Từ cuối năm 1995, người dân Phú Thọ có may mắn được tiếp xúc một phương pháp tập luyện đẩy lùi bệnh tật và chữa bệnh không dùng thuốc do đoàn hướng dẫn viên của Trung tâm DSTT (nay là Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT) đem đến.
Sau khi tham gia một lớp tập ngắn ngày rồi về nhà tự tập, thời gian trên dưới 1 tháng, nhiều người rất vui mừng khi thấy mọi bệnh tật tự thấy như không còn, có những bệnh trước đây đã điều trị điều dưỡng nhiều lần không khỏi.
Là những cán bộ đã nghỉ hưu, từ những kết quả qua tập luyện, chúng tôi nói với nhau: “Phải đem hạnh phúc này đến dân cùng hưởng, mình tập thế nào, hướng dẫn như thế”. Một vài người chúng tôi đến với người thân, quen, người có bệnh nói rõ kết quả và cách tập, tổ chức hướng dẫn từng nhóm nhỏ 2-3 người, dần trở thành phong trào người dân tự tổ chức, các lớp tập có hàng chục, nhiều lớp lên tới hàng trăm người tập.
Nhiều người chưa tổ chức được lớp tập, xin được tham gia tập, mọi lớp tập sau một vài ngày số người tập dần tăng lên. Một hiện tượng lần đầu xuất hiện, nhìn qua thấy đơn giản, nhưng kết quả rất thiết thực dân hoan nghênh, đòi hỏi tìm đến. Nhà chúng tôi trở thành những điểm tập gần như thường xuyên nhiều tháng.
Cũng trong thời gian này, đồng thời xuất hiện những hoài nghi, các cơ quan chức năng nhiều cấp vào cuộc, gây ra biết bao cản trở, xin được trích một văn bản của một xã trả lời Hội Người cao tuổi xin tổ chức lớp tập:
- Yêu cầu người hướng dẫn tập phải có giấy phép hành nghề và được sự đồng ý của Trung tâm y tế cấp huyện.
- Có kế hoạch, thời gian, biện pháp tổ chức tập luyện.
- Tất cả các giấy tờ trên được UBND xã thông qua.
Nhờ có dân ủng hộ, và cơ sở pháp lý, chúng tôi dần vượt qua khó khăn, phong trào tập luyện vẫn được duy trì và phát triển. Tuy nhiên đến nay tàn dư của các biện pháp cản trở ít nhiều còn tồn tại.
12 năm hoạt động tự phát là 12 năm từ thực tế kết quả cho chúng tôi củng cố lòng tin ở phương pháp và nhận thức sâu sắc hơn: Mọi việc nếu được dân đồng tình sẽ tạo ra sức mạnh, sự thuyết phục bằng kết quả thực tế thì sẽ vượt qua mọi trở ngại.
Nhưng cũng đặt ra cho chúng tôi cần phải kiểm tra lại mình, có những gì để có sự hoài nghi không? Hiệu quả của phương pháp đã rõ ràng, nhưng giải thích thế nào, những khâu nào là chủ yếu, là quyết định v.v…
Ông Đỗ Mão, Chủ tịch Hội DSTT tỉnh Phú Thọ
1. Năm 2008, sau 12 năm hoạt động tự phát, Liên hiệp các Hội khoa học- kỹ thuật tỉnh Phú Thọ chủ động tạo điều kiện cho thành lập trung tâm, 6 tháng sau UBND tỉnh có quyết định cho thành lập Hội: Hội Nghiên cứu, ứng dụng khoa học DSTT tỉnh Phú Thọ.
Chúng tôi vui mừng hoạt động có phần yên tâm hơn, và cho rằng các quyết định trên là sự thừa nhận tính hợp pháp của phương pháp DSTT.
12 năm phong trào tập luyện sôi nổi có trên 6.000 người tập, nhưng duy trì tập chỉ còn trên dưới 10% vì nhiều nguyên nhân cho là bệnh đã khỏi, tập ở gia đình có nhiều việc diễn ra, không yên tâm để tập, một phần còn có những tác động của xã hội, nhiều người bệnh tái phát.
Từ thực tế chúng tôi cho rằng:
- Để tập có hiệu quả cao, cần thiết phải tạo ra điều kiện để giúp người dân tập thường xuyên lâu dài.
- Phải đi sâu và thực tế, coi trọng việc tổng kết và nghiên cứu để lý giải, giải đáp những gì người tập còn băn khoăn.
BCH chúng tôi quyết định:
- Mở lớp đều đặn, cố gắng tranh thủ chính quyền địa phương cho thành lập tổ chức với nhiều hình thức: Hội, Chi hội, Câu lạc bộ, Điểm tập v.v…
- Mọi cán bộ, HDV phải đề cao ý thức tập luyện và thực nghiệm, tự đánh giá kết quả.
- Nghiên cứu tham khảo các phương pháp dưỡng sinh khác, qua y văn cổ truyền, nhất là những vấn đề có liên quan đến tập luyện dưỡng sinh, những xác định của người xưa, của các nhà khoa học qua những gì đã được nghiên cứu, kết luận.
- Đến nay Hội DSTT tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được 9 cơ sở với gần 400 hội viên.
- Có cơ sở đã qua 8 năm từ trên 40 hội viên , nay có trên 80 hội
viên gần như không nghỉ ngày nào không tập, trừ ngày tết và quá rét, có cơ sở, hội viện yêu cầu trong ngày có 2 buổi tập sáng và tối để thích hợp với hoàn cảnh làm ăn. Có cơ sở yêu cầu tập đến ngày 30 Tết, chỉ nghỉ ngày mồng 1, mưa rét cũng gọi nhau đi tập.
Nhờ kết quả tập luyện liên tục, nhiều ngày, bệnh không còn tái phát, số người đi viện chữa bệnh như những năm trước, nay không còn, nếu có đến bệnh viện chỉ để kiểm tra. Cùng với đó, những người tham gia DSTT tính tình thay đổi tích cực, quan hệ xóm, phố thân tình hơn.
Kết quả tập luyện thường xuyên hiệu quả rõ rệt, hội viên như đã tạo ra nếp sống tập luyện hàng ngày, cùng với kết quả tập luyện, thực nghiệm, nghiên cứu của cán bộ, HDV đã cho chúng tôi có một số nhận thức về nội dung phương pháp DSTT:
- Tập luyện theo phương pháp DSTT, người tập tự đẩy lùi bệnh tật, sức đề kháng tăng lên và cải biến về tinh thần theo chiều hướng tích cực…
- Tập trung tư tưởng cao khi tập, thực chất là thiền động vì nó có những đặc trưng như thiền tĩnh thần kinh vỏ não ở tình trạng nghỉ, cơ thể thư giãn, mạch vành dãn nở, nhịp tim chậm lại, huyết áp hạ v.v… năng lượng qua thở vào cơ thể được luân chuyển dễ dàng, thông suốt.
- Thiền kết hợp với thở là khâu quyết định hiệu quả của quá trình tập luyện. Nhờ thiền, năng lượng qua thở thu vào cơ thể ngày một tăng, dần giúp cho cơ thể khai thông hệ thống giao lưu giữa cơ thể và môi trường.
Một bộ phận quan trọng của hệ thống này bình thường không khai mở, chỉ nhờ có thiền mới được khai thông, phát huy tác dụng, làm tăng khối lượng năng lượng thu vào cơ thể, thấm sâu vào các cơ quan bộ phận đến tận tế bào. Đó là hệ thống đại huyệt, hệ thống cửa ngõ, tập trung nhiều mối thần kinh, năm trên 2 mạch nhâm và đốc, là 2 mạch chủ của 2 kinh âm dương của cơ thể, ngày nay nhiều phương pháp dưỡng sinh gọi là luân xa.
Hệ thống mở của toàn cơ thể bao gồm các giác quan, hệ thống lỗ chân lông và hệ thống luân xa, hệ thống mở của cơ thể được khai thông, năng lượng vũ trụ thu vào cơ thể được sung mãn.
Kiên trì thiền kết hợp với thở, những tiềm năng bí ẩn dần dần được khai mở, các năng lực bên trong vùng não được khai thông phát huy tác dụng: ý thức trách nhiệm với bản thân và xã hội và trí tuệ của con người được phát huy.
Thở của DSTT nhằm thúc đẩy hệ thống cơ hoành, thở bằng miệng cơ hoành hoạt động mạnh hơn, kích thích nhiều bộ phận cơ quan vùng bụng và ngực, giúp cho hoạt động hô hấp và tuần hoàn, đưa máu ở tĩnh mạch về tim được tốt hơn, làm tăng nhu động và bài tiết của các tạng tiêu hóa, bao gồm gan và tụy tạng.
Như vậy thiền kết hợp với thở của DSTT là khâu quyết định kết quả của tập luyện.
Hiệu quả tập luyện cao hay thấp tùy thuộc vào kết quả của Thiền và Thở. Thiền là việc khó, nếu không khắc phục những tạp niệm kết quả hạn chế. Để thiền có kết quả, người tập phải gắng luyện tâm, khắc phục cái tôi vị kỷ. Từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm phải vì cộng đồng, tâm có thanh thản, khi thiền không bị các tạp niệm chi phối, thiền mới có hiệu quả.
- Như vậy rèn luyện tâm còn để khắc phục tận gốc những nguyên nhân gây bệnh.
- Thiền có kết quả còn là cơ sở củng cố phát huy kết quả rèn luyện tâm.
- Có được một số nhận thức như trên, chúng tôi đòi hỏi các cơ sở, các HDV khi tập, mở lớp phải coi trọng việc thiền và thở, khắc phục việc chỉ chú ý hít hà và vận động cơ bắp, đồng thời khắc phục tình trạng nặng lo xoa vỗ hỗ trợ người bệnh, coi nhẹ tập luyện.
Và qua nghiên cứu được biết, khi tĩnh tâm dùng ý điều khí (điều năng lượng), vài năm nay một số HDV chúng tôi đã thực nghiệm như chữa bệnh từ xa, tự chữa bệnh khi đưa khí vào chỗ đau kết hợp xoa vỗ nhẹ và khi tập đưa khí vào các vùng có luân xa, mong khai mở được nhanh hơn, bước đầu có kết quả, nhưng lý giải về lý thuyết còn chưa rõ.
Và những đặc điểm riêng biệt của nội dung phương pháp DSTT, chúng tôi được biết trong y văn dân tộc, từ xa xưa có phương pháp tập mang nội dung chủ yếu như DSTT ngày nay, có suy nghĩ: Phải chăng đây là phương pháp của dân tộc ta, đã bị lãng quên, nay được khôi phục, phát triển cả về nội dung và quy mô, và có tên là DSTT.
Từ kết quả của quá trình tập luyện, hướng dẫn tập luyện, xây dựng các cơ sở và nghiên cứu, có được một số nhận thức bước đầu chúng tôi biết rằng: Phương pháp DSTT mang nội dung khoa học sâu sắc. Tuy nhiên còn có những vấn đề, khoa học ngày nay chưa có điều kiện để lý giải dựa trên cơ sở lý thuyết nhưng qua thực nghiệm đã chứng minh
DSTT là một phương pháp tập luyện giúp cơ thể tăng khả năng phòng bệnh, tự chữa bệnh đạt hiệu quả cao. Thực tế 20 năm qua cho thấy DSTT đã ít nhiều hỗ trợ cho ngành y hiện đại, một phương pháp tập luyện thuộc lĩnh vực y học năng lượng. Tiếc rằng, 20 năm qua, hệ thống DSTT hoạt động chỉ vì lương tâm, vì người dân, làm được đến đâu được niềm vui đến đó, chưa được giao trách nhiệm.
Một phương pháp thông qua tập luyện không chỉ cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật, còn giúp con người cải biến về mặt tinh thần, dần phát huy tính nhân văn, có lối sống trung thực, vị tha, giàu tình thương, phù hợp với yêu cầu xây dựng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách (Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng).
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn (do Hội DSTT Phú Thọ tổ chức) chụp ảnh lưu niệm
2. Từ những kết quả trên, chúng tôi xin được kiến nghị:
- Nhà nước sớm có cơ chế về tổ chức quản lý:
- Xác định trách nhiệm trong hệ thống chính trị về chăm lo sức khỏe cho dân qua tập luyện dưỡng sinh, dần tạo ra phong trào xã hội hóa toàn dân tập luyện.
- Đầu tư về nhân sự và trang thiết bị cho công tác nghiên cứu khoa học về phương pháp DSTT.
- Cơ chế phối hợp với ngành y, hình thành một số trung tâm hướng dẫn tập luyện và chữa bệnh bằng y học năng lượng,
- Đề nghị các nhà khoa học góp sức lý giải về nội dung về phương pháp tập luyện, giúp DSTT tiếp tục nâng cao hiệu quả.
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT, vui mừng và tự hào trước những thành tựu đạt được, đồng thời kỷ niệm 10 năm Bà Trưởng môn Tôn nữ Hoàng Hương đã đi xa, người đã để lại cho đời, cho dân tộc một môn phái tập luyện độc đáo, tri ân công sức và noi gương đức độ của Bà, Hội Nghiên cứu ứng dụng khoa học DSTT tỉnh Phú Thọ nguyện tiếp tục đồng lòng vượt mọi khó khăn, góp phần phát triển, nâng cao hiệu quả tập luyện DSTT.
Đỗ Mão
Chủ tịch
Hội Nghiên cứu ứng dụng khoa học DSTT Phú Thọ