33 năm sau khi bài hát "Người con gái sông La" ra đời, nhạc sĩ sáng tác và nhân vật "bằng xương bằng thịt" mới có dịp giáp mặt. Như gặp lại người thân, đồng đội, nhạc sĩ Doãn Nho và anh hùng La Thị Tám đã kể cho nhau nghe về kỷ niệm chiến đấu và sự ra đời của bài hát
Vừa qua, tại Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã diễn ra chương trình giao lưu ca nhạc "Âm vang sông La". Chương trình quy tụ những bài hát hay về dòng sông La gắn với nhiều chiến tích và huyền thoại và gặp mặt các nhạc sĩ có những tác phẩm hay về dòng sông đầy thơ và nhạc này. Đặc biệt đây là cuộc hội ngộ xúc động của nhạc sĩ Doãn Nho với nhân vật "bằng xương bằng thịt" của bài hát "Người con gái sông La" do ông sáng tác cuối năm 1970 - nữ anh hùng La Thị Tám - người đếm bom ở ngã ba Đồng Lộc mà nhiều người đã quen với cái tên này.
| |
Chắc hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh của La Thị Tám trong những bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo chụp tại ngã ba Đồng Lộc năm 1968: chắc lẳn, tươi giòn, khoé miệng tinh nghịch, còn đôi mắt thì khiến kẻ thù khiếp sợ. Nay trong cương vị mới trông giản dị và đằm thắm hơn. Cô gái "tuổi 18 tròn" năm xưa đã 54 tuổi.
Chính người phụ nữ này trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1972) đã có mặt ở "túi bom" Đồng Lộc đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm là quan sát, cắm tiêu, đảm bảo thông xe an toàn tại ngã ba huyết mạch này. Công việc của chị là đứng trên đồi cao, phía bên trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ trút bom xuống dữ dội nhất để đếm số lượng bom mà kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh, chính xác xem bao nhiêu quả bom đã ném xuống, bao nhiêu quả đã nổ, những quả còn lại rơi ở vị trí nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến cắm cờ đỏ vào đó chờ bộ đội công binh đến rà phá. Mật độ bom đạn ở đây nhiều nhất trong cả nước, đất sỏi vữa ra thành bùn... Ở nơi đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh.
span style="color:#000000;"> | /p>
Cùng thời gian đó, ngày 24/7/1968, mười cô gái trong tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc anh dũng hy sinh khi tất cả họ đang ở tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, dệt nên huyền thoại đau thương, anh hùng về Đồng Lộc. Tháng 10 năm 1970, nhạc sĩ Doãn Nho cùng đơn vị hành quân qua Đồng Lộc. Xúc động trước hình ảnh La Thị Tám và câu chuyện về mười cô gái Đồng Lộc, nhạc sĩ Doãn Nho đã sáng tác bài hát "Người con gái Sông La" dựa trên lời thơ Phương Thuý. Giai điệu của bài hát mang âm hưởng của Đồng Lộc, ngọt ngào, da diết, thân thương nhưng cũng đầy bi tráng: "Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang. Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang. Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam..."
Chị La Thị Tám nghe được bài hát này lần đầu tiên vào một buổi sáng cuối năm 1970 do nghệ sĩ Tường Vi thể hiện rất thành công. Lúc đó cô đã khóc vì xúc động.
Hơn 30 năm đã đi qua, cây cỏ đã mọc xanh trên hàng vạn hố bom Đồng Lộc, nhạc sĩ Doãn Nho và chị La Thị Tám mới có dịp đối diện với người mà mình mong gặp gỡ từ lâu. Nhạc sĩ Doãn Nho đã hát cho nhân vật của mình nghe về chính cô. Họ kể cho nhau nghe về kỷ niệm thời chiến, niềm tự hào được có mặt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nhạc sĩ Doãn Nho đã tâm sự với chị La Thị Tám và cũng là nói với đồng đội của ông: "Chúng ta tự hào tuổi trẻ của chúng ta đẹp. Cả một thế hệ đẹp vô cùng, thế mới thắng Mỹ được chứ!"
Cẩm Hạ
Nguồn: http://ngabadongloc.org.vn/