nội là xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1952, bà lập gia đình với ông Lâm Minh Quang, quê ở Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sau đó sinh người con gái đầu lòng là chị Lâm Thị Hoàng Anh.
Cuộc đời Má Hai Hương có một bước ngoặt quan trọng, đó là vào năm 1966, khi đang mang thai, không may trên đường về quê bà bị tai nạn, bị thương rất nặng tưởng không qua nổi, ba ngày trong tình trạng chết lâm sàng. Sau này bà kể lại, trong cơn đau bà cảm nhận như có ai đó khuyên bà hãy dùng đôi bàn tay xoa vào vùng bụng để cứu đứa con. Bà gắng sức làm theo. Điều kỳ diệu là người con bà sinh ra may mắn chào đời bình an, đó là anh Lâm Minh Chí. Sau này anh Chí làm nghề xây dựng, hiện đang sinh sống tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Nhưng cũng từ đó, bà Hai Hương cảm nhận rõ ràng mình được giao sứ mệnh phải ra đi, bằng tâm đức và khả năng của mình đi chữa bệnh giúp đời. Khi Lâm Minh Chí mới 2 tuổi, bà nhờ Lâm Hoàng Anh (15 tuổi) chăm nom em và thay mẹ lo toan mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Bà tạm biệt chồng con, với đôi quang gánh trên vai, bà đi đến nhiều làng quê. Để có thể gặp được mọi người, đi tới đâu bà cũng rao:“Cao đơn hoàn tán, thuốc dán, thuốc ho, ai xin thì cho, ai mua thì bán”, lời rao lạ khiến nhiều người tò mò, hỏi mua thuốc nhưng bà chỉ biếu. Biết ai đau ốm bà dùng đôi bàn tay xoa, vỗ, đập nhẹ nhàng rồi cho uống một cốc nước. Chỉ đơn giản như vậy mà giúp được rất nhiều người khỏi bệnh, nhưng bà không hề nhận tiền của ai. Để làm được công việc chữa bệnh giúp người, bà đi khắp nơi và phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, khổ cực.
Năm 1975, đất nước Thống nhất, bà lại ngược xuôi khắp nơi, dùng nguồn năng lượng kỳ diệu chữa bệnh cho mọi người. Bà còn hướng dẫn, đào tạo nên nhiều môn sinh (sau này là những Huấn luyện viên, Hướng dẫn viên DSTT) tại các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk... Nhiều môn sinh được Má Hai Hương hướng dẫn, đào tạo thành lực lượng nòng cốt, trở về địa phương, xây dựng tổ chức điểm tập DSTT, thành lập các CLB, một số người trở thành lãnh đạo tại các Hội DSTT, Trung tâm DSTT trên cả nước. Nhiều người trong số này thực sự có uy tín, có tâm sáng và khả năng chuyên môn cao, đã giải quyết thành công cho hàng ngàn lượt người không may bị bệnh nặng, bệnh khó chữa.
Bà Hai Hương tiên đoán phương pháp chữa bệnh của bà (khi đó chưa có tên) sẽ tiến ra phía bắc. Một lần bà nói với các môn sinh: “Chỉ vài ba năm nữa chúng ta sẽ có mặt tại Thủ đô Hà Nội”. Đúng ba năm sau, như nhân duyên đã định, TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ và Tin học ứng dụng (UIA) đã mời bà ra Hà Nội để tổ chức khảo nghiệm, nghiên cứu và ứng dụng phương pháp tập luyện đơn giản, (rèn luyện tu tâm và tập vận động hít, thở thu năng lượng đất- trời) của bà vào đời sống. Cho đến tận lúc này, bà vẫn sống giản dị, thanh bạch, thậm chí đời sống hàng ngày vẫn chưa hết khó khăn, vất vả, tuy nhiên bà vẫn luôn tâm huyết với sứ mệnh của mình.
Phương pháp tập luyện do bà Tôn Nữ Hoàng Hương khởi xướng chính thức được ông Vũ Thế Khanh đặt tên là “Dưỡng sinh tâm thể” (DSTT). Nhận thấy DSTT cần được nghiên cứu sâu hơn để phục vụ nhân dân, TS.Vũ Thế Khanh ký Quyết định thành lập “Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng DSTT” (21/8/1995), bổ nhiệm bà Tôn Nữ Hoàng Hương làm Giám đốc Trưởng môn; năm 1997, Đại tá, Nhạc sĩ- Tiến sĩ Doãn Nho làm Giám đốc Trung tâm. Sau này Trung tâm được nâng cấp thành Viện Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể Việt Nam,Viện trưởng là Đại tá, TS- Nhạc sĩ Doãn Nho. Viện có Ban Nghiên cứu Khoa học, Văn phòng, Ban Truyền thông và Ban Chuyên môn- Đào tạo
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển (21/8/1995- 21/8/2020),Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Hội Nghị nghiên cứu khoa học; biên soạn nhiều tài liệu, biên soạn sách, viết báo; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn công tác Truyền thông... thậm chí kiêm cả công tác tổ chức, phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại các địa phương để hướng dẫn, tư vấn xây dựng và phát triển mạng lưới DSTT ở cơ sở.
DSTT nhanh chóng phát huy hiệu quả đến nhiều địa phương trong cả nước. Thời kỳ đó, dù còn muôn vàn khó khăn nhưng bà Hai Hương vẫn cùng ban lãnh đạo Viện DSTT và anh chị em Huấn luyện viên, Hướng dẫn viên, Tình nguyện viên DSTT tỏa về các địa phương để hướng dẫn và trực tiếp tác động chữa trị bệnh tật cho bà con. Nhiều địa phương đã hình thành các điểm tập tập thể, điểm tập gia đình, từ đó ra đời các Câu lạc bộ DSTT, Trung tâm DSTT và Hội DSTT, các mô hình này đến nay vẫn có sức sống bền bỉ và phát huy hiệu quả đắc lực, bất cứ ở đâu DSTT cũng khẳng định được hiệu quả làm lành bệnh và tính nhân văn sâu sắc của phương pháp.
Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 12/5/2005 (tức ngày 5/4 năm Ất Dậu) để lại muôn vàn tiếc thương cho cộng đồng DSTT. Điếu văn của ông Vũ Thế Khanh, TGĐ Liên Hiệp Khoa học Công nghệ và Tin học ứng dụng (UIA) đọc tại lễ truy điệu bà Tôn Nữ Hoàng Hương nêu rõ: “Tuy tấm thân tứ đại của Má lại trở về với đất, với trời, nhưng những cống hiến của Má vẫn được ghi sâu trong tâm khảm muôn người, phương pháp Dưỡng sinh Tâm thể do má khởi xướng sẽ còn duy trì và phát triển mãi mai sau”.
Nơi an nghỉ cuối cùng của bà Tôn Nữ Hoàng Hương tại nghĩa trang “Cực lạc Thái Bình”, thuộc phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Bà Hai Hương còn 4 người con: con gái đầu là Lâm Thị Hoàng Anh, sinh 1957, hiện sinh sống tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, theo gương mẹ làm DSTT giúp mọi người. Ba người con trai là: Lâm Minh Khương, sinh 1958, là Bác sĩ, hiện công tác tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Tây Ninh; Lâm Minh Trí, sinh 1963, Dược sĩ, hiện là Trưởng khoa xét nghiệm, BV Đa khoa tỉnh Tây Ninh; Lâm Minh Chí, sinh 1967, làm nghề xây dựng. Cả ba người con trai hiện đang sinh sống cùng vợ con tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Đặc biệt, sau khi bà Tôn Nữ Hoàng Hương về cõi vĩnh hằng, tại khắp các địa phương, nhiều gia đình đã xin lập ban thờ, thành kính xin được coi bà như người Mẹ của mình để thờ phụng. Ngày giỗ bà (Mồng 5 Tháng Tư âm lịch) nhiều đơn vị DSTT, nhiều gia đình tham gia DSTT trên cả nước đã tổ chức ngày giỗ rất trang trọng, bày tỏ lòng tưởng nhớ và niềm biết ơn đối với má Hai Hương.
Sinh thời, bà Hai Hương thường căn dặn mọi người muốn tập luyện, muốn làm DSTT có hiệu quả phải sống với “Tâm lành- Thân lành-Ngôn lành”. Bà nhắc nhở khi giúp người phải coi đó là mệnh lệnh của trái tim, phải: “Lấy bệnh làm lệnh!”. Và khi cần thiết, phải năng động, sáng tạo: “Nhất tâm, vạn pháp”. Đặc biệt bà nhắc nhở mọi người phải khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn Tổ tiên, công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng, Liệt sỹ.
Là thành viên của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, 25 năm qua, Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam cùng đội ngũ Huấn luyện viên, Hướng dẫn viên và Tình nguyện viên DSTT trên cả nước rất tự hào đã góp phần hiệu quả cho sự nghiệp vì sức khỏe cộng đồng. DSTT Việt Nam luôn biết ơn Má Hai Hương. Dẫu đã về cõi vĩnh hằng nhưng mãi mãi Má vẫn là nguồn Năng lượng tình thương diệu kỳ cho tất cả chúng ta.
VIỆN NGHIÊN CƯÚ ỨNG DỤNG
DƯỠNG SINH TÂM THỂ VIỆT NAM